Người Tày có một lễ hội thể hiện lòng biết ơn rất đặc biệt gọi là lễ Pây tái. Vào dịp này, cộng đồng người Tày sẽ quây quần cùng nhau chuẩn bị mâm lễ bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với đấng sinh thành, tổ tiên và các vị thần linh.
Bản làng Thái Hải, hay còn gọi là "Khu bảo tồn Làng nhà sàn dân tộc sinh thái Thái Hải", ở xóm Mỹ Hào, xã Thịnh Đức (Thái Nguyên). Với sự mộc mạc, đậm chất văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, bản làng Thái Hải đã tạo nên sức hấp dẫn diệu kỳ, thu hút đông đảo du khách tìm về.
Từ năm 2014 đến nay, làng Thái Hải trở thành một điểm đến hấp dẫn của du lịch Thái Nguyên, đón tiếp du khách hơn 40 quốc gia trên thế giới về đây tham quan, trải nghiệm. Năm 2022, làng Thái Hải vinh dự được Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) trao tặng danh hiệu "Làng du lịch tốt nhất thế giới".
Những cư dân hiền hòa tại ngôi làng du lịch tốt nhất thế giới năm 2022.
Làng Thái Hải – "Bảo tàng" văn hóa của người Tày Thái Nguyên
Cuối năm 2003, một bản làng với sứ mệnh bảo tồn, phát huy giá trị những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày Thái Nguyên dần thành hình.
Vượt qua muôn vàn thách thức, khó khăn bằng nghị lực và lòng quyết tâm, tinh thần đoàn kết hướng về nguồn cội, hơn 150 nhân khẩu tại làng Thái Hải đã biến khu đồi hoang ở xóm Mỹ Hào trở thành một ngôi làng trù phú, với những mảng xanh thiên nhiên đầy sức sống bao phủ 30 nếp nhà sàn cổ theo kiến trúc xuyên toang, tứ trụ của triết lý âm dương ngũ hành.
Từ một bản làng nghèo nơi hoang vắng, làng Thái Hải giờ đây đã sung túc hơn, đời sống của người dân được cải thiện nhờ vào triết lý sống "tất cả người làng đều là người nhà, ăn chung nồi cơm, xài chung túi tiền".
Dưới mái nhà lợp lá cọ, các cư dân ngày ngày miệt mài vun đắp yêu thương và bảo vệ văn hóa Tày truyền thống qua sinh hoạt gia đình. Đủ tuổi mẫu giáo, trẻ em được ông bà, cha mẹ dạy giao tiếp bằng tiếng Tày. Lên 6 tuổi, các em được học hát then, đàn tính, chơi ném còn. Bên cạnh đó, trang phục truyền thống, các loại dược liệu và ẩm thực Tày cũng được các hộ dân trong bản chú trọng.
Trẻ em ở làng Thái Hải khi đủ tuổi sẽ được truyền dạy ngôn ngữ và những lễ nghi truyền thống của dân tộc. Ngoài ra, các em cũng được học hỏi về nghệ thuật dân gian.
Đặc biệt, cư dân làng Thái Hải vô cùng quan tâm đến việc giữ gìn nét đẹp văn hóa tâm linh tín ngưỡng. Dù cuộc sống hiện đại có nhiều thay đổi, người Tày vẫn bảo lưu những nét đẹp văn hóa này như một phần không thể thiếu trong bản sắc dân tộc.
Những nghi lễ như cúng tổ tiên, xuống đồng, mừng cơm mới... vẫn được trao truyền qua nhiều thế hệ. Điều này không chỉ thể hiện sự thành kính với ơn trên mà còn là cách để người Tày kết nối cộng đồng, giáo dục truyền thống và hun đúc tinh thần đoàn kết cho lớp trẻ mai sau.
Đời sống tín ngưỡng tâm linh có vị trí quan trọng trong văn hóa truyền thống của người Tày nói chung và cộng đồng dân làng Thái Hải nói riêng.
Thực hành những nghi lễ tâm linh là cách để dân làng Thái Hải kết nối cộng đồng, giáo dục truyền thống và hun đúc tinh thần đoàn kết cho thế hệ trẻ.
Lễ Pây tái – "Bài ca" về sự sum họp và tri ân
Điển hình như lễ Pây tái (hay còn gọi là Pây chường tái, Chầư nèn hoặc Dương tai) – lễ hội bày tỏ lòng biết ơn của người Tày. Vốn là những cư dân chân chất, mộc mạc của núi rừng Việt Bắc, từ bao đời nay, đồng bào Tày đã khắc ghi trong tâm thức đạo lý "uống nước nhớ nguồn" nhân văn của nước Việt.
Cuộc sống gắn bó mật thiết với thiên nhiên, với đất trời, sông núi, nên trong tiềm thức của đồng bào Tày luôn hiện hữu một niềm tin mãnh liệt vào các bậc thần linh, tổ tiên và những thế lực siêu nhiên. Họ tin rằng, chính những đấng thiêng liêng ấy đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no.
Một vài hình ảnh trong nghi thức Lễ Pây tái truyền thống của người Tày.
Để bày tỏ lòng biết ơn, vào dịp này, người dân làng Thái Hải tất bật chuẩn bị các lễ vật như bánh kẹo, hoa quả, rượu, bánh gai, bánh rợm cùng heo quay, gà trống thiến để dâng cúng tổ tiên và thần linh.
Dân làng dâng lễ vật cúng thần linh.
Mặc dù nguồn gốc ra đời của lễ Pây tái vẫn là một điều bí ẩn, thế nhưng, dù sống ở bất cứ nơi nào trên dải đất hình chữ S, người Tày vẫn không thể nào quên tục lễ Pây tái. Tuy cách làm có thể khác nhau tùy vào hoàn cảnh sống, nhưng tấm lòng hiếu kính với tổ tiên, với thần linh, với bậc sinh thành và cộng đồng đều hàm chứa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp.
Chính vì vậy, tại làng Thái Hải, mỗi khi có du khách ghé thăm, các cư dân của làng đều chiêu đãi họ bằng nghi thức Pây tái như một cách để chào đón và giới thiệu những nét đẹp truyền thống đến với du khách.
Trong lễ hội, du khách không chỉ được thưởng thức những món ăn đặc trưng, hòa mình vào những điệu múa uyển chuyển, những làn điệu hát then say đắm lòng người mà còn được tìm hiểu về phong tục tập quán độc đáo của người Tày.
Khi ghé thăm làng Thái Hải, du khách sẽ được hòa mình trải nghiệm nghi lễ Pây tái để hiểu hơn về văn hóa sống của cộng đồng người Tày tại đây.
Lễ Pây tái không chỉ là dịp để quảng bá văn hóa mà còn là cách để người dân làng Thái Hải bày tỏ lòng hiếu khách và sự biết ơn của mình đối với những vị khách phương xa đã dành thời gian ghé thăm. Thông qua việc tổ chức lễ hội, người Tày ở Thái Hải mong muốn du khách hiểu hơn về bản sắc văn hóa của dân tộc mình, đồng thời góp phần gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống quý báu của cha ông.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hải - Trưởng làng Thái Hải.
Khi được hỏi về những dự định tiếp theo trong việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy giá trị những nét đẹp văn hóa của bản làng Thái Hải và cộng đồng người Tày, Trưởng làng Nguyễn Thị Thanh Hải bộc bạch: "Bản làng luôn dang rộng vòng tay chào đón nhân dân, du khách trong nước, quốc tế đến tham quan, tìm hiểu về những nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Tày. Song về lâu dài, bản làng chúng tôi mong nhận được sự quan tâm đầu tư hỗ trợ thêm của tỉnh; sự hợp tác của các doanh nhân và mong muốn nhận được sự sẻ chia của mọi người trong cộng đồng xã hội".