Về Xà Phiên nghe giai điệu a-day thắm đượm hồn quê
Tháng năm về, con đường quê Long Mỹ xào xạc hàng phượng vỹ đỏ ối lay động gọi mời, văng vẳng tiếng ve sầu tấu khúc nhạc đồng quê mênh mang nơi hàng cây dẫn lối vào chùa Pô Thi Vongsa, ngôi chùa mang đậm đường nét Phật giáo Nam tông uy nghiêm, trầm mặc.
Bên kia dòng sông nhỏ lửng lờ trôi, thấp thoáng bên hàng cọ dầu xanh mát, nét trầm mặc ngôi chùa cổ đậm màu rêu phong trầm mặc.
Ngôi chùa Khmer cổ kính Pô Thi Vông Sa hiện lên như một chứng nhân lặng lẽ của thời gian.
Nằm ẩn mình giữa những hàng cây cổ thụ rợp bóng mát tại xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
Chuyến famtrip du khảo, khám phá vẻ đẹp miền Tây sông nước - Hậu Giang có quá nhiều nét nên thơ. Nơi đó, những cánh đồng lúa xanh mướt, vườn cây trĩu quả bên những con kênh uốn lượn, tạo nên bức tranh quê thanh bình cùng những câu chuyện văn hóa độc đáo.
Và giữa lòng Hậu Giang ấy, Long Mỹ nổi lên như một điểm sáng du lịch cộng đồng đầy tiềm năng, nơi du khách không chỉ được hòa mình vào thiên nhiên trù phú mà còn cảm nhận sâu sắc hơi thở văn hóa bản địa, đặc biệt là giai điệu a-day đượm hồn quê da diết.
Đặt chân đến Long Mỹ, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự chân chất của người dân nơi đây. Họ không chỉ cần cù lao động trên những cánh đồng, vườn cây mà còn ấp ủ một khát vọng làm du lịch đầy tâm huyết, dựa trên những sản phẩm sẵn có trên quê hương mình.
Đường về Long Mỹ, Hậu Giang - vùng đất miền quê sông nước trù phú, rợp sắc cờ bay trong những ngày đầu tháng Năm rực rỡ.
Ấn tượng đầu tiên chính là mãng cầu xiêm Long Mỹ, loại trái cây đặc sản nổi tiếng với vị ngọt thanh mát, nay được người dân biến tấu thành những sản phẩm độc đáo như mứt dẻo thơm lừng, trà mãng cầu giải nhiệt cùng những món ngon chế biến từ thứ trái cây đặc sản tạo nên hương vị đặc trưng, riêng có xứ này.
Hay như các loại mắm vùng Long Mỹ đậm đà hương vị miền Tây, nay được đóng hộp cẩn thận, trở thành món quà quê ý nghĩa và tiện dụng mà du khách có thể mang theo khắp mọi miền.
Nhắc đến Long Mỹ, không thể không nhắc đến "vua trâu" Hồng Ngự và niềm đam mê, khát vọng xây dựng mô hình du lịch trang trại kết hợp trải nghiệm văn hóa, thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu về nghề nuôi trâu, để kể câu chuyện về những mùa “len” trâu mùa nước nổi.
Giữa không gian miền cổ tích ấy, văng vẳng vọng về giai điệu a-day mộc mạc gọi mời..
Trong giai điệu da diết ấy, du khách hòa điệu cùng lời ca tiếng hát giao lưu thân tình.
Nơi đó, bên sông sông nhỏ hiền hòa uốn lượn bên chân ngôi chùa cổ - chùa Pô thi vong sa, chúng tôi như lạc vào cõi mênh mang, thanh bình. Nơi thời gian dường như trôi chậm lại trong không gian tĩnh lặng bao trùm, chỉ có tiếng gió khẽ khàng lay động những hàng cây cọ, thốt nốt cao vút, vẽ nên một bức tranh quê dung dị mà nên thơ.
Nhưng có lẽ, điều đặc biệt ấn tượng níu chân du khách, chính là âm vang của giai điệu hát a-day mộc mạc hồn quê. Nơi mà mỗi lời ca, tiếng hát cùng những nốt trầm, nốt bổng du dương như kể câu chuyện về cuộc sống, về tình người, về những nét đẹp văn hóa truyền thống của vùng đất này.
Chiều muộn tháng Năm, đám trẻ nhỏ đi học về mãi tung tăng rượt đuổi nhau bên chân ngôi chùa Pô Thi Vongsa xã Xà Phiên.
Công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo, nơi những biểu tượng tôn giáo hòa quyện cùng cảnh sắc thiên nhiên trù phú của vùng Đồng bằng sông nước
Tam cấp dẫn lên chánh điện vẫn là biểu tượng rắn thần Naga huyền bí, uốn lượn mềm mại với nhiều đầu xòe ra như những chiếc nan quạt, chạm khắc tỉ mỉ và tinh xảo.
Nơi chánh điện, giữa những gam màu nóng đặc trưng, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tọa thiền uy nghiêm trong niềm an lạc, tĩnh lặng.
Trên nền trời thăm thẳm, ánh tà dương cuối ngày vén lớp mù mây, dát lên tháp mái chùa sắc vàng óng ả.
Vẻ đẹp rêu phong, cổ kính của Pô Thi Vongsa càng thêm phần quyến rũ khi hòa quyện với cảnh quan thiên nhiên xung quanh. Những hàng cây cổ thụ với bộ rễ xù xì, những tán lá xanh mát bao bọc lấy ngôi chùa, tạo nên một không gian yên bình và tĩnh tại, hòa cùng tiếng chim hót líu lo trên cành càng tăng thêm vẻ thanh tịnh của chốn thiền môn.
Tiếng chổi tre xào xạc trong buổi hoàng hôn muộn, thoảng trong gió đưa, tiếng kinh chiều vọng về an lạc.
Cảnh quan bao trùm bởi không gian trầm mặc, đưa khách lãng du từ vị lai trở về quá khứ, cảm nhận sự thiêng liêng nơi cảnh chùa miền quê sông nước.
Nơi đây còn thu hút bởi kiến trúc độc đáo, đậm đà bản sắc Khmer với các đường nét chạm khắc tinh xảo, hình tượng phù điêu uy nghiêm.
Bức phù điêu tạc nổi kể về câu chuyện Thái tử Tất Đạt Đa từ bỏ cuộc sống vương giả giàu sang đi tìm con đường giải thoát khỏi khổ đau cho chúng sinh.
Bất ngờ giữa chốn tĩnh lặng ấy, vẳng tiếng lách cách, lọc cọc vui tai. Quả thật tôi vô cùng ấn tượng khi tận mắt chứng kiến những chú thợ nhí đang tỉ mẩn đục đẽo trên những khúc gỗ thô sơ, tạo hình chim muông thú.
Từng nhát búa, nhịp gõ dần hình thành nên những tác phẩm điêu khắc tuyệt đẹp như chim ưng dũng mãnh, hổ chầu uy nghi... lại càng thêm trân trọng những nỗ lực bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của người dân nơi đây.
Điều khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và ấn tượng tại chính ngôi chùa này, lớp dạy nghề chạm khắc mộc đang được duy trì và phát triển.
Tiếng búa gõ đục đẽo vui tai, những âm thanh ấy lại được tạo ra bởi đôi bàn tay khéo léo của những học viên còn rất nhỏ tuổi.
Người lớn truyền nghề cho người trẻ, để những khối gỗ xù xì, đơn sơ, qua bàn tay tài nghệ đã tạo tác nên hình nên dáng.
Thanh âm trong trẻo ấy cứ vương vấn mãi trong tâm trí chúng tôi. Đó không chỉ là những giai điệu mộc mạc mà còn là tiếng lòng của người dân nơi đây, là sự kết nối giữa quá khứ và hiện tại, là niềm tự hào về một vùng đất giàu truyền thống đang vươn mình trỗi dậy.
Ẩn hiện nơi góc chùa, chiếc ghe Ngo sắc màu trang trí độc đáo, linh hồn của lễ hội Ok Om Bok và các lễ hội đua ghe Ngo sôi nổi, hàng năm thu hút đông đảo người dân và du khách.
Chiều muộn, rời Xà Phiên - Long Mỹ, vẫn con đường quê thanh bình xào xạc hàng phượng vĩ, râm ran tiếng ve sầu hòa nhịp cùng âm vang của điệu hát a-day mãi níu chân du khách.
Sự phát triển du lịch dựa trên nền tảng những sản phẩm sẵn có như mãng cầu xiêm, mắm và những giá trị văn hóa, nghệ thuật hát a-day, bảo tồn nghề mộc, đan lát truyền thống v.v.. là hướng đi bền vững, giúp Long Mỹ bảo tồn được bản sắc riêng và phát triển một cách tự nhiên, hài hòa.
Long Mỹ đang từng bước khẳng định mình trên bản đồ du lịch Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn, nơi du khách có thể tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn và khám phá những nét đẹp văn hóa độc đáo.
Chắc chắn rằng, với sự tâm huyết và những tiềm năng sẵn có, du lịch cộng đồng Long Mỹ sẽ ngày càng phát triển và mang đến những trải nghiệm đáng nhớ cho du khách từ muôn phương.