Cồn Sơn xanh rực rỡ, vui bất tận
Tới Cồn Sơn, chúng tôi như bước vào một thế giới khác, trong lành với vẻ đẹp mộc mạc như mấy trăm năm trước thời mở cõi để thấm đẫm màu xanh rực rỡ và tận hưởng niềm vui sông nước bất tận trước khi về lại thành phố.
Cái nắng tháng 5 có chút gay gắt, có chút bức bối, có chút bực bội thất thường, dường như là những gắng gượng cuối của mùa khô để cho cả miệt đồng bằng sông Cửu Long vào mùa mưa, mùa của những con nước từ đầu nguồn sông Mê Kong đổ xuống mang phù sa bồi đắp cho cả vùng châu thổ, mang về cư dân miệt này những sản vật sông nước đã thành danh hàng ngàn năm nay…
Cồn Sơn như một cù lao xanh giữa dòng sông Hậu
Trong hành trình về miền Tây từ TP.HCM, trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc từ những bí ẩn trong ngôi chùa Kh’Mer đến cái mênh mông thâm u mà rực rỡ của rừng tràm U Minh Hạ, chúng tôi đã khép lại chuyến đi bằng một cú chạm đầy ngẫu hứng thú vị tại Cồn Sơn - cù lao Sơn thuộc quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Đây là một cù lao nhỏ nằm trên dòng sông Hậu nối liền Cần Thơ và Vĩnh Long. Có nhiều huyền thoại cho cái tên của Cồn Sơn, chỉ để nói đầy là một vùng đất đẹp trên dòng sông Hậu. Theo như bản đồ của Pháp năm 1949-1950 lưu lại, thì Cồn Sơn có tên “cù lao Trà Nóc”.
Tài liệu khác lại gọi là Cồn Linh vì thời xa xưa, xuất hiện nhiều hiện tượng lạ, như câu chuyện thời Vua Tự Đức năm thứ 5 (1852), quan tuần phủ Huỳnh Mẫn Đạt ngồi thuyền đi tuần trên sông Hậu, vừa đến Cồn Linh thì gặp trận cuồng phong, được các bô lão chỉ dẫn tìm đến cù lao có “Ngọn rạch bình yên, không hề có sóng to gió lớn. Hoa màu thịnh vượng, dân lạc nghiệp an” tránh gió. Và sau đó Tuần phủ ưng lòng đặt tên vùng này là Bình Thủy, có cù lao Cồn Sơn nằm ngang.
Còn theo những người cao niên trên cồn thì từ trước năm 1930, cù lao này mọc rất nhiều cây sơn, nhựa cây dùng để sơn son thiếp vàng đồ nội thất bằng gỗ, trở thành nghề truyền thống, nhưng rồi dần mai một. Nhờ trời thương, ban cho đất lành, người dân chuyển sang trồng cây ăn trái và nuôi cá, rồi dần dần phát triển để thành một điểm đến “xanh” trong bản đồ du lịch.
Một vườn rau xanh mướt ở Cồn Sơn
Từ trung tâm thành phố Cần Thơ, theo hướng Quốc lộ 91, đến bến đò Cô Bắc, phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, thì bắt thuyền máy hay ghe sang Cồn Sơn. Ngay từ cái nhìn đầu tiên từ trên chiếc thuyền, trong tầm mắt không xa lắm, bao quanh mênh mông nước màu phù sa là một cái lõi xanh mướt mát đến dịu dàng, có chút hoang sơ bởi những chân quê rặng bần, những dập dềnh lục bình bao bọc, và gần thêm chút nữa là một màu xanh ngọt ngào của những vườn cây, tới khi cập vào bến, lên bờ chỉ vài chục bước chân là ngợp trong mắt những vườn rau xanh miên man…
Cồn Sơn với hơn 100 hộ gia đình, có diện tích khoảng 70 mẫu, đất đai đậm đặc phù sa bồi đắp quanh năm, như một thứ dinh dưỡng chất lượng cao, cho cây trái bốn mùa thơm ngọt, cho tôm cá quanh năm đa dạng dồi dào và cho cả tình người thật thà, chất phác, thân thiện dễ thương, lại vô vùng hiếu khách, chân tình, nồng hậu, cho ai một lần được ngắm nụ cười là cảm thấy gần gũi thân thương, có xa rồi vẫn nhớ như một lưu luyến để trở lại.
Vườn nhãn cổ
Đến Cồn Sơn đầu tiên là trải nghiệm với những khu vườn cây mùa nào trái đó ngọt thơm từng bước chân. Mùa tháng 5 này là nhãn, ổi, chôm chôm, măng cụt, mít… Gió sông lồng lộng mát, cho bước chân đi ngang đi dọc luồn vào những con đường nho nhỏ xinh xinh rợp mát bóng cây, để khi “rơi” vào những khu vườn, y như đang trong một câu chuyện cổ tích làng quê vài trăm năm trước.
Tôi đã như lạc thần trong vườn nhãn cổ thụ, những cây nhãn lồng giống truyền thống gốc của xứ sở sông nước miền Tây, vỏ mỏng, mọng nước, ngọt đậm, thơm lừng, tưởng chừng đã tuyệt chủng nhiều năm bởi bao giống nhãn lai như da bò, cơm xuồng vàng, bắp cải… Trái nhãn vừa hái trên cây xuống, hít hà hương thơm ngọt, một cảm giác an bình dễ chịu, và khi bóc trái nhãn, nút chút nước ngọt đang tràn ra, một vị ngọt lan tỏa chỉ có thể cảm mà khó diễn tả được.
Vườn chôm chôm sắp vào vụ thu hoạch
Ở khu vườn chôm chôm là một trài nghiệm đầy thú vị khi vít từng cành trĩu trái chín đỏ, rồi ngay tại cây, bóc từng trái nếm thử, vị ngọt ngọt chua chua như một liều giải khát thần kỳ trong nắng trưa đến mê mẩn. Rồi vườn dâu xanh, vú sữa, cam xoàn, mít… Vườn tặng ăn “bao bụng”, còn như muốn mang về biếu bạn bè thưởng thức, có thể tự tay mình hái và mua với cái giá không gì “hạt dẻ” có một không hai so với Sài Gòn.
Có ai từng được trải nghiệm cảm giác chênh vênh, chơi vơi, có chút chới với khi đi qua con mương con ngòi bằng chiếc cầu khỉ bắc bằng một hai cây tre, cao lắc lẻo, chỉ có một tay vịn là một cành tre mỏng manh, mỗi bước chân là cây cầu hình như lung lay rung rinh… Trong nhà vườn, có rất nhiều cây cầu như thế để như một thử thách đầy phấn khích. Vâng! Khi đi lên cầu muốn nín thở không dám thở mạnh, cố ghìm cái run run chỉ sợ rớt xuống, đến khi đi hết cây cầu, cái vỡ òa vượt qua chính mình nó vui làm sao.
Từ vườn cây, sang đến ngôi nhà khác, là một trải nghiệm vừa ngọt ngào vừa “nóng bỏng” theo cả hai nghĩa, làm bánh dân gian Nam bộ. Những chiếc bánh lá mít mỏng trong ăn cùng nước cốt dừa béo ngọt, bánh kẹp cuốn giòn thơm vừa nướng xong nóng hổi vừa thồi vừa ăn, rồi nổ bỏng làm bánh cốm xốp xộp thơm thơm ngòn ngọt beo béo của gạo nếp của mật mía của nước dừa… Mỗi mâm bánh mang ra cho khách có đủ loại, màu sắc, được trình bày đẹp mắt như tác phẩm nghệ thuật sắp đặt rất bắt mắt, và “bắt vị”.
Trải nghiệm làm bánh cốm
Tôi đặc biệt ấn tượng khi quan sát vị nữ tiến sĩ Phan Bích Hà, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM, khi chị thử trài nghiệm nướng bánh kẹp cuốn. Lửa than nóng hừng hực, khuôn bằng gang nặng trĩu, múc muổng bột tráng mỏng vào khuôn, rồi lật lên lật xuống, thi thoảng hé ra xem vàng chưa, rồi vừa rón rén vừa liều lĩnh cho tay vào gỡ chiếc bánh nóng hổi để cuốn tròn lại, rồi thích thú nếm thử thành quả của mình. Một cảm giác tuyệt vời!
Một điều thú vị không thể không nhắc tới, là bất kể đến đâu, từ nhà này sang nhà nọ, cũng được mời những ly nước hoa đậu biếc, nước sa kê mát lạnh, thơm thơm, vừa giải khát, vừa giải nhiệt, vừa như một loại nước uống “nên thuốc” do chính tay gia chủ nấu để mời khách, như một cách tỏ tình thân ái…
“Đặc sản” như một sáng tạo, và cũng như một “sản phẩm” du lịch hấp dẫn của Cồn Sơn là show trình diễn “cá lóc bay” nằm ngay trong một nhà vườn. Để cá có thể biểu diễn, chủ vườn đã áp dụng theo phương pháp của nhà khoa học Nga Paplov, tạo phản xạ có điều kiện với âm thanh, bằng cách chia nhỏ thức ăn hằng ngày, mỗi lần cho ăn là dùng kẻng gõ.
Show diễn cá lóc bay
Và khi bầy cá theo từng độ tuổi từ 6 tháng - 1,5 năm, đã “học” thành tài, khi biểu diễn, cứ nghe hiệu lệnh của tiếng kẻng, thức ăn rải xuống, cả bầy cá hàng trăm con đồng loạt bay lên đớp thức ăn, tạo thành một cảnh ngoạn mục. Chưa hết, chủ nhà còn biến tấu, huấn luyện cá trê “bú” bình, cho thức ăn vào cái bình, cá há miệng đớp thức ăn trong bình rơi ra, y kiểu em bé bú, cũng là một cảnh tượng độc đáo thú vị. Nghe ông chủ chia sẻ, thường bầy cá phải huấn luyện từ nhỏ và mất ít nhất 3 tháng mới có thể làm show biểu diễn được.
Chi tiết cảm động nhất, đầy tính nhân văn và tình thương, lại chính là câu chuyện ứng xử cá - người, khi hỏi những con cá này rồi có ăn thịt nó không, thì chủ cho biết, vì chúng đã giúp gia chủ kiếm tiền, nên khi chúng được khoảng 17 tháng hay khoảng gần 2 năm là cho chúng “về hưu”, sẽ thả trong mương cho tập dần thích nghi lại với thiên nhiên, sau vài tháng khi chúng quen, mới mang thả ra sông hồ cho chúng sống môi trường tự do.
Để kết lại “một thoáng Cồn Sơn” là bữa ăn toàn cây nhà, lá vườn, cá ao, gà chuồng của chính các gia chủ trên miệt đất Cồn. “Mâm cơm cộng đồng” nhiều món, đa sắc, đa vị cuốn hút khó quên, những món ăn vừa quen vừa lạ của miệt sông nước miền Tây Nam bộ, nhưng ăn ở Cồn Sơn, được chính bàn tay gia chủ nuôi trồng, chế biến thành món ăn đầy màu sắc và hương vị.
Bữa ăn còn thi vị hơn khi các gia chủ lại phục vụ khách những câu hò câu lý, vài câu vọng cổ phương Nam ngọt lịm, chân chất, để khách càng thêm thương thêm nhớ miệt Cồn Sơn, để người đi mà vấn vương tơ tình, quyến luyến không nỡ từ biệt.
Cũng phải nói thêm, mô hình du lịch Cồn Sơn là một mô hình “hợp tác” vừa tình làng nghĩa xóm, vừa như anh em một gia đình, tương trợ, hỗ trợ, cùng nắm tay nhau kết hợp để nhà nhà cùng vui. Như chính một chủ nhân ở Cồn Sơn chia sẻ: “Nhà mình mà thu nhập 5 triệu, thì nhà kế bên có ít cũng phải là 4,5 triệu. Cho ai cũng vui”.
Tùy theo từng hộ gia đình kinh doanh các mặt hàng khác nhau để không đụng hàng. Tất cả các gia đình trên Cồn Sơn đều chung tay cùng làm du lịch, tạo nên một tập thể đoàn kết, bù đắp những thiếu hụt, tạo sự đầy đủ cho nhau, để khi khách tới, sẽ tặng cho khách những trài nghiệm đẹp, chỉ có mang nhớ thương mà về và lại tìm cách quay lại một lần nữa…
Những điều thú vị ở Cồn Sơn có lẽ kể một ngày cũng chưa đủ hết, kể một tuần vẫn chưa đã thèm, kể cả tháng thấy vẫn còn thiếu và kể cả năm thì hình như thấy mình yêu đất này mất rồi. Xách ba lô lên và đi thôi…
Đến Bè cá Bảy Bon ở Cồn Sơn (Cần Thơ), du khách có thể vừa tham quan cá dưới sông, vừa tìm hiểu từng loài cá đặc...