Du lịch Diên Khánh, những điều mới biết
Tôi tính đi Diên Khánh vài bữa, ai dè la ai dè la cà cả tuần vẫn chưa đi hết Diên Khánh, vẫn thòm thèm vì chưa đã bởi nơi đây còn nhiều mới mẻ, bất ngờ.
Nhiều du khách biết Nha Trang có cây Dầu Đôi độc đáo dù thực tế cây thuộc huyện Diên Khánh. Thành cổ Diên Khánh chỉ phổ biến trong giới lịch sử, khảo cổ. Năm nay, thêm khu du lịch Làng Nhỏ - hồ Láng Nhớt, nơi khởi xướng loại hình du lịch Net Zero bền vững. Khi kiến trúc sư Nguyễn Mạnh Bình San, chủ khu Làng Nhỏ rủ tôi ra chơi, tôi liền đồng ý ngay.
Thác cạnh chùa Suối Đổ
Địa danh Diên Khánh có từ 1742, thủ phủ của Khánh Hòa đến 1946, giao lại cho Nha Trang. Năm 1975, Diên Khánh mất tên nhưng năm 1977 thì tái lập. “Diên”, vùng đất hoang sơ - “Khánh”, niềm vui. Cây Dầu Đôi cao 30m, tán rộng 15m. Theo các lão nông tri điền truyền ngôn, khi xây thành Diên Khánh (1793), cây Dầu Đôi đã rất lớn. Những năm 1880, gắn liền các hoạt động của Trịnh Phong, thủ lĩnh Cần Vương Khánh Hòa, dưới ngọn cờ Bình Tây Đại Tướng. Ông mất năm 1886, có miếu thờ bên cạnh cây Dầu Đôi. Nhiều bạn trẻ gọi cây Dầu Đôi là cây dầu Tình Yêu.
Cổng thành cổ Diên Khánh
Năm 1793, Nguyễn Ánh xây thành Diên Khánh làm vành đai phòng ngự kiên cố. Thành có diện tích 36.000 m2, kiến trúc quân sự kiểu Vauban. Tường thành hình lục giác không đều, chu vi 2.693 m bằng đất, cao 3m5. Mỗi cạnh, tường chia nhiều đoạn nhỏ, uốn lượn, góc không nhô ra mà vẫn quan sát được hai bên. Mặt ngoài tường dựng đứng, mặt trong thoải, đắp thành hai bậc, tạo đường vận chuyển thuận lợi ven thành.
Nhà thờ Hà Dừa
Ngoài thành có hào nước sâu từ 3 - 5 m, rộng từ 20 - 30 m bao quanh. Thành có 6 cửa, hiện chỉ còn 4 cửa Đông - Tây - Tiền (Nam) - Hậu (Bắc). Đi từ hướng quốc lộ 1 có đường độc đạo xuyên cửa Đông đến cửa Tây. Xưa, thành có hoàng cung, dinh Tuần Vũ, dinh Án Sát, dinh Lãnh Binh, dinh Tham Tri, nhà kho, nhà lao... do hoàng tử Cảnh cùng Bá Đa Lộc chỉ huy trấn giữ và từng là tổng hành dinh nghĩa quân Cần Vương. Nay, thành có các cơ quan hành chính huyện lỵ, nhiều nhà dân và sân bóng đá. Thành đang được phục dựng hào và một số hạng mục.
Cạnh thành cổ, khởi dựng cùng năm 1793, Hà Dừa, nhà thờ cổ nhất Khánh Hòa, kiến trúc Gothic cách tân. Cột gỗ căm xe, trần và các thánh tích chạm trổ bằng gỗ quí. Bàn ghế cũng bằng gỗ. Nhìn bên ngoài nhà thờ có phong cách châu Âu nhưng bên trong thuần Việt, đơn giản mà tinh tế, sắc sảo. Tôi gặp mấy cháu nhỏ cực kỳ lễ phép, đưa đi tham quan như hướng dẫn viên.
Bàn thờ Ngũ Hành Thánh Mẫu Nương Nương ở chùa Suối Đổ
Chùa Suối Đổ, danh thắng độc đáo từ tên gọi đến cảnh quan. Gọi là Suối Đổ vì chùa nằm trên núi Hoàng Ngưu, cao hơn 200m, cạnh những dòng thác. Đường lên chùa, có bậc thang, ven bờ suối róc rách, như đàn đá ngày đêm giữa đại ngàn. Chùa có giếng Tiên không đáy và động Maha như túp lều đá với nhiều huyền tích hư thực.
Từ sân chùa nhìn xuống, ruộng đồng Diên Khánh đẹp ngỡ ngàng. Ban đầu chùa có tên Phật Tổ, còn gọi là Phổ Đà Sơn Tự, thờ Phật Bổn Sư Di Đà. Sau có thêm chùa Quan Âm bên phải (từ dưới lên), miếu thờ Thánh Mẫu Thiên Y A Na và Ngũ Hành Thánh Mẫu Nương Nương. Trước sân là tượng Phật Quan Âm bao dung chở che cả vùng Diên Khánh. Cả hai chùa có lối lên riêng, cách nhau hơn trăm mét và đều dựa lưng vách thác, bao năm đổ nhạc thay lời cầu kinh.
Am Chúa nằm trên núi Đại An (còn gọi núi Đại Điền, núi Dưa, Chủ Sơn); cao hơn trăm mét; thế “Tiền thủy, hậu sơn”. Tương truyền là nơi hiển linh Thánh Mẫu Thiên Y A Na - Người Mẹ xứ sở, được Việt hóa từ tục thờ Bà Ponagar. “Am Chúa hiển nhân, Tháp Bà hiển thánh” - Am Chúa, nơi Bà đản sanh (mồng 1 tháng 3 ÂL) - Tháp Ponagar, nơi Bà hiển thánh (ngày 23 tháng 3 ÂL). Kiến trúc Am Chúa kiểu đình làng và chùa. Chính điện với các hình tứ linh "Long, Lân, Quy, Phụng" đắp nổi.
Bái đường có đôi câu đối bằng chữ Hán kể sự tích Thánh Mẫu; có Tam quan, mộ ông bà Tiều, Bia ký, miếu Sơn Lâm, miếu Ngũ hành,… Chưa rõ năm khởi dựng nhưng được vua Tự Đức sắc phong năm 1849. Cây mã tiền (còn gọi là củ chi, cổ chi) cổ thụ trước am, khoảng 350 năm tuổi, nhìn xuống thành phố Nha Trang như bài thơ tuyệt tác.
Một góc bảo tàng Trầm hương
Khánh Hòa là thủ phủ trầm hương Đông Dương. Khu bảo tồn trầm hương - bảo tàng trầm hương Hoàng Trầm là điểm đến ấn tượng. Khu bảo tồn rộng hơn 30 ha, có 5 ha dành cho du khách tìm hiểu, trải nghiệm về cây dó bầu tạo trầm. Hoàng Trầm được xem là bảo tàng trầm bài bản, phong phú nhất ở Đông Dương; rộng 1.200 m2 với hàng ngàn tư liệu, sản phẩm, hiện vật, cổ vật lịch sử trầm hơn 3.000 năm, có cả kỳ nam.
Trầm hương ẩn chứa nhiều giá trị bí ẩn, thanh cao, u nhã của vua chúa, vương tôn quý tộc, trưởng thượng và tầng lớp thượng lưu xưa. Nhờ tác dụng khử mùi và thanh lọc không khí siêu việt nên được dùng trong nghi thức tôn giáo quan trọng, trong phòng các đế vương và chữa bệnh. Ngày nay, trầm hương có giá hợp lý nên phổ biến hơn. Tìm hiểu qui trình trồng và tạo trầm, nghệ thuật chế tác, xem xỉa trầm; thưởng trà trầm, ngoạn nghệ thuật thưởng trầm cung đình… là những trải nghiệm chỉ có ở Hoàng Trầm.
Một góc khu du lịch Làng Nhỏ
Khu du lịch Làng Nhỏ rộng 173 ha, 30% là rừng nguyên sinh; có hồ Láng Nhớt, suối Thần, hang Dơi, hang Năm Cô, hồ bơi liên hoàn nước suối tự nhiên… Lưu trú có nhà lều, bulgalow, biệt thự mang phong cách Net Zero thân thiện môi trường. Nằm trên giường cứ ngỡ phiêu linh giữa rừng bạt ngàn xanh, đầy ắp hương trời đất và âm thanh dìu dặt hòa tấu côn trùng.
Cà phê trăng trên hồ Láng Nhớt, Làng Nhỏ.
Điểm nhấn là trekking rừng, ngắm toàn cảnh Làng Nhỏ, lội suối cho vã mồ hôi rồi tắm suối. Ăn trưa dân dã, thư giãn, nghỉ ngơi giữa suối Thần, óng ánh tinh thể vàng là trải nghiệm cực chất loại hình mới – Tắm rừng (Shinri Yoku).
Phút thiền định giữa suối Thần
Đón bình minh, tiễn hoàng hôn hoặc cà phê trăng, cà phê sao trên hồ Láng Nhớt là những ấn tượng nhớ đời. Làng Nhỏ đang có dự án thành lập “Viet Nature Training Center”… Mọi hoạt động ở Làng Nhỏ đều gắn với nông nghiệp bền vững và “Thuận Thiên”.
Diên Khánh còn có Memento Country Home, suối khoáng nóng Đảnh Thạnh, suối Tiên, suối Bạch Đằng, suối Dầu, suối Cây Sung, chùa Thiên Lộc, chùa Đại Phước, Văn Miếu, núi Đá Đen, hòn Dữ, hòn Chuông, sông Cái, sông Chò, làng đúc đồng, làng bánh tráng; các trải nghiệm nông nghiệp và văn hóa 35 tộc người vùng bán sơn địa, thuộc cộng đồng dân tộc Việt Nam. Có nhiều chợ quê, thường họp từ 5g sáng đến khi nắng lên, đồ ăn tươi, giá rẻ, lạ miệng. Món ngon có loại bánh ướt, nem chua, bún cá, chả lụa, gà ngủ cây, khoai mì hoàng kim, bành khoai mì nướng…Món nào cũng nhiều biến tấu.
Du lịch Diên Khánh đang chờ khách, sao ai chưa về chơi??

Không phải sơn hào hải vị cũng chẳng phải món ăn cầu kì khó chế biến, bún nước Diên Khánh là một thức quà sáng giữ...