Bái Đính - Ấn tượng về ngôi chùa lớn nhất Đông Nam Á
Khu chùa mới (Bái Đính Tân tự) nằm trên đồi Ba Rau, gần sông Hoàng Long, với vị trí mà các cụ ngày xưa cho là: “Vị thể ỷ sơn hướng hải, không gian thoáng đạt, trước mặt có sông chảy qua, còn được án ngữ bởi hai khối núi như long chầu hổ phục”. Được tạo dáng với những đường nét, hình khối lớn, ấn tượng gợi lên hình ảnh Việt Nam hết sức tinh tế và tài hoa. Từ những cột gỗ tứ thiết, tầng mái ngói Bát Tràng, đến chuông đồng Ý Yên, và cả sự phá cách trong kiến trúc tạo hình ngói “vút cong vòm mái hình chim phượng” tạo sự khác biệt với nét thẳng thô thường thấy ở kiến trúc chùa Trung Quốc…
Cách trung tâm thành phố Ninh Bình 12km, từ Cố đô Hoa Lư theo đường Nguyễn Văn Trỗi, du khách sẽ đến khu núi chùa Bái Đính.
Núi Bái Đính đứng độc lập, diện tích khoảng 150.000m2, cao trên 200m, quay mặt về hướng Đông. Dáng núi hình vòng cung hai bên khép lại tựa tay ngai, tạo thành một thung rộng khoảng 3ha, được gọi là thung Chùa. Ở một góc độ khác, núi trông tựa như người khổng lồ quay lưng ra biển với hai chân duỗi về phía Tây Bắc và Tây Nam.
Men theo hơn 300 bậc thềm đá dẫn lên núi, du khách sẽ trải nghiệm hành trình độc đáo như đang kinh qua một cuộc nhân sinh để kiếm tìm cho chính mình một Chân – Thiện – Mỹ.
Khu chùa mới (Bái Đính Tân tự) nằm trên đồi Ba Rau, gần sông Hoàng Long, với vị trí mà các cụ ngày xưa cho là: “Vị thể ỷ sơn hướng hải, không gian thoáng đạt, trước mặt có sông chảy qua, còn được án ngữ bởi hai khối núi như long chầu hổ phục”. Được tạo dáng với những đường nét, hình khối lớn, ấn tượng gợi lên hình ảnh Việt Nam hết sức tinh tế và tài hoa. Từ những cột gỗ tứ thiết, tầng mái ngói Bát Tràng, đến chuông đồng Ý Yên, và cả sự phá cách trong kiến trúc tạo hình ngói “vút cong vòm mái hình chim phượng” tạo sự khác biệt với nét thẳng thô thường thấy ở kiến trúc chùa Trung Quốc… Tất cả như muốn tỏ bày cùng du khách: “Đây là chốn gửi gắm vui buồn người Việt, là nơi lưu giữ tâm hồn người Việt”.
Điều hấp dẫn du khách ở Khu Tân tự chính là Hành lang La Hán. Đây là một công trình lớn có chiều dài 1.052m ở cả hai phía Đông Tây, gồm 234 gian đặt 500 vị La Hán bằng đá nguyên khối. Nhà thơ Huy Cận trong Các vị La Hán chùa Tây Phương đã viết rằng: 108 vị La Hán là 108 vẻ mặt, tâm trạng khác nhau. Bởi thế, ta mới thấy với chiều cao gần 2.5m, nặng chừng 4 tấn, thì việc chế tác thành công một tượng là không đơn giản.
Nằm dựa lưng vào Khu Tân tự, Khu Cổ tự (Bái Đính Cổ tự) lọt thỏm trong vùng núi khá yên tĩnh, khu chùa này nổi tiếng với những dấu ấn của truyền thuyết cổ xưa.
Với Đền thờ thần Cao Sơn theo người dân kể lại: Cao Sơn (Lạc tướng Vũ Lâm) chính là con thứ 17 của Lạc Long Quân, khi đi tuần từ vùng Nam Lĩnh đến vùng Thiên Dưỡng, ông đã tìm ra một loài cây mà trong thân có bột dùng làm bánh thay bột gạo, ông đã lấy tên mình đặt tên cho cây là Quang lang (cây búng báng). Hơn nữa, ông còn dạy bảo và giúp đỡ người dân làm ăn sinh sống đồng thời bảo vệ họ nên nhân dân đã tôn là Thần Cao Sơn và lập đền tưởng nhớ.
Còn chuyện kể xoay quanh giếng Ngọc lại cho ta một truyền thuyết khác: cách đây 1000 năm, thiền sư Nguyễn Minh Không đã tìm thuốc chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông trên núi này. Sau đó, ông đã lấy chính nước ở giếng Ngọc mà sắc thuốc cho vua, thần diệu thay căn bệnh quái ác của nhà vua đã biến mất.
Ngày nay, du khách thấy giếng Ngọc được xây lại hình mặt nguyệt, độ sâu 6m nhưng nước không bao giờ cạn kể cả vào mùa khô. Phải chăng điều này càng làm cho Khu Cổ tự trở nên cổ kính và thu hút hơn?
G.T