Sạp báo giấy cuối cùng ở Hàng Xanh - Thị Nghè

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Sạp báo giấy cuối cùng ở khu vực Hàng Xanh - Thị Nghè cũng là "chứng nhân" bền bỉ cho ngành báo in, từ thời hưng thịnh đến khi thành quá vãng giữa kỷ nguyên số.

Giữa khu chợ nhộn nhịp bậc nhất Bình Thạnh, luôn náo nhiệt thanh âm đãi đưa rao hàng và đầy hương sắc cá thịt, rau củ, sự tồn tại của quầy báo giấy bình dị, hiền hòa ngỡ như mảnh ghép lạc lõng. Ấy vậy, 32 năm trôi qua, số 8 đường Phạm Văn Hân, Bình Thạnh vẫn một biển "quầy sách báo chợ Thị Nghè", đưa tin đến bạn đọc, kèm thêm nụ cười hồn hậu của bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, nay đã 71 tuổi.

Sạp báo giấy cuối cùng ở Hàng Xanh - Thị Nghè - 1

Chân dung bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, chủ nhân của quầy sách báo chợ Thị Nghè.

Sạp báo giấy cuối cùng ở Hàng Xanh - Thị Nghè - 2

Bắt đầu từ 1 giờ 30 sáng, mỗi ngày lịch trình của bà Ánh diễn ra đều đặn như nét mực in trên báo. Xong cơm cá cho 4 chú mèo nhỏ, bà Ánh lại cọc cạch trên chiếc xe Cup sờn màu đến các tòa soạn lấy báo, chuẩn bị cho một ngày mới. Người ta mua quen thành lệ, chẳng ai biết đích xác thời điểm các sạp báo được dựng lên. Ký ức ấy chỉ còn rõ nét trong thước phim quá khứ mà bà chủ sạp gốc Sài Gòn hiền hậu lưu giữ.

"Hồi trước, tui làm phát hành sách cho quận Bình Thạnh. Mà lương nhà nước thấp quá, gia đình vẫn còn em út. Năm 89, 90 khó khăn nhiều nên đành xin nghỉ, chuyển qua bán buôn. Tui về đây từ năm 90. Đến tháng 4 năm đó là chính thức bán", bà cho hay.

Sạp báo giấy cuối cùng ở Hàng Xanh - Thị Nghè - 3

15 năm đầu mở bán, khi xung quanh còn nhấp nhô sạp hàng cùng loại, nhiều thử thách nhưng tận tụy làm ăn, nghề bán báo có chút dư dật. Có điều, ngày vui ngắn chẳng tày gang, chỉ trong vòng hơn 10 năm gần đây, sự công phá của thời đại internet cùng sự càn quét của đại dịch đã xô đổ ngành báo giấy từ biểu tượng văn hóa trở thành dấu ấn hoài cổ, hiếm thấy ở đất Sài thành.

"Ngày xưa, bán đông vui lắm. Ngay bên kia đường trước có một sạp. Ở dưới chỗ khu siêu thị có một sạp nữa mà giờ chỉ phát khuya tầm 4 giờ, đến sáng họ cũng đi làm việc khác kiếm cơm", tay bà chỉ đến cửa hàng tạp hóa đối diện đường, ánh mắt có chút ngậm ngùi về sự thất thế buộc phải diễn ra theo thời cuộc.

Sạp báo giấy cuối cùng ở Hàng Xanh - Thị Nghè - 4

Sự bùng nổ của thời đại internet vô tình khiến các sạp báo giấy ở Sài Gòn trở thành những dấu ấn hoài niệm.

Sạp báo giấy cuối cùng ở Hàng Xanh - Thị Nghè - 5

Nhìn bàn tay còn khéo xếp đặt, nụ cười còn thắm, trí óc còn sáng, chẳng ai biết bà Ánh nay đã 71 tuổi. Phần lớn báo trên sạp đều là loại bán vài ngàn đồng, đôi khi lại thấy bà tặng thêm báo cho khách lấy vui làm lời. Đời người, phải yêu nghề đến đâu, ngó lơ những tính toan cơm áo gạo tiền, mới trụ lại giữa dòng chảy kế sinh nhai khó khăn như vậy. Hỏi về cái sự lạc quan lạ lùng khi bất chấp sự thoái trào của ngành báo giấy, vẫn dũng cảm "độc quyền" cả một khu vực, bà mới cho chúng tôi hay về những "chỗ dựa" của mình. 

"Hồi đó, mỗi ngày có khi tui phải bán được 2 xe báo. Bây giờ chỉ còn nửa xe. Bán ít nhưng ổn định, với yên tâm hơn vì có chỗ dựa là tòa soạn, có gì đưa tay ra đỡ cho mình. Trừ các báo có số lượng bản in thấp buộc phải mua đứt bán đoạn, các tòa soạn lớn như Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Sài Gòn Giải phóng... thấy tui lớn tuổi, cũng chăm chỉ tận tụy nên hỗ trợ để cùng đưa báo tới bạn đọc. Những hôm khó quá, bán dư đưa gửi về vài tờ, họ cũng hiểu khó khăn chung mà san sẻ, nhận lại. Nhưng, không vì vậy mà mình ỷ lại. In báo ra là phải đóng thuế, họ cũng có những nỗi lo riêng. Nên, người ta đã hết lòng, mình cũng phải cố", bà Ánh tiết lộ với sự biết ơn chân thành. Mọi thứ đến trong đời, bà đều đón nhận như một món quà.  

Sạp báo giấy cuối cùng ở Hàng Xanh - Thị Nghè - 6

"Chỗ dựa" thứ hai là chính quyền. Vì quý cái nghề, quý người bán lành tính chịu thương chịu khó, sạp báo cũng được chính quyền hỗ trợ để duy trì bao năm và thành một thương hiệu truyền thống cho dân cư quanh đây. Trong cái khó, những người bám nghề vì yêu như bà Ánh lấy thách thức làm lạc quan: "Số lượng người đọc đã giảm nhiều lắm. Đa phần chỉ còn người lớn tuổi. Người trẻ cũng có, đôi khi làm tư liệu, đôi khi mua cho cha mẹ. Nhưng, với tui thì cũng còn nhiều, tại sạp xung quanh người ta nghỉ với người mua quen họ vẫn còn ủng hộ".

"Chỗ dựa" cuối cùng ấy là tuổi tác. Bước vào U80, tử tế đi hết 70 năm cuộc đời, không có sự tính toán vật chất nào vương lại ở người phụ nữ này. Bà thiệt thà rằng: "Người bán khác còn trẻ thì phải tính bán hơn chút để lo nhiều thứ. Còn tui, lớn tuổi rồi, ăn thì ngày càng ít. Chỉ cần đủ để lo cho mình với mấy con mèo là được. Với cả có tuổi, cũng chỉ bán đến trưa là vừa vặn. Đã vậy, đi đến đâu được hỗ trợ đến đó, cảm động lắm. Cũng chỉ mong bán được hoài, ít tiền mà mỗi ngày vẫn gặp những gương mặt quen, gặp khách cũ và cả người trẻ còn yêu báo giấy như các cô, là vui, là đủ rồi".

Sạp báo giấy cuối cùng ở Hàng Xanh - Thị Nghè - 7

"Còn bạn đọc, còn tòa soạn mở, tôi còn chỗ dựa để bán báo", bà Ánh bộc bạch.

Sạp báo giấy cuối cùng ở Hàng Xanh - Thị Nghè - 8

Gọi đây là sạp báo tử tế vì trong veo niềm say mê báo giấy từ người bán đến người mua. Đến gửi lời chào, về gửi vài đồng kèm nụ cười, lời chúc sức khoẻ. Ai có lỡ số báo thì cũng vui vẻ dặn lại, hẹn chóng lấy. Sạp báo ở thành thị dần thưa thớt nên không chỉ dân cư xung quanh, có cả những người ở các phường lân cận cũng tìm đến, cho thỏa "cơn nghiện".

Như cô Trần Hoa, đã ngoài 60 tuổi, vẫn đều đặn tuần 3 ngày di chuyển từ khu vực gần Mũi Tàu đài Liệt Sĩ lên chợ Thị Nghè, ngót nghét 5km để mua báo. "Đăng ký từ năm ngoái rồi, trước vốn mua dưới kia mà sạp đóng mất rồi. Giờ người ta đổ xô đọc báo mạng, còn mình già rồi, mình chỉ thích đọc báo giấy, nó ghiền rồi. Phần nào không hiểu, mình lại giở qua giở lại, đọc từ từ cho ngấm. Đi tít từ Mũi Tàu lên đây, xa lắm mà ghiền rồi nên nhiều hôm đau chân không tự đi được, thế đành gọi xe ôm chở xuống. Biết còn người bán là mừng, quý rồi", cô Hoa vừa lật tờ báo mới, còn thơm mùi mực, vừa kể chuyện. 

Chú Năm, xưa làm thầy giáo khu Tân Định, giờ túc tắc xe ôm kiếm đồng ra đồng vào cũng là khách quen ở đây trên mười năm. Sau 10 giờ, kết thúc phiên chạy buổi sáng, chú ung dung bước vào chọn mấy tờ cầm về. "7 giờ rưỡi chạy xe đến 10 giờ về, được một cuốc 15 đồng. Giờ về mua báo hết 20 đồng, là lỗ hết 5 đồng", chú hóm hỉnh kể về phi vụ "đầu tư" bất ổn sáng nay.  

Sạp báo giấy cuối cùng ở Hàng Xanh - Thị Nghè - 9

Có những vị khách đã theo bà Ánh từ buổi đầu. Số tuổi đọc báo giấy của họ còn lớn hơn số năm chiếc sạp đứng trụ tại khu chợ này. Có những vị khách trung niên đủng đỉnh, sơ vin bảnh bao mua tờ Người Lao Động. Có những vị khách vẫn còn hăng say lao động sau tuổi nghỉ hưu, ghé lấy đôi tờ Tuổi Trẻ, Thanh Niên kèm thêm tờ lịch giải Euro. Cả những cô tóc màu hoa râm, choàng nhẹ chiếc khăn lụa, thanh lịch ghé mua tờ Đẹp hay tờ Bazaar.

75 ngàn đồng, ở các tiệm trà sữa có thương hiệu, tính ra chưa đủ mua hai ly. 75 ngàn đồng, ở sạp báo giấy này, người con trai vừa mua, vừa được tặng thêm mang về nhà cho người bố ở tỉnh gần 20 tờ báo. 

Hơn 32 năm giữ sức khỏe để bạn đọc có tờ báo cầm về, bà Ánh nhớ rõ từng lịch phát hành của các tòa soạn, nhớ hãng báo yêu thích của khách quen. Khi tôi hỏi về kế hoạch nghỉ hưu, bà cười hiền và nói: "Cầu lạy trời, bán báo tới ngày chót".

Sài Gòn lắm người tánh kỳ. Một khi đã yêu thì hào sảng hết mực, trọn vẹn nghĩa tình bỏ qua cả những toan tính cơm áo gạo tiền.

Sạp báo giấy cuối cùng ở Hàng Xanh - Thị Nghè - 10

Thời gian dâu bể vô vàn đổi thay, có những cuộc đời cứ hiền trôi, im ắng tử tế gìn giữ nét đẹp truyền thống như tặng cuộc đời một tách trà đá đậm vị. Hy vọng, hình bóng thân quen của bà Ánh và sạp báo của bà như một món quà cho những người yêu dư vị truyền thống, cho cả những người yêu sự tử tế, chuyên tâm không màng vật chất giữa dòng đời.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bài: Uyên Bùi, Ảnh: Thảo Trương

CLIP HOT

77 chiến sĩ nhí trải nghiệm học kỳ công an
77 chiến sĩ nhí trải nghiệm học kỳ công an

Trong 12 ngày tham gia học kỳ công an, các học sinh sẽ được tìm hiểu về lịch sử, truyền thống công an tỉnh Sóc Trăng; huấn luyện quân sự, võ thuật; hướng dẫn kỹ năng giao tiếp trên không gian mạng an toàn và hiệu quả.