Bình Tiên mùa gió chướng

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tháng 5, Bình Tiên như thiếu nữ hay dỗi hờn. Bầu trời đen kịt và cơn mưa tầm tã vội vã kéo đến, vần vũ no nê rồi dịu êm. Ngày mới lại bắt đầu với ánh nắng sóng sánh chiếu trên mặt biển giữa miên man biển trời.

Bình Tiên mùa gió chướng - 1Cắm trại ở Bình Tiên (Ninh Thuận, cách TP Phan Rang khoảng 30 km) sẽ được thỏa thích buông lưới đánh cá, lặn bãi san hô nước trong xanh như ngọc, nướng cá trên bếp than hồng rực rỡ… Thi thoảng, khi gió từ biển ghé vào, ngọn lửa được nhóm lên nhảy nhót những vũ điệu tinh nghịch mang theo mùi thức ăn nồng đượm vị mặn mòi biển cả, thơm lừng.

Cuối chiều, ánh nắng mặt trời ngọt lịm chưa kịp tắt hẳn thì trăng non đã chênh chếch phía xa. Ai nấy gọi nhau ngả lưng trên bờ cát dài uốn cong, thả hồn vào vành trăng non lửng lơ giữa bầu trời rộng lớn…

Người ta kể về Bình Tiên như thế khiến chúng tôi say lòng nhưng đó là mùa nắng đẹp, biển êm. Giữa tháng 5 tiết trời đỏng đảnh, biển động, chúng tôi vẫn quyết định khám phá một vẻ đẹp rất riêng của Bình Tiên hoang sơ trong mùa gió chướng, trước khi những khu nghỉ dưỡng kịp hoàn thành, thương mại hóa nơi đây.

Bình Tiên mùa gió chướng - 2

Từ bãi kè, chiếc tàu cá đã neo sẵn đợi những vị khách lên boong. Tàu rẽ sóng, xé màn mây lúc xám lúc đen hướng về phía bán đảo Bình Tiên. Rời đất liền chừng 30 phút, ngọn đồi xanh dần dần hiện ra, càng lại gần càng trở nên rộng lớn, bao quanh là bãi đá lộ thiên cao thấp nhấp nhô, uốn lượn.

Cách bờ chừng 50 mét, chúng tôi phải chuyển sang thuyền thúng. Cả người và lương thực, thực phẩm lướt trên bãi đá ngầm để tiến vào bên trong. Địa điểm cắm trại được chọn trên thung lũng cát trắng tinh. Mặt lều nhìn về biển, lưng tựa vào phía đồi, cách không xa hồ nước ngọt trong vắt ngay dưới những chân đồi đan lấy nhau.

Lác đác những hạt mưa rớt xuống, cả đoàn lao vào dựng lều. Đoán định được thời tiết xấu từ trước nên ngoài lều và đồ dùng cá nhân, cả đoàn luôn khuân vác thêm 3 tấm bạt rộng. Trong đó một tấm lót kỹ lưỡng trên nền cát trắng, dưới chân lều nhằm tránh nước ẩm ướt thấm ngược; 1 tấm căng rộng che chắn phía trên, góp sức cùng những chiếc lều vững chãi gánh mưa đổ xuống; tấm còn lại được căng ngay gần đó che chắn giữ lửa cho bếp than rực hồng. Lều vừa xong, ai nấy hối hả chui vào trốn cơn mưa ào xuống như trút.

Bình Tiên mùa gió chướng - 3

Gần 3 giờ chiều, mưa dần ngớt hạt, trời bắt đầu trong. Những chiếc lều nối liền nhau cùng sự bao bọc che chở của những chiếc bạt vẫn hiên ngang, sừng sững. Mọi người hào hứng rời lều theo chân ngư dân ra biển bủa lưới tìm kiếm “lộc trời” là cá, tôm… Người mang chân vịt lặn biển khám phá những rặng san hô ngũ sắc, đầy hình thù.

Tôi và một vài chị em khác trong đoàn chọn bộ hành quanh con suối nước ngọt đã đục ngầu vẩn đỏ bởi phù sa bazan đổ xuống sau trận mưa, như đôi mắt đỏ hoen của cô thiếu nữ vừa chia xa người tình. Ai cũng luyến tiếc tìm kiếm trở lại vẻ đẹp trong xanh mướt mát như khi vừa đặt chân đến.

Miệt mài vượt từng phiến đá cheo leo, chúng tôi ngồi ở mũi bãi đá ngắm hoàng hôn vàng vọt dần tan ra rồi lặng lẽ biến mất trong không trung. Những chiếc thuyền cá quay đầu về đất liền, chao chao theo sóng biển, nhỏ dần đến khi mất hút khỏi tầm mắt. Càng về cuối chiều, gió càng lạnh, từng đợt gió hối hả lùa rít vào rừng chao đảo cả khu rừng…

Bình Tiên mùa gió chướng - 4

Chúng tôi bận rộn nhóm lửa trên bãi cát, rửa rau, nướng cá, tận dụng cơm nguội để nấu cháo tránh lãng phí thức ăn. Nhá nhem tối, nồi cháo “khổng lồ” chưa kịp cạn đáy thì trời lại ào ào đổ mưa lớn mà chẳng hề “xi nhan” báo trước điều gì. Cả đoàn vừa ăn vừa chạy, vừa chạy vừa dọn, ướt nhèm, nhếch nhác, kết thúc ai nấy nhìn nhau không nhịn được cười.

Trời càng lúc mưa to, cả đoàn le lói đèn pin dồn tốc lực để gia cố lều bằng bao cát, căng lều tránh nước suối dâng lên tràn vào. Đống lửa nướng cá cũng được di dời từ lều tạm sang chiếc lều cao. Có lẽ trời thương, bởi sau mấy chập mưa mà đống lửa cũ chưa tàn, hòn than còn rực hồng.

Khi màn đêm thật sự buông xuống bao trùm cả không gian, dưới chiếc lều cao chỏng chơ nhưng vững chãi giữa đồi cát cùng ánh đèn le lói, nồi cháo nóng “cứu đói” vẫn tiếp tục tỏa hơi, thơm ngào ngạt. Chúng tôi xì xụp húp rồi luyên thuyên bất tận về chuyến đi “ngược ý trời” này. Trong khoảnh khắc ấy, bài hát chúc mừng sinh nhật ghép của một vài thành viên trong đoàn được vang lên dưới cơn mưa lã chã, vẫn đầy ắp tiếng cười.

Đêm muộn, một thành viên trong đoàn vốn là “dân phượt” kỳ cựu ngã bệnh, nóng sốt. Nhóm phụ trách thuốc men vội vã soi đèn pin tìm hộp thuốc lấy chai dầu. Chai bổ phế mà cả đoàn luôn mang theo mỗi chuyến hành trình dọc đất nước cũng đã phát huy được tác dụng sát trùng họng, trị cảm ho. Đồng đội đã ổn chúng tôi mới yên tâm chợp mắt giữa màn đêm tĩnh mịch, mưa vẫn không ngừng trút xuống. Khi có đợt gió lớn thốc vào, rít vào rừng cây xào xạc… cả đoàn sực tỉnh giấc, nín thở chờ trời sáng.

Tinh mơ, trời yên biển lặng. Mặt biển dập dờn nhè nhẹ như dải lụa trắng. Những con sóng li ti nối nhau vỗ vào bờ, tan ra trên bờ cát trắng phau. Sau trận mưa bão hôm qua, hồ nước ngọt đầy thêm. Chúng tôi không còn lạ lẫm với nét đục ngầu u buồn của nó. Khác lạ hơn, bên mép hồ, những đám cỏ vươn lên xanh tốt. Nhìn kỹ ở lối mòn quanh đó cũng thấp thoáng những mầm xanh nhỏ xíu vẫn còn “đội” sương đêm long lanh trên đầu.

Nếu không có gì thay đổi, chẳng mấy chốc nữa, đám cỏ sẽ đua nhau mọc lên, khỏa lấp hoàn toàn những lối mòn mà con người để lại trước đó. Bởi vậy, ở một góc nhìn khác, có lẽ hồ nước ngọt đỏ ngầu tưởng đang buồn tủi lại như đang cười, bởi nó vừa được tiếp thêm bao nhiêu phù sa, cất giữ lại để nuôi dưỡng “linh hồn” của cây cỏ vạn vật.

Hết mùa gió chướng, khi những trận mưa bão không còn ghé qua, nó sẽ lại được khoác lên mình chiếc áo màu xanh biêng biếc kiêu sa diễm lệ, trong trẻo nhìn thấu cả đáy hồ tuyệt đẹp.

Bình Tiên mùa gió chướng - 5

Giữa trong xanh của biển trời, trên chiếc thuyền thúng để trung chuyển ra tàu cá trở về đất liền, chúng tôi không ngừng dõi ánh mắt vào Bình Tiên. Bình minh rọi xuống cũng là lúc những máy xúc, máy ngoạm, cần cẩu gần đó “thức dậy”, tiếp tục công việc giải phóng san lấp mặt bằng để mọc lên những khu nghỉ dưỡng phát triển du lịch.

Đã nhiều năm trôi đi sau đó, khi tôi trở lại, diện mạo của Bình Tiên đã hoàn toàn khác. Những khu nghỉ dưỡng view hướng biển hiện đại san sát nhau, những con đường bê tông, vi vu quanh đảo là điều dễ dàng…

Bình Tiên vẫn đẹp, thậm chí càng đẹp hơn khi có bàn tay sắp đặt tân trang của con người và dễ khám phá hơn đối với khách du lịch. Ngày càng nhiều người đến Bình Tiên để chiêm ngưỡng “viên ngọc”, “eo biển xanh” hoặc chỉ cần thong thả ngồi dưới ban công resort nhìn về xa xa chân trời, thả trôi những áp lực trong cuộc sống. Nhưng đối với tôi, vẫn khắc khoải về một Bình Tiên vào mùa gió chướng – mùa Bình Tiên hoang sơ cuối cùng. Vẫn còn trong ký ức, Bình Tiên như thiếu nữ mới lớn vẫn đang ngủ mơ, hoang sơ, đơn thuần. Mùa gió chướng dỗi hờn đỏng đảnh, dữ dội nhưng vẫn dịu êm, mong manh trước vần vũ của đất trời…

BỔ PHẾ NAM HÀ – THƯƠNG HIỆU QUỐC GIA VIỆT NAM

Đơn vị đồng hành tổ chức cuộc thi “Check in cùng Bổ Phế Nam Hà – Xoa dịu cơn ho, tự do khám phá”

Bổ Phế Nam Hà là thuốc ho thảo dược được tin dùng bởi nhiều thế hệ gia đình, từ lâu đã trở thành người bạn đồng hành quen thuộc chăm sóc sức khỏe hô hấp người Việt.

Công dụng: Điều trị hiệu quả các trường hợp ho do cảm mạo, ho gió, ho khan, ho có đờm, ho do dị ứng thời tiết, ho lâu ngày không khỏi, đau rát họng, khản tiếng, viêm họng, viêm phế quản.

Nhà sản xuất: CÔNG TY CỔ PHẦN DƯỢC PHẨM NAM HÀ

415 Hàn Thuyên, phường Vị Xuyên, TP. Nam Định, tỉnh Nam Định.

Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.

Số XNQC: 1e/2023/XNQC/YDCT; 3e/2023/XNQC/YDCT; 4e/2023/XNQC/YDCT

Liên hệ tới tổng đài 1800 1155 (miễn cước) hoặc truy cập vào website: https://bophenamha.vn/ nếu cần hỗ trợ thêm thông tin chi tiết về bộ sản phẩm Bổ phế Nam Hà.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Phạm Thị Loan

CLIP HOT