Về cầu ngói Thanh Toàn, tham quan nhà trưng bày nông cụ đặc sắc
Tham quan nhà trưng bày nông cụ Thanh Toàn nằm bên cây cầu ngói Thanh Toàn nổi tiếng, du khách có thêm những góc nhìn thú vị về những nét văn hóa, đời sống thường ngày thú vị của nông thôn xứ Huế.
Đến Huế du lịch, nhiều du khách đã dành thời gian tìm về địa điểm du lịch cách trung tâm TP Huế chừng 7km. Đến với cầu ngói Thanh Toàn (thôn Thanh Thủy Chánh, xã Thủy Thanh, thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế), du khách được hòa mình vào không gian làng quê yên bình với hình ảnh con sông, bến nước, ruộng lúa...
Ngoài được bước vào không gian làng quê, thưởng thức ẩm thực địa phương, nhiều du khách còn thích thú khi có khoảng thời gian tham quan nhà trưng bày nông cụ Thanh Toàn.
Bước vào không gian hấp dẫn này, du khách đã được biết thêm về lịch sử văn hóa làng quê, nghề nông, đánh bắt cá và đời sống thường ngày của người dân. Mọi người được tận mắt chiêm ngưỡng những hiện vật phản ánh về đời sống sinh hoạt của nông thôn Thanh Thủy Chánh như sàng, cối xay bằng đá... cũng như biết thêm nhiều nông cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp như đạp nước, quạt lúa...
Du khách còn được tìm hiểu thêm về nét văn hóa địa phương như cưới hỏi, hội bài chòi, đua ghe... Hấp dẫn hơn cả, du khách còn được nghe các làn điệu dân ca địa phương như hò xay lúa, hò ru em... Đặc biệt, ở các không gian hiện vật có chú thích rõ ràng bằng tiếng Việt và tiếng Anh để du khách có thể chủ động tìm hiểu, biết thêm những câu chuyện hay...
Đến với nhà trưng bày nông cụ này, du khách được thưởng lãm sản phẩm du lịch đặc trưng của du lịch Thanh Toàn. Thông qua những đồ vật, hiện vật được trưng bày, du khách có thể hình dung được khung cảnh về làng quê một thời cũng đời sống sinh hoạt của người xưa.
Được thành lập vào năm 1471, làng Thanh Thủy Chánh vốn có tên là làng Thanh Toàn. Đây là một trong những làng quê thuần nông xuất hiện tương đối sớm ở vùng đất Thuận Hóa. Trải qua bao biến cố lịch sử, làng Thanh Thủy Chánh vẫn còn lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc tuy không lớn nhưng khá cổ kính, tôn nghiêm.
Làng Thanh Thủy Chánh còn được nhiều du khách biết đến nhiều khi nơi này có cây cầu ngói nổi tiếng. Cầu ngói Thanh Toàn bắc ngang qua dòng sông Như Ý là công trình mang giá trị văn hóa, kiến trúc nghệ thuật được công nhận là di tích quốc gia. Giữa ruộng vườn trù phú, cuộc sống yên vui, người dân địa phương thường hát câu: “Ai về cầu ngói Thanh Toàn/ Cho em về với một đoàn cho vui”.
Có dịp về cầu ngói Thanh Toàn, du khách ghé thăm nhà trưng bày nông cụ.
Thanh Toàn là làng quê chuyên canh cây lúa. Mỗi năm có hai vụ và phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Hạn hán, lũ lụt thường xuyên nên cuộc sống người dân cũng vất vả. Ngoài hai vụ lúa, bà con trong làng còn chăn nuôi gà, vịt, chằm nón, đan lát, bủa lưới, giăng câu, trồng bầu bí, rau màu hoặc đi làm thuê để có thêm thu nhập.
Hình ảnh máy quạt lúa trở thành ký ức sâu đậm của nhiều người dân làng quê xứ Huế.
Trưng bày các nông cụ như phạn giường, cuốc 3 răng, trang gom lúa...
Làng Thanh Toàn có diện tích ruộng lúa và mặt nước đồng khoảng 323ha. Hằng năm có ngập lụt nên tôm cá ở đây khá nhiều. Thủy sản trong ruộng là nguồn sống của người dân xưa và nay. Dụng cụ đánh bắt cũng rất đa dạng từ chơm, lừ đến chẹp, đó, chỉa ếch... Theo kinh nghiệm dân gian, trên những cánh đồng vào các dịp tháng 3, tháng 7 là mùa đánh bắt tôm, cá, ốc, ếch. Đến tháng 3, bà con lại đem chỉa đi bắt ếch và ghe đi bắt ốc. Tháng 7, người dân dùng các loại chơm, chẹp, lừ, đó, lưới, câu thả, câu cắm để đi bắt cá, tôm.
Nhiều vật dụng quen thuộc của nhà nông.
Để đưa nước vào ruộng, dân làng sử dụng các loại nông cụ như xe đạp nước, gàu vảy, gàu dai. Trước kia, có những ngày đạp nước ra khỏi ruộng để gieo, cấy lúa, có lúc làng huy động cả 100 chiếc xe đạp nước. Cả làng cùng đạp nước trong tiếng hò reo, tiếng phèng la tưng bừng. Bà con gọi đó là đạp nước làng.
Hình ảnh thân thuộc ở làng quê thời xưa.
Thông qua những đồ vật, hiện vật được trưng bày, du khách có thể hình dung được khung cảnh về làng quê một thời cũng đời sống sinh hoạt của người xưa.
Bài chòi – một hoạt động hết sức thú vị bên cầu ngói Thanh Toàn.
Lọng dùng che nắng trong cưới hỏi, đám rước trong lễ hội, cúng tế hoặc bày ở gian thờ của đình làng, đền miếu, nhà thờ họ cho tôn nghiêm.
Quả hộp dùng đựng các sính lễ cưới hỏi của nhà trai như trầu cau, rượu, trái cây, nem, chả, bánh phu thê... Thông thường, mỗi bộ sính lễ có từ 5-7 quả hộp. Xưa nay, người Thanh Toàn xem cưới gả là việc đại sự của gia tộc và gia đình nhằm sinh con đẻ cái, duy trì gia thống, nối dõi tông đường.
Chiếc nôi thân quen.
Bữa cơm gia đình.
Nhà trưng bày nông cụ là điểm đến thú vị nằm bên cầu ngói Thanh Toàn.
Tour vượt thác nước ở Đà Lạt được giới thiệu là một cuộc phiêu lưu ly kỳ, nơi du khách sẽ trèo xuống những thác...