Nơi ký ức Mậu Thân sống mãi qua tấm bia đá

Tấm bia đá đứng đó, như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà thấm thía về cái giá của hòa bình, về lòng quả cảm vô song của những con người can trường làm nên dáng hình đất nước hôm nay.

Giữa lòng TP.HCM năng động và náo nhiệt, Hội trường Thống Nhất (hay Dinh Độc Lập) vẫn sừng sững đứng đó như một chứng nhân lịch sử, một biểu tượng không thể tách rời của thành phố. Nơi đây luôn là điểm đến hấp dẫn, thu hút biết bao du khách quốc tế tìm đến, không chỉ bởi vẻ đẹp kiến trúc độc đáo, bề thế mà còn bởi những trang sử hào hùng, những thăng trầm đầy biến động đã được khắc ghi đậm nét trong từng không gian.

noi ky uc mau than song mai qua tam bia da - 1

Ngày nay, Hội trường Thống Nhất là một địa điểm tham quan nổi tiếng tại TP.HCM, lưu giữ nhiều hiện vật lịch sử và đón hàng triệu du khách mỗi năm.

noi ky uc mau than song mai qua tam bia da - 2

Ảnh: Andrey X, Trung Pham/Getty Images, Phạm Quang Linh/Pexels.

Nhưng có lẽ, ít ai trong số họ biết rằng, ẩn mình nơi đây, còn có một công trình khác, một dấu lặng trang nghiêm mà mỗi người Việt Nam khi nhìn vào đều không khỏi nghẹn lòng – tấm bia tưởng niệm các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn.

Tấm bia ấy được chế tác từ đá hoa cương nguyên khối, mang một màu xám sẫm, tự thân toát lên vẻ vững chãi, trầm mặc và bền bỉ cùng năm tháng. Bề mặt đá được mài nhẵn bóng, phản chiếu chút ánh sáng, nhưng chính những dòng chữ khắc sâu, rõ nét vào lòng đá mới thật sự níu giữ ánh nhìn và chạm vào cảm xúc người đối diện.

Nơi đây ghi dấu chiến công oanh liệt của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn-Gia Định trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968.

Vào lúc 1 giờ 30 phút, ngày 31/1/1968, 15 chiến sĩ Đội 5 Biệt động Sài Gòn-Gia Định đã tấn công vào Dinh Độc Lập – cơ quan đầu não của chính quyền Sài Gòn. Sau hơn một ngày đêm chiến đấu ngoan cường, dũng cảm đối đầu với kẻ thù đông hơn, mạnh hơn nhiều lần về hỏa lực, cán bộ, chiến sĩ Đội 5 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 8 chiến sĩ anh dũng hy sinh, 7 chiến sĩ sa vào tay giặc.

Đời đời biết ơn các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn-Gia Định đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Từng nét chữ được tạc một cách mạnh mẽ, dứt khoát, vinh danh những người con anh dũng đã ngã xuống trong trận đánh táo bạo vào chính nơi này.

Đứng trước tấm bia đá uy nghiêm ấy, giữa không gian bình yên và tràn đầy sức sống của thành phố hôm nay, lòng người không khỏi dâng lên một niềm cảm xúc đan xen: trân quý những gì đang có khi nhìn về hiện tại vững vàng, nhưng cũng không tránh khỏi một thoáng bùi ngùi, lặng người khi ngẫm về quá khứ bi tráng. Tấm bia nhỏ bé mà nặng trĩu kia như đang thì thầm kể lại một khúc tráng ca bất tử.

noi ky uc mau than song mai qua tam bia da - 3

noi ky uc mau than song mai qua tam bia da - 4Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ mùa xuân định mệnh ấy, trên từng góc phố tấp nập người qua kẻ lại, trong từng nhịp sống hối hả, rộn ràng của chốn đô thị phồn hoa, "bản trường ca hòa bình" vẫn hoài ngân vang trong hàng triệu trái tim người dân TP.HCM, cuốn đi bao dấu vết của đạn bom năm xưa ẩn trong dáng hình tại nơi thành phố anh hùng.

Nhưng trong hồi ức của cựu binh Phan Văn Hôn (tức ông Bảy Hôn), một trong số các chiến sĩ Đội 5 của Biệt động Sài Gòn trực tiếp tham gia tấn công Dinh Độc Lập, dường như thời gian chỉ là một khái niệm tương đối.

Ông Bảy Hôn sinh ra và lớn lên tại nơi "đất thép thành đồng" – huyện Củ Chi, TP.HCM. Khi mới chỉ 14-15 tuổi, ông đã tham gia vào lực lượng du kích địa phương, đào địa đạo để phục vụ cách mạng. Năm 17 tuổi, ông chính thức gia nhập quân đội và được phân về Tiểu đoàn D14 (tỉnh Tây Ninh). Nhờ có những thành tích xuất sắc, ông Hôn sau đó được cử đi học đặc công rồi được chuyển về Đại đội K14 của Quân khu Sài Gòn-Gia Định. Đến năm 1967, ông Bảy Hôn được tổ chức điều động về biên chế Đội 5 lực lượng Biệt động Sài Gòn. Khi chuyển về đơn vị đặc biệt này, theo sự điều động của tổ chức, ông đi học quân sự, học đánh tập kích, võ thuật…

noi ky uc mau than song mai qua tam bia da - 5

Suốt một tháng ròng, các chiến sĩ biệt động bịt kín mặt, chỉ để hở đôi mắt miệt mài tham gia tập trận, luyện đánh vào các mục tiêu giả định. Ngày cuối cùng của khóa huấn luyện, tất cả được tập tấn công mục tiêu với các vũ khí thật, kể cả B40. Vì vậy, dù chưa được phổ biến kế hoạch cụ thể, ông và những người lính biệt động đều đoán chắc mình đang chuẩn bị tham gia vào trận đánh lớn.

Theo kế hoạch, ngày 27 Tết, từng nhóm biệt động chia nhau theo nhiều ngả, tiến về Sài Gòn. Xác định ra trận là quyết tử cho Tổ quốc, trước khi vào thành, nhóm của ông Bảy Hôn ghé về Củ Chi, vừa tranh thủ thăm thân, vừa nắm tình hình địch.

Ngày 29 Tết (28/1/1968), từng nhóm nhỏ của Đội 5 Biệt động lần lượt tập trung về số nhà 287/68-70-72 Phan Đình Phùng, Sài Gòn. Nhà nằm lọt giữa khu chợ tấp nập, toàn người lao động nghèo. Đây lại là nhà của chiến sĩ Biệt động Trần Văn Lai, lúc bấy giờ đang trong vỏ bọc tỷ phú Mai Hồng Quế - chủ thầu khoán Dinh Độc Lập, người được tin cậy, cấp thẻ ra vào Dinh và cơ quan viện trợ Mỹ tại Sài Gòn hằng ngày nên sự xuất hiện của một nhóm người tại nhà ông trong những ngày giáp Tết sẽ ít gây chú ý.

noi ky uc mau than song mai qua tam bia da - 6

Anh hùng Trần Văn Lai (Bí danh: Mai Hồng Quế) và chiếc xe chở vũ khí tấn công Dinh Độc Lập. Ảnh: Tư liệu.

Tối 29, các chiến sĩ Đội 5 Biệt động đã tề tựu đông đủ tại điểm tập kết. 9 giờ đêm, Cụm trưởng cụm biệt động Tư Tăng (Nguyễn Văn Tăng) xuất hiện. Ông trải sa bàn, nhanh chóng phổ biến kế hoạch tấn công. "Lúc này, chiến sĩ Đội 5 mới biết chính xác mục tiêu tấn công là Dinh Độc Lập. Khi ông Năm Lai lật viên gạch hoa giữa nhà, các thành viên mới biết bên dưới là cả kho vũ khí", ông Bảy Hôn kể.

Đúng Giao thừa, 3 chiếc xe chở hơn 2 tấn vũ khí các loại cùng 15 chiến sĩ Biệt động thẳng tiến về trung tâm. Ông Bảy Hôn cho biết, trong số 15 người trên xe hôm ấy chỉ có duy nhất bà Chính Nghĩa (Vũ Minh Nghĩa) là nữ.

Giống như ông Bảy Hôn, bà Chính Nghĩa cũng trưởng thành từ "cái nôi" cách mạng – vùng đất Củ Chi. Sự kiện người thanh niên Nguyễn Văn Trỗi bị chính quyền Mỹ hành hình đã dấy lên phong trào tòng quân giết giặc của thanh niên ở khắp mọi làng quê của miền Nam Việt Nam, là động lực khiến người con gái "đất thép" Củ Chi nung nấu ý định tham gia vào đội biệt động Sài Gòn. Mặc dù hoạt động cách mạng từ năm 12 tuổi nhưng gia đình bà vẫn không hay biết. Vì thế mà mỗi lần vào nội thành hoạt động, bà Chín Nghĩa thường giấu mẹ và rất sợ bị mẹ bắt gặp.

noi ky uc mau than song mai qua tam bia da - 7

Nhớ lại trận đánh đêm Giao Thừa Mậu Thân, bà Chính Nghĩa kể, chiếc xe tải đi đầu nhanh chóng tiêu diệt chốt gác, ông Bảy Hôn dùng súng hạ nhanh 2 mục tiêu là lính gác cổng, tạo điều kiện đặt thuốc nổ phá cổng. "Tuy nhiên, khối thuốc không nổ, lực lượng biệt động bị mắc kẹt ở cổng, 5 chiến sĩ hy sinh ngay khi trèo qua tường rào...", bà bùi ngùi.

Không thể tiến công vào trong, các chiến sĩ Biệt động chiến đấu ngay bên ngoài cổng. Gần 40 phút cầm cự vẫn chưa thấy có quân ta tiếp viện, cả Đội 5 dồn lực quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Trận đánh đó mãi là một ký ức không thể nào quên với nữ chiến sĩ Biệt động Chính Nghĩa bởi hôm đó bà chứng kiến đồng đội của mình ngã xuống, trong đó người đội trưởng Tô Hoài Thanh hy sinh ngay trên cánh tay bà.

"Cuộc chiến đấu không cân sức giữa 15 chiến sĩ Biệt động với hàng trăm tên địch diễn ra trong 2 đêm 1 ngày Tết Mậu Thân, 8 đồng chí của tôi hy sinh, tôi và 6 đồng chí khác bị thương và bị địch bắt sau khi chiến đấu đến viên đạn cuối cùng", bà xúc động.

Sau trận đánh vào Dinh Độc Lập, 7 chiến sĩ Biệt động bị bắt, bị tra tấn dã man và tàn bạo nhưng họ vẫn quyết không khai nửa lời. “Sau khi bị bắt, địch giam lỏng chúng tôi suốt hai tháng trời ở Chí Hòa, hỏi cung, tra tấn nhưng không ai khai báo. Sau cùng, chúng kết án tù chung thân và đưa ra Côn Đảo giam cầm cho đến năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết”, ông Bảy Hôn kể.

Ông cũng cho biết thêm, vì linh cảm kẻ thù sẽ không tuân theo thỏa thuận trao trả tù binh nên ông và một số chiến sĩ khác đã tổ chức vượt ngục rồi tìm đường trở về quê nhà Củ Chi, tiếp tục tham chiến cùng lực lượng địa phương.

Riêng bà Chính Nghĩa mãi đến năm 1974 mới được trả tự do. Một năm sau, bà cùng với hàng ngàn chiến sĩ cách mạng khác tiếp tục có mặt trong đội quân giải phóng làm nên kỳ tích 30/4/1975 lịch sử.

noi ky uc mau than song mai qua tam bia da - 8

Tròn 50 năm sau ngày thống nhất đất nước, nhịp sống hòa bình giờ đây đã phủ lấy khắp mọi nẻo đường Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh. Dinh Độc Lập xưa nay đã là Hội trường Thống Nhất uy nghi, đón chào du khách và chứng kiến những sự kiện quan trọng của đất nước trong kỷ nguyên "vươn mình".

noi ky uc mau than song mai qua tam bia da - 9

TP.HCM sẵn sàng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới. Ảnh: Muk Photo.

Chiến tranh đã lùi xa, và những trận đánh hào hùng năm nào giờ chỉ còn là ký ức, trở thành những bài học lịch sử để thế hệ trẻ chiêm nghiệm, trong đó, sự hy sinh lớn lao của các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn vẫn được người thành phố nhắc nhớ, khắc ghi.

Sáng ngày 26/1/2018, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM đã tổ chức lễ khánh thành bia tưởng niệm chiến sĩ Biệt động Sài Gòn hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại Dinh Độc Lập.

Tấm bia cao 4,5m, thiết kế tổng thể giản dị nhưng trang nghiêm, không cầu kỳ hoa mỹ, tập trung hoàn toàn vào sức nặng của lịch sử mà nó hàm chứa. Tấm bia vững chãi trong dáng hình lá cờ Tổ quốc thiêng liêng, kiêu hãnh vươn cao cùng những đốt tre cách điệu, vừa mang nét đặc trưng kiến trúc của Dinh, vừa gợi nhớ đến sự kiên cường, bất khuất của dân tộc.

Sự ồn ào, dữ dội của tiếng súng năm nào giờ đây đã lắng lại, nhường chỗ cho sự trầm mặc, thiêng liêng của không gian tưởng niệm. Tấm bia đá đứng đó, như một lời nhắc nhở nhẹ nhàng mà thấm thía về cái giá của hòa bình, về lòng quả cảm vô song, để mỗi người khi đi qua nơi này, giữa khung cảnh thanh bình, có thể lắng lòng trong giây lát, nghiêng mình cảm phục và nhớ về những người anh hùng đã ngã xuống ngay tại đây, góp phần làm nên chiến thắng cuối cùng, làm nên dáng hình đất nước hôm nay.

noi ky uc mau than song mai qua tam bia da - 10

Tính đến nay, TP.HCM đã hoàn thành xây dựng 3 công trình bia, đài tưởng niệm các chiến sĩ Biệt động Sài Gòn tại các địa điểm sau:

- Số 108 Nguyễn Du, phường Bến Thành, quận 1 (cổng sau Hội trường Thống Nhất)

- Số 4 Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1 (Đại sứ quán Mỹ)

- Số 3 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1 (Đài Tiếng nói nhân dân TP.HCM)

Vào tháng 2/2025, TP.HCM đã thực hiện lễ khởi công xây dựng bia tưởng niệm chiến sĩ Biệt động Sài Gòn tại Nghĩa trang Liệt sĩ TP.HCM.

Thiếu tướng Phạm Văn Rậm, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh TP.HCM chia sẻ: "Việc xây dựng Bia tưởng niệm Liệt sĩ Biệt động Sài Gòn tại Nghĩa trang Liệt sĩ vừa để ghi lại những mốc son lịch sử của lực lượng vũ trang thành phố; vừa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, bồi dưỡng niềm tin, tình cảm giúp cho mỗi cán bộ, chiến sĩ thấy được giá trị lịch sử, những chặng đường vẻ vang, vinh dự, tự hào; từ đó ra sức phấn đấu, cống hiến xây dựng thành phố vững mạnh toàn diện 'mẫu mực, tiêu biểu'; xứng đáng là đơn vị 3 lần Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân".

Công trình dự kiến hoàn thành trước dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).

(Bài viết có sử dụng hình ảnh tư liệu của một số đồng nghiệp.)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nguyễn Bảo

CLIP HOT

Đánh thức tiềm năng du lịch vịnh Bái Tử Long
Đánh thức tiềm năng du lịch vịnh Bái Tử Long

Vịnh Bái Tử Long là một trong những điểm đến hấp dẫn nhất của tỉnh Quảng Ninh, với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, hệ sinh thái đa dạng và giá trị văn hóa - lịch sử đặc sắc. Khác với vịnh Hạ Long sôi động, vịnh Bái Tử Long mang vẻ đẹp hoang sơ, thanh bình, rất phù hợp để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và trải nghiệm.