Thị xã Đức Phổ nằm cách trung tâm thành phố Quảng Ngãi 40km về phía Nam. Với 26 di tích lịch sử được xếp hạng cấp tỉnh và cấp quốc gia, trong đó Quần thể di tích khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, nơi đây thực sự là điểm đến lý tưởng cho khách du lịch.
Đồng muối Sa Huỳnh
Đức Phổ hiện vẫn gìn giữ được các làng nghề truyền thống nổi tiếng từ lâu đời như nghề gốm, nghề làm muối… cùng các lễ hội văn hóa dân gian mang đậm bản sắc dân tộc và nhiều món ăn đặc sản. Mới đây, nghề làm muối truyền thống của diêm dân Sa Huỳnh được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Nghề làm muối Sa Huỳnh là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Truyền thống làm muối đã được kế tục từ thời Sa Huỳnh, được gìn giữ qua thời Champa và Đại Việt. Đến nay, một số hộ dân ở làng Gò Cỏ vẫn còn duy trì cách làm muối truyền thống do tổ tiên truyền lại.
Muối được sản xuất trên đá bazan rất trắng, sạch, vị mặn vừa phải và có hậu vị ngọt. Việc khảo cổ nơi làm muối, con đường cổ, nơi nghỉ ngơi của người Sa Huỳnh cổ cùng những hiện vật liên quan là những bổ sung quan trọng cho hồ sơ đề nghị công nhận Di sản thế giới đối với Di tích khảo cổ Văn hóa Sa Huỳnh.
Thời Pháp thuộc, muối Sa Huỳnh được người châu Âu yêu thích và gọi là "vàng trắng" xứ An Nam. Những hạt "vàng trắng" đã được Pháp huy động và mang sang tiêu thụ số lượng lớn ở châu Âu. Hiện nay, đồng muối Sa Huỳnh có tổng diện tích khoảng 106 hecta với hơn 560 hộ diêm dân. Hằng năm, đồng muối Sa Huỳnh cung cấp gần 7.000 tấn muối. Cánh đồng muối Sa Huỳnh ngày nay trở thành điểm đến đẹp bình dị trong mắt du khách.
Muối Sa Huỳnh được sản xuất trên đá bazan.
Làng cổ Gò Cỏ
Không chỉ sở hữu nghề làm muối truyền thống, Đức Phổ còn có làng cổ Gò Cỏ, nơi hội tụ tinh hoa của văn hóa Sa Huỳnh, Champa và Đại Việt. Ngôi làng cổ nghìn năm tuổi mang vẻ đẹp bình dị, thuần khiết hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm.
Nét đẹp thanh bình của ngôi làng.
Trong làng hiện có rất nhiều con đường, tường rào bằng đá xếp chồng lên nhau một cách tỉ mỉ, tạo thành đường đi, cầu thang, tường rào, bờ ruộng, bờ suối, nhà đá và đền miếu. Trong làng có 12 giếng đá cổ là sản phẩm mà người Champa để lại khi cư ngụ tại đây.
Không chỉ phát huy giá trị di sản độc đáo, làng Gò Cỏ còn là nơi kết nối những điểm đến ấn tượng khác của du lịch Đức Phổ như Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh ở phường Phổ Thạnh. Nơi đây lưu giữ các cổ vật được khai quật từ di chỉ văn hóa Sa Huỳnh, người Champa, trưng bày các hiện vật có niên đại khoảng 2.000 - 2.500 năm. Hay Di tích khảo cổ Long Thạnh là nơi khai quật phát hiện hai khu cư trú và mộ táng nằm gần nhau cùng các di vật có niên đại trên 3.000 năm, giai đoạn tiền Sa Huỳnh.
Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh.
Đây là nơi lưu giữ nhiều hiện vật liên quan đến Văn hóa Sa Huỳnh.
Đầm An Khê
Đầm An Khê có diện tích 347 hecta, một di sản thiên nhiên - khảo cổ đặc biệt giá trị. Theo các nhà địa chất, đầm An Khê trở thành đầm nước ngọt cách đây khoảng 3.000 - 4.000 năm. Đầm có nước quanh năm, mực nước nơi sâu nhất trong đầm là 4m.
Đầm An Khê nhìn từ trên cao.
Năm 1909, nhà khảo cổ học người Pháp, M. Vinet, lần đầu phát hiện bên bờ biển Sa Huỳnh, gần làng cổ Gò Cỏ có khoảng 200 mộ chum. Di tích khảo cổ đó được gọi là Dépot à Jarres Sa Huỳnh (nghĩa là kho chum Sa Huỳnh).
Hình ảnh chụp lại từ một mộ chum được phát hiện tại Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh.
Nét độc đáo của đầm An Khê là dù sát bên bờ biển Sa Huỳnh nhưng không bị nhiễm mặn, bốn mùa nước ngọt tạo môi trường sống thích hợp của nhiều loài thủy sinh. Thủy sản sống trong đầm chủ yếu là các loài nước ngọt.
Bốn mùa nước ngọt, không bị nhiễm mặn là đặc trưng độc đáo của đầm An Khê.
Tiến sĩ Guy Martini - Tổng thư ký Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu của UNESCO - đánh giá làng di sản nơi đây hội đủ điều kiện văn hóa, địa chất, cảnh quan thiên nhiên độc đáo để trở thành một thực thể sống động của không gian văn hóa Sa Huỳnh.
Quảng bá di sản
Ông Bùi Văn Lý, Chủ tịch UBND thị xã Đức Phổ, cho biết: Theo đồ án quy hoạch chung đô thị Đức Phổ đến năm 2045, định hướng phát triển kinh tế biển trở thành trung tâm đầu mối kinh tế sinh thái biển của tỉnh Quảng Ngãi với việc đầu tư cảng cá Sa Huỳnh, Mỹ Á gắn với công nghiệp hậu cần nghề cá, trung tâm đầu mối; phát triển hệ thống nuôi trồng thủy sản trên biển, tăng cường giao thương thủy sản nhằm hoàn thành chuỗi giá trị kinh tế biển cho Đức Phổ.
Địa phương đang đẩy mạnh quảng bá di sản văn hóa, thiên nhiên Sa Huỳnh là nơi chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, cảnh quan, du lịch và các sản phẩm địa phương: muối, gốm, đặc sản, phát huy giá trị di tích quốc gia đặc biệt văn hóa Sa Huỳnh.
Thị xã Đức Phổ sẽ đẩy mạnh quảng bá di sản văn hóa, thiên nhiên Sa Huỳnh.
Ngoài ra, Đức Phổ cũng sẽ phát huy các tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh phát triển du lịch, nhất là du lịch biển, sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thị xã. Địa phương cũng sẽ khuyến khích phát triển các loại hình du lịch cộng đồng và tạo điều kiện thuận lợi để người dân trực tiếp tham gia và hưởng lợi từ du lịch.