Chợ phiên “Chủ nhật” ở Kiên Giang – Nét đẹp mộc mạc của vùng đất Tây Nam Bộ
Sáng sớm, khi những tia nắng đầu tiên vừa kịp chạm vào bầu trời phía đông, chợ phiên "Chủ nhật" thuộc ấp Thắng Lợi, xã Vĩnh Thắng, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang lại bắt đầu nhộn nhịp.
Khác với những khu chợ diễn ra hàng ngày, chợ phiên này chỉ hoạt động vào mỗi Chủ nhật, và không ai biết rõ thời điểm hình thành của nó. Chợ bắt đầu từ khoảng 4 giờ sáng và kéo dài đến 10 giờ, mang đến một không gian mộc mạc, đậm chất miền Tây sông nước. Đây là nơi hội tụ của các tiểu thương từ nhiều vùng khác nhau, tạo nên một nét văn hóa độc đáo và hấp dẫn.
Quang cảnh nhộn nhịp của chợ phiên
Ngay từ lúc trời còn mờ tối, những chiếc xe máy, xe ba gác, và cả những chiếc xuồng, ghe nhỏ chở đầy hàng hóa, sản vật miền quê lại có dịp gặp nhau tại khu chợ. Tiếng người rao bán vang lên khắp nơi, hòa lẫn với tiếng cười nói, tạo nên một bầu không khí vô cùng nhộn nhịp.
Tiểu thương đến đây không chỉ là những người dân địa phương, mà còn rất nhiều người từ các tỉnh, huyện lân cận đổ về đây buôn bán
Những chiếc xuồng chở đầy hàng hóa của người bán và chứa đựng sự háo hức của người mua tạo nên một bức tranh chợ phiên sinh động, sắc màu
Bước chân vào chợ, du khách như lạc vào một bản giao hưởng sống động. Tiếng rao hàng, tiếng cười nói rôm rả hòa quyện, tạo nên một không khí tưng bừng, nhộn nhịp. Từ những gian hàng quần áo sặc sỡ đến các quầy rau củ quả tươi xanh, tất cả đều mời gọi, níu chân người mua. Câu “Mua thau, rổ về xài đi em ơi!”, “Vải đẹp lắm, em chọn đi, chị lấy rẻ cho!” vang lên không ngớt, như một lời mời gọi chân thành đến từ những người bán hàng thân thiện.
Cứ mỗi phiên chợ diễn ra, cả người bán lẫn người mua lại có dịp gặp nhau để trao đổi hàng hóa và hỏi thăm nhau bằng những câu nói gần gũi, rất đỗi thân thương của con người miền sông nước
Các bà, các cô tranh thủ những tia nắng đầu ngày để nhanh chóng lựa cho mình mặt hàng tươi ngon
Dân dã trong từng món hàng
Một điểm đặc biệt của phiên chợ này chính là sự đa dạng của các loại hàng hóa. Từ những món đồ gia dụng thông thường như rổ, nồi niêu, chén dĩa cho đến các loại quần áo, vải vóc với màu sắc và kiểu dáng phong phú hay những loại rau củ quả tươi xanh đậm đà hương vị quê nhà.
Những món hàng đôi khi chỉ là những bó rau, trái chuối được người dân địa phương trồng tại nhà cũng trở thành thứ sản vật đặc trưng cho đất và người nơi đây
Bánh dân gian dường như là món hàng không thể thiếu trong các phiên chợ diễn ra ở miền Tây, từng bọc bánh thân thương thể hiện sự khéo léo qua đôi bàn tay của người dân vùng sông nước
Vật dụng thân quen trong mỗi ngôi nhà của người dân nơi đây, những sản phẩm làm từ gỗ chân chất, mộc mạc
Chổi dừa được làm từ những cọng lá dừa phơi khô, được người dân tự tay bó lại, chắc chắn và bền bỉ. Những cây chổi này không chỉ là vật dụng hữu ích trong gia đình mà còn mang đậm nét đẹp của sự cần cù, chịu khó của người dân miền Tây Nam Bộ.
Những sản vật mang hương vị đồng quê
Ba khía - một thứ sản vật được thiên nhiên ban tặng cho con người nơi đây được này bán vô cùng hấp dẫn với màu sắc tươi tắn, bắt mắt
Ngoài ba khía tươi ngon, chợ phiên Chủ nhật ở xứ Gò này còn có những mặt hàng mang đậm hương vị quê hương như cây bồn bồn, hay những trái bầu, cọng rau hẹ nước,… đơn giản là những bó rau đồng được bày bán giản dị nhưng rất đỗi thân thương
Những gian hàng “đặc sản” mang hương vị của miền sông nước được bày bán giản dị làm hấp dẫn bao người
Nếu có một mặt hàng làm nên tên tuổi cho chợ phiên “Chủ nhật” này thì đó chính là các loại khô. Khô ở đây được bày bán đa dạng, từ khô cá lóc, khô cá sặc, khô mực, khô cá lù đù,… Mỗi loại khô đều mang một hương vị riêng, một cách chế biến đặc trưng của người dân miền Tây. Thích hợp để làm quà biếu hoặc dự trữ cho những bữa ăn trong gia đình.
Những tấm khô được phơi kỹ lưỡng, màu sắc đẹp mắt, hương vị đậm đà thu hút đông đảo người mua ghé qua
Nụ cười luôn thường trực trên môi chị Lê, tiểu thương đến từ thị trấn Sông Đốc. Hàng tuần, chị đều có mặt tại chợ từ sáng sớm, quầy hàng của chị lúc nào cũng tấp nập khách. Với kinh nghiệm hơn 10 năm bán khô, chị Lê tự hào chia sẻ: "Khô nhà tôi đa dạng loại, giá cả phải chăng lại chất lượng nữa nên khách rất ưng ý. Nhiều người còn mua về làm quà cho người thân đấy!"
Khách hàng quen thuộc của những tiểu thương nơi đây không chỉ có người dân địa phương mà còn có cả những người từ các huyện lân cận tìm đến vì tin tưởng vào chất lượng khô ở đây và vì sự chân thật, giản dị của những người bán hàng
Chờ đợi ngày chủ nhật để đến chợ
Trong đám đông nhộn nhịp ấy, có không ít người mua sắm không chỉ đơn thuần vì nhu cầu mà còn vì niềm vui, sự háo hức mỗi khi đến phiên chợ.
Anh Việt, một người dân sinh sống tại đây, là một trong những người luôn chờ đợi đến Chủ nhật để cùng vợ ra chợ. Anh chia sẻ: “Mỗi tuần chỉ có một ngày Chủ nhật nên vợ chồng tôi hay tranh thủ ra chợ mua ít đồ dùng, với lại mua khô về dự trữ ăn dần. Khô ở đây ngon, giá cả cũng phải chăng”.
Đối với nhiều người dân như anh Việt, chợ phiên không chỉ là nơi mua sắm mà còn là dịp để những người dân nơi đây mong ngóng và cảm nhận không khí vui tươi của chợ. Đôi khi, chỉ cần một phiên chợ giản dị như thế cũng đủ để làm ấm lòng những người con xa xứ nhớ về hình ảnh của chợ quê trong ký ức.
Trong số những tiểu thương gắn bó lâu năm với chợ phiên “Chủ nhật”, không thể không nhắc đến chú Bình. Chú đã bán quần áo ở đây hơn 20 năm, và gần như không bỏ lỡ một phiên chợ nào, dù trời nắng hay mưa thì chuyến xe của chú vẫn đều đặn lăn bánh. Chú Bình tâm sự: “Từ trước đến nay cứ 3 giờ sáng là tôi từ Vị Thanh, Hậu Giang qua đây bắt đầu dọn hàng ra bán. Đều đặn hàng tuần, dù trời mưa bão tôi cũng cố gắng tranh thủ đến chợ sớm.”
Mỗi phiên chợ, chú Bình đều chuẩn bị kỹ lưỡng, chọn lựa những mẫu quần áo phù hợp với nhu cầu và sở thích của khách hàng, đảm bảo hàng hóa luôn mới mẻ, đẹp mắt
Chú Bình chia sẻ: “Bán quần áo ở chợ phiên này riết rồi thành quen. Khách quen của tôi nhiều lắm, tuần nào họ cũng ghé mua hoặc đổi hàng. Tôi thích cái không khí của chợ này, dù có mệt nhưng vui, gặp gỡ được nhiều người, ai cũng thân thiện, chân thành.”
Do buôn bán ở đây đã lâu nên hầu như tuần nào khách hàng của chú cũng đợi từng chuyến xe chở tình, chở nghĩa qua những mặt hàng chú mang đến.
Mỗi chiếc xuồng rời đi cuối buổi chợ chở cả một sự mong chờ về phiên chợ tiếp theo
Qua thời gian, chợ phiên Chủ nhật tại xã Vĩnh Thắng, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa mà còn trở thành một phần quan trọng trong việc gìn giữ và phát huy văn hóa địa phương. Với những giá trị ấy, chợ phiên “Chủ nhật” sẽ mãi là một phần ký ức đẹp trong lòng mỗi người dân, và là một điểm đến đầy hấp dẫn đối với những ai yêu thích khám phá và trải nghiệm nét đẹp văn hóa miền quê Việt Nam.