Những ngày qua, mẹ con cá voi vẫn tiếp tục quanh quẩn tại vùng biển Đề Gi để tận hưởng bữa tiệc hải sản ngon lành.
Từ cuối tháng 7 đến nay, mạng xã hội không ngừng xôn xao trước hình ảnh đàn cá voi liên tục xuất hiện tại gần cửa biển Đề Gi thuộc xã Cát Khánh, huyện Phù Cát (Bình Định). Đặc biệt, nhiều ngư dân địa phương thường xuyên nhìn thấy hai mẹ con cá voi bơi lượn sát bên cạnh những chiếc tàu, thuyền đánh cá neo đậu ở khu vực này.
Mẹ con cá voi thường xuyên bơi lượn sát bên mạng tàu đánh cá. Ảnh: Ngô Trần Hải An
Theo chia sẻ của người dân, cá voi hay đến săn cá trong khung giờ từ 5 giờ rưỡi đến tầm 8, 9 giờ sáng, riêng buổi chiều thì tầm 16 giờ đến 18 giờ. Mặc dù đã được dự báo khung thời gian xuất hiện cụ thể trong ngày, thế nhưng, không phải cứ "mai phục" đúng giờ là có thể mục sở thị hình ảnh cặp đôi nhà cá voi.
Để thấy được cá voi săn mồi phụ thuộc phần lớn vào may mắn. Ảnh: Ngô Trần Hải An
Nhiếp ảnh gia Ngô Trần Hải An, thường được biết đến với biệt danh "Quỷ Cốc Tử", đã phải mất công đến 3 ngày lênh đênh trên biển Vĩnh Lợi, gần cửa biển Đề Gi, mới có được cơ may ngắm nhìn "nếp sinh hoạt" của hai mẹ con.
"Để ngắm được cá voi là việc phụ thuộc vào may mắn của mỗi người, vì vùng biển thì rộng mênh mông còn cá voi thì sẽ thường đi theo những luồng cá. Để thực hiện bộ ảnh này thì An đã "phục kích" ở đây 3 ngày rồi, mãi đến ngày thứ ba mới có thể nhìn thấy cá voi xuất hiện", Hải An hào hứng nói.
Quả là trời không phụ lòng người, buổi sáng ngày hôm đó, anh đã được mẹ con cá voi "chiêu đãi" tiết mục trình diễn săn mồi đầy hấp dẫn tận 3 tiếng đồng hồ liên tục. Cả hai không ngừng ló dạng khỏi mặt nước, miệng thì cứ liên tục há ra đớp từng đợt cá.
Cả hai mẹ con cá voi không ngừng ló dạng khỏi mặt nước, miệng thì cứ liên tục há ra đớp từng đợt cá. Ảnh: Ngô Trần Hải An
Theo quan sát của những ngư dân nhiều kinh nghiệm, dường như cá voi mẹ đang dạy cho cá voi con cách để săn mồi. Hải An chia sẻ thêm: "Trong những ngày trước, họ (ngư dân) không thấy cá voi con ăn cá mà chỉ bú sữa mẹ thôi. Hôm nay thì thấy chú cá con đã bắt đầu biết ăn cá rồi."
Anh Tài - người dân địa phương đầu tiên phát hiện ra cá voi, cho biết: “Hiện tại, đàn cá ở biển rất nhiều nên cá voi sẽ còn ở lại đây trong nhiều ngày nữa.”
Bầy cá voi trở về là điều kỳ diệu nhất trong suốt nhiều năm qua với người dân xã Cát Khánh và cũng là một tín hiệu tích cực cho thấy môi trường biển ở Đề Gi đang trở nên trong lành và trù phú.
Trao đổi với báo chí về hiện tượng kỳ thú đang diễn ra tại nơi đây, Tiến sĩ Võ Văn Quang - Trưởng phòng Động vật biển có xương sống của Viện hải dương học Nha Trang, nhận định: "Đây là nơi duy nhất ở Việt Nam có hiện tượng cá voi vào gần bờ kiếm ăn trong nhiều ngày. Vì trước giờ chúng ta chỉ ghi nhận các trường hợp cá voi mắc cạn chết dạt vào bờ hoặc chúng bơi qua vùng biển trên hành trình di cư. Nhiều người đã đặt câu hỏi tại sao vùng biển Bình Định có cá voi xuất hiện và tại sao chúng lại ở lâu đến vậy? Câu trả lời là nguồn thức ăn tập trung nhiều."
Theo Tiến sĩ, vùng biển Bình Định có đủ yếu tố thuận lợi phù hợp với tập tính của cá voi như dòng hải lưu, nhiệt độ ấm, môi trường biển sạch, sinh vật phù du phong phú... Và chính những yếu tố này đã "giữ chân" các chú cá voi tập trung về đây kiếm ăn suốt nhiều ngày qua.
Cửa biển Đề Gi bát ngát một màu thiên thanh. Môi trường biển tại đây đang dần trong lành, tạo điều kiện cho cá voi đến kiếm ăn. Ảnh: Ngô Trần Hải An
Ông Vũ Long - Chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học và loài nguy cấp (TP.HCM) cho biết loài cá voi xuất hiện ở Đề Gi có tên gọi là Bryde hay còn gọi là cá ông Brai (tên khoa học là Balaenoptera edeni). Loài này có thân màu nâu xám với phần bụng hơi hồng, trên đỉnh đầu có hai lỗ phun nước.
Cá voi xuất hiện tại đây là cá ông Brai, có thân màu nâu xám với phần bụng hơi hồng, trên đỉnh đầu có hai lỗ phun nước. Ảnh: Ngô Trần Hải An
Hơn chục năm về trước, việc cá voi ghé lại vùng biển này mỗi năm từ một đến hai ngày là bình thường. Tuy nhiên sau đó nạn đánh bắt cá bằng thuốc nổ đã khiến nguồn thức ăn của các loài cá lớn cạn kiệt. Thêm vào đó, sự ô nhiễm tiếng ồn, môi trường biển từ thuốc nổ độc hại đã làm những loài động vật có vú ở biển (vốn sử dụng âm thanh để giao tiếp và định hướng) không còn ghé lại.
Những năm gần đây, khi nạn dùng thuốc nổ trên biển bị ngăn chặn, luồng nước và môi trường sinh thái biển được trở về trạng thái cân bằng vốn có, sự xuất hiện và ở lại lâu của đàn cá lần này là sự minh chứng cho nỗ lực của cộng đồng cư dân và các cơ quan quản lý trong việc gìn giữ tài nguyên và môi trường biển.