Có một Sa Đéc trầm mặc bên dòng sông
Du khách phương xa thường biết đến thành phố Sa Đéc của tỉnh Đồng Tháp qua làng hoa Sa Đéc, hay nhà cổ Huỳnh Thủy Lê, nhưng thật bất ngờ vì còn có một Sa Đéc trầm mặc khác lạ bên dòng sông hiền hòa…
Kiến An Cung (còn gọi là chùa Ông Quách, chùa Ông) – ngôi đền gần 100 năm tuổi được xây dựng bởi những người Hoa từ Phúc Kiến
Từ rất xa xưa, Sa Đéc là vùng đất trũng, nước ngập quanh năm khí hậu ẩm ướt, dân cư thưa thớt…. Địa danh “Sa Đéc” là âm tiếng Việt của chữ “Phsar- Dek” là tên của một vị thuỷ thần mà đồng bào Khơ- mer tôn sùng, từ này còn có nghĩa là chợ Sắt.
Với địa thế khá đặc biệt, rất thuận lợi về nhiều mặt và là địa bàn chiến lược nên Sa Đéc đã được chúa Nguyễn chọn làm trung tâm của vùng Đông Khẩu Đạo (1757).
Từ đó, cộng đồng dân cư càng đoàn kết, gắn bó nhau hơn để khai thác, làm ăn, mua bán… chẳng bao lâu sau mà thành lập trên 60 thôn; dân cư tập trung ngày một đông, nhiều tụ điểm dân cư mới được hình thành, đã bắt đầu xuất hiện phố thị mua bán ngày một tấp nập và dần dần trở thành một trong vài thị tứ quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long lúc bấy giờ.
Thành phố Sa Đéc hiện nay vẫn còn lưu giữ nhiều công trình cổ kính – chứng nhân của một thời lịch sử vàng son.
Những công trình mang đậm dấu ấn thời gian nằm rải rác khắp thành phố, như công trình nhà cổ Huỳnh Thủy Lê nổi tiếng nhờ tiểu thuyết tự truyện “Người tình” của nữ văn sỹ người Pháp Marguerite Duras; Kiến An Cung (còn gọi là chùa Ông Quách, chùa Ông) – ngôi đền gần 100 năm tuổi được xây dựng bởi những người Hoa từ Phúc Kiến, hay Phước Hưng Cổ Tự (còn gọi là chùa Minh Hương, chùa Hương) rêu phong và trầm mặc.
Nhưng Sa Đéc đâu chỉ là như vậy! Vẫn còn đó một Sa Đéc thơ mộng và hoài cổ, trầm mặc và bình dị bên bờ sông, nơi dấu ấn thời gian in hằn sâu sắc, nơi trải dài những ngôi nhà có tuổi đời từ vài chục năm cho đến cả trăm năm mà người dân vẫn ngày ngày sinh sống, bán buôn…
Rảo bộ trên đường Nguyễn Huệ và Phạm Ngọc Thạch, dọc theo sông Sa Đéc, bạn như quay ngược thời gian trở về với quá khứ, lạc bước vào một thế giới của những giá trị lịch sử – văn hóa cổ kính, rơi vào không gian của những hoài niệm. Đó là hàng loạt những ngôi nhà nhỏ xinh, xưa cũ và hoài cổ.
Đó là các bảng hiệu cũ kỹ được viết tay trau chuốt từ thời xưa. Đó là một góc phố vắng, nơi mảng tường rạn nứt để lộ lớp gạch bám đầy rêu, bên cạnh là quầy bánh canh vỉa hè của một cụ bà ở tuổi thất thập cổ lai hy. Là cụ ông ngồi trước cửa của ngôi nhà nhỏ và cũ, an yên đọc báo. Là những con đò, chiếc phà nhịp nhàng qua lại trên sông.
Những ngôi nhà nhỏ xinh, xưa cũ và hoài cổ bên sông Sa Đéc
Một bảng hiệu cũ phai màu theo thời gian
Một góc phố trầm mặc in đậm dấu ấn thời gian
Sông Sa Đéc
Cách đó không xa là chợ Sa Đéc sầm uất nhưng chân chất, náo nhiệt mà gần gũi. Từ xưa, Sa Đéc đã nổi tiếng là một thị tứ đông đúc, trong đó, chợ Sa Đéc xưa đã tạo thành một đô thị phồn hoa nhờ hoạt động mua bán tấp nập.
Chợ Sa Đéc nằm ven dòng sông, xung quanh có nhiều kênh rạch nối liền vùng này với vùng khác. Ghé chợ Sa Đéc để hòa mình vào không gian phóng khoáng và vui tươi đặc trưng của vùng miền Tây Nam bộ..., để trải qua những cung bậc cảm xúc khi thì trầm trồ vì mớ trái cây tươi ngon mà rẻ, khi thì lắng đọng bởi kiến trúc của một ngôi chợ cổ kính mà đời sống hiện đại không thể xóa nhòa.
Một góc chợ Sa Đéc về đêm
Thật tâm mong rằng Sa Đéc có thể lưu giữ được vẻ chân phương như bây giờ, gìn giữ và phát huy các giá trị truyền thống xưa cũ, hòng mãi để lại ấn tượng về một thành phố trầm mặc và hiền hòa trong lòng những du khách yêu mến hoài niệm…
Chợ nổi là loại hình chợ đặc trưng của đồng bằng sông Cửu Long. Không chỉ là nơi buôn bán, những khu chợ nổi này...