Hơn 600 vận động viên trong nước và quốc tế tham gia Giải bơi vượt biển Lý Sơn Cross Island 2024 (LSCI) từ đảo Lớn sang đảo Bé đã vẽ nên bức tranh thiên nhiên biển đảo Tổ quốc tươi đẹp ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).
Sáng 2/6, hơn 600 vận động viên trong nước và quốc tế tham gia Giải bơi vượt biển Lý Sơn Cross Island 2024 (LSCI) từ đảo Lớn sang đảo Bé ở huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi).
Giải bơi vượt biển năm nay duy trì các nội dung thi đấu của năm đầu tiên với 3 cự ly: 1km, 2km và 5km. Quãng đường bơi xa nhất 5km chính là khoảng cách từ đảo Lớn (đảo Lý Sơn) ra tới đảo Bé (đảo An Bình). 5km được xem là thử thách lớn nhất, vì quá trình bơi vượt biển, các vận động viên phải bơi qua các khu vực có nhiều dòng chảy khác nhau trên biển ở giữa hai hòn đảo.
Theo Ban Tổ chức, do tác động của dòng hải lưu một số vận động viên đã bị sóng đánh trôi dạt thêm 2 km so với đường đua ban đầu. Tuy nhiên lực lượng cứu hộ đã luôn theo sát và kịp thời hỗ trợ đưa lên tàu chăm sóc đối với những “tay bơi” đuối sức.
Nữ vận động viên Cycy dến từ Pháp, thổ lộ chặng đua của giải bơi từ đảo Lớn sang đảo Bé Lý Sơn có nhiều rạn san hô trên thảm trầm tích núi lửa tuyệt đẹp và đây là chuyến đi trải nghiệm đáng nhớ trong đời của mình.
Trong khi đó, Thùy Mai, nữ động viên đến từ TP Quảng Ngãi, chia sẻ thời tiết nắng đẹp, biển êm, các vận động viên đã hòa mình vào làn nước biển trong veo nhìn rõ tận đáy với hệ sinh vật biển phong phú, chiêm ngưỡng rạn san hô dài gần 3 hải lý từ đảo Lớn qua đảo Bé, bơi qua lòng chảo rộng của hai miệng núi lửa hàng triệu năm dưới lòng biển.
Để đảm bảo cho quá trình thi đấu môn thể thao dưới nước này, Ban tổ chức đã lập phương án cứu nạn, cứu hộ hết sức chặt chẽ. Huyện Lý Sơn sẽ bố trí lực lượng và 5 cano hỗ trợ y tế và cứu hộ trên đường đua để theo sát và đảm bảo an toàn cho vận động viên. Ngoài ra, trên toàn bộ đường bơi sẽ có 30 thuyền thúng máy rải đều cuốn chiếu theo các vận động viên.
Cùng với đó, Ban tổ chức cũng đảm bảo công tác y tế tại đảo Lớn và đảo Bé trong suốt quá trình diễn ra giải, sẵn sàng tiếp nhận và xử lý trong các tình huống cấp cứu khẩn cấp.
Ông Nguyễn Minh Trí, Bí thư Huyện ủy huyện đảo Lý Sơn, kỳ vọng Giải bơi vượt biển trở thành hoạt động thể thao, thương hiệu du lịch đặc trưng cho địa phương, Giải bơi hứa hẹn đưa thương hiệu “đảo Lý Sơn” trở thành điểm đến mong chờ của tất cả những người yêu bơi lội khắp cả nước. Đây là cơ hội để người Việt nói chung và người dân trên huyện đảo Lý Sơn chứng minh tâm huyết và năng lực tổ chức, từ đó lan tỏa hình ảnh quê hương đất nước nhờ kết hợp điều kiện tự nhiên và thể thao khi phát triển du lịch.
Giải bơi vượt biển Lý Sơn Cross Island là sự kiện nổi bật, điểm nhấn trong các hoạt động Chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch huyện Lý Sơn năm 2024. Những ngày diễn ra giải, Lý Sơn đón hơn 2.000 lượt du khách.
Kết thúc giải, Ban Tổ chức đã trao giải nhất Nam chặng đua 2 km: Võ Trí Trung, giải nhì cho Nguyễn Hoàng Gia Bảo, giải ba cho Lương Ngọc Duy; giải nhất Nữ chặng đua 2 km: Nguyễn Thị Nhật Lam, giải nhì Nguyễn Thị Trà My, giải ba Võ Bích Thy.
Ban Tổ chức trao giải nhất Nam chặng bơi 5 km cho Ngô Minh Chiến, giải nhì cho Nguyễn Trí Phong, giải ba cho Jeram Chuleigh.
Giải nhất nữ chặng đua bơi 5km cho Lê Thị Như Quỳnh, giải nhì cho Tôn Nữ Mỹ Ngọc, giải ba cho Lê Thị Mỹ Diệp.
Dịp này, Ban Tổ chức cũng trao tặng cây bàng vuông, loài cây có sức sống mãnh liệt, chống chịu gió bão tại huyện đảo Lý Sơn cho các vận động viên mang về đất liền làm kỷ niệm.
Huyện đảo Lý Sơn vỏn vẹn 10 km2 nhưng có đến 29 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và cấp tỉnh, trong đó có hai lễ hội được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, đó là: Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa và Lễ hội đua thuyền truyền thống tứ linh tại địa phương này. Ngoài ra, huyện đảo có dấu tích 10 miệng núi lửa có niên đại hàng triệu năm, có nền văn hóa lâu đời.
Lãnh đạo huyện đảo Lý Sơn hy vọng hơn 600 vận động viên tham gia giải bơi vượt biển lần này là một sứ giả lan tỏa hình ảnh tươi đẹp huyện đảo Lý Sơn, chủ quyền thiêng liêng biển đảo của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.