TP.HCM thu hoạch vụ lúa ST25 đầu tiên, khởi đầu cho cuộc cách mạng nông nghiệp bền vững
Mặc dù là đô thị hóa cao, nhưng TP.HCM vẫn tập trung phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chú trọng đến các mô hình canh tác bền vững và đã đạt được bước tiến quan trọng khi đang thu hoạch vụ lúa ST25 hữu cơ đầu tiên.
Những ngày đầu tháng 10, một số nông dân ở xã Hưng Long, huyện Bình Chánh đang tất bật thu hoạch vụ lúa ST25 hữu cơ đầu tiên. Đây là giống lúa đạt giải “Gạo ngon nhất thế giới” năm 2019 được nghiên cứu và phát triển bởi kỹ sư Hồ Quang Cua tại Sóc Trăng.
Những tưởng giống lúa chỉ trồng được tại những vùng đất màu mỡ, nhiều phù sa nhưng đã được các nông dân tại ở đô thị lớn nhất cả nước đưa về trồng thí điểm và đạt kết quả ngoài mong đợi khiến bà con rất vui mừng.
Cánh đồng ruộng lúa ST25 - Gạo ngon nhất thế giới tại huyện Bình Chánh
Anh Võ Văn Khôi (ấp 4, xã Hưng Long) - thành viên của Tổ hợp tác lúa cao sản tham gia canh tác thử nghiệm giống lúa ST25 ngay từ mùa đầu tiên phấn khởi: “Vụ lúa ST25 được trồng thí điểm những kết quả ngoài mong đợi. Dự kiến sản lượng thu hoạch lúa của tôi đạt khoảng 3,5 tấn, cao hơn so với trồng lúa thông thường”.
Theo ông Khôi, được Hội nông dân xã khuyến khích thử nghiệm giống lúa, gạo “ngon nhất thế giới”, thấy thú vị nên ông đồng ý thí điểm trên mảnh đất 7.000m2.
Giống lúa ST25 được thí điểm theo quy trình hữu cơ, không phân hóa học. Hiện cây lúa đang cho hạt đều, ít bệnh và khỏe mạnh, cứng cáp hơn so với trồng lúa thông thường.
Ông Khôi là một trong những người nông dân tiên phong thí điểm lúa ST25 ở TP.HCM
“Ngoài ra việc trồng giống ST25 cũng giúp đất tơi xốp, không bị chai như xài thuốc hóa học”, ông Khôi nói và cho biết, trong quá trình trồng cũng khá lo lắng sợ cây phát triển chậm nhưng không ngờ giờ đây đã chuẩn bị thu hoạch với sản lượng cao hơn nhiều lần so với giống lúa thông thường.
Tương tự, ông Trần Văn Nhã, (ấp 4, xã Hưng Long) cũng là một trong số nông dân ứng dụng theo mô hình mẫu sản xuất lúa gạo ST25 hữu cơ tại TP.HCM.
Ông Nhã cho biết, những năm trước trồng lúa thường dùng bón phân hóa học, nhưng năm nay, khi thử nghiệm giống lúa ST25, ông đã chuyển qua dùng phân bón enzyme (một loại phân bón enzyme do chính một thành viên Câu lạc bộ sản phẩm Ocop Bình Chánh sản xuất) và thấy lúa đạt hiệu quả cao.
Ông Nhã (bên phải ảnh) cùng với ông Khôi rất phấn khởi khi thành công trong việc thí điểm lúa ST25 tại TP.HCM
“Không những hiệu quả, khi thử nghiệm lúa ST25 thấy ít bệnh, đất lại tơi xốp. Qua vụ đầu tiên thu hoạch, sản lượng đạt 1,7 tấn, cao hơn 500kg so với trồng lúa thông thường vụ trước, giá bán cũng cao hơn nên tôi rất là mừng”, ông Nhã phấn khởi.
Theo ông Nhã, những ngày đầu đắn đo khi xuống giống, nhưng sau mùa vụ này ông tin rằng bà con nơi đây sẽ mở rộng diện tích gieo trồng và chuyển dần sang quy trình canh tác hữu cơ.
“Năm nay thời tiết khắc nghiệt hơn nhưng gia đình tôi rất mừng vì lúa ST25 đạt năng suất cao. Tôi sẽ tiếp tục trồng giống lúa này và giới thiệu cho bà con khác cùng trồng theo phương pháp hữu cơ”, ông Nhã chia sẻ.
Giống lúa ST25 cho năng suất cao khi trồng thử nghiệm tại TP.HCM
Năm nay nhằm nâng cao năng suất, chất lượng lúa để cạnh tranh trên thị trường cũng giúp nông dân TP.HCM phát triển nông nghiệp bền vững, huyện Bình Chánh đã triển khai thí điểm mô hình trồng lúa ST25 theo hướng hữu cơ trên tổng diện tích hơn 6 ha, với 7 nông hộ tại xã Hưng Long tham gia.
Bà Lê Thị Mai - Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Hưng Long, cho biết, trên địa bàn xã Hưng Long có 220 ha đất trồng lúa, trong đó có 7ha đang trồng lúa ST25 hữu cơ. Hiện nay, các hộ sản xuất còn nhỏ lẻ, không tập trung, lợi nhuận thấp và đầu ra của sản phẩm cũng rất khó khăn.
Vì vậy, Hội nông dân xã cũng định hướng và xin phép chủ trương để cùng xây dựng cánh đồng mẫu ST25 dùng phân hữu cơ.
“Trong quá trình thực hiện, chúng tôi cũng vận động bà con, tuyên truyền cơ chế, chính sách về các giống lúa, trong đó có giống lúa ST25 để mang đến giá trị cao. Và Hội nông dân cũng là cầu nối để liên kết với doanh nghiệp thu mua bao tiêu sản phẩm đầu ra cho nông dân”, bà Mai nói.
Theo bà Mai, sản lượng lúa ST25 trồng theo hướng hữu cơ tuy chưa nhiều nhưng sản phẩm sẽ là nguồn nguyên liệu chất lượng để doanh nghiệp tại huyện Bình Chánh sản xuất sản phẩm OCOP cũng như phục vụ thị trường xuất khẩu theo đơn đặt hàng.
Bà Lê Thị Mai - Phó Chủ tịch Hội nông dân xã Hưng Long cùng nông dân ra đồng lúa ST25
Qua vụ Hè Thu, năng suất trung bình đạt 5 - 5,5 tấn lúa/ha và sản phẩm đầu ra được doanh nghiệp thu mua cao hơn so với giá trị trường 1.000 đồng/kg, hiện giá bán lúa ST25 trên thị trường là 8.000 đồng/kg.
Vụ thu hoạch lúa ST25 hữu cơ lần đầu tiên tại TPH.CM là một cột mốc quan trọng trong hành trình xây dựng nền nông nghiệp bền vững, chất lượng cao tại Việt Nam. Đây là thành quả từ những nỗ lực của các nhà khoa học, nông dân và chính quyền thành phố, mở ra nhiều cơ hội cho việc phát triển nông nghiệp hữu cơ và khẳng định vị thế của nông sản Việt trên thị trường quốc tế.
Đây là thành tựu đặc biệt không chỉ với ngành dệt may mà còn mang lại sự phát triển của ngành nông sản Việt Nam, từ...