Phát triển nông nghiệp đô thị gắn kết du lịch sinh thái tại Cần Giờ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

TP.HCM đang tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm biến Cần Giờ thành điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống cho người dân địa phương.

Du lịch Cần Giờ đang ghi nhận những tín hiệu tích cực với lượng du khách đây tăng lên hàng năm, đạt hơn 2 triệu lượt, chiếm 8,7% tổng lượng khách du lịch TP.HCM. Nhờ vậy, Cần Giờ góp phần vào thành tích chung của du lịch TP.HCM trong năm 2023 với 5 triệu lượt khách quốc tế, 35 triệu lượt khách nội địa và tổng thu nhập từ du lịch đạt hơn 160.000 tỷ đồng, lọt top 100 điểm đến du lịch được yêu thích nhất năm 2023.

TP.HCM đẩy mạnh đầu tư, biến Cần Giờ thành điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn

Nhận thức được tiềm năng du lịch to lớn của Cần Giờ, TP.HCM đang đẩy mạnh đầu tư và triển khai nhiều giải pháp nhằm biến nơi đây thành điểm đến du lịch sinh thái hấp dẫn.

Theo Quyết định 12 của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, Cần Giờ sẽ được phát triển thành thành phố biển mang đặc trưng của một thành phố tăng trưởng xanh, thông minh, thân thiện môi trường. Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng chất lượng cao được xác định là mũi nhọn phát triển của khu vực.

Năm 2023, TP.HCM đã thành lập Ban Chỉ đạo Phát triển ngành du lịch huyện Cần Giờ nhằm đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh du lịch Cần Giờ. Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá Cần Giờ có đủ điều kiện để thành công với đề án "Cần Giờ xanh".

Phát triển nông nghiệp đô thị gắn kết du lịch sinh thái tại Cần Giờ - 1

TP.HCM cam kết đồng hành xây dựng huyện Cần Giờ xanh - phát triển bền vững.

Ông nhấn mạnh việc các phương tiện giao thông tại đây sẽ không sử dụng xăng, nhằm đẩy mạnh du lịch xanh và mời gọi các doanh nghiệp du lịch, nhà đầu tư lớn đến hợp tác phát triển ngay từ bây giờ, không chờ đến khi có khu đô thị lấn biển.

Phát triển nông nghiệp đô thị gắn kết du lịch sinh thái tại Cần Giờ - 2

Khám phá rừng ngập mặt Cần Giờ

Mới đây nhất, UBND TP đã phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo đó, Cần Giờ sẽ tập trung phát triển các loại hình nông nghiệp đô thị phù hợp với điều kiện địa phương, gắn kết với du lịch sinh thái, du lịch lịch sử văn hóa, nghỉ dưỡng và dịch vụ môi trường rừng. Chương trình cũng khuyến khích nuôi chim yến trong nhà, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn, kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, lịch sử, văn hóa và dịch vụ môi trường rừng.

Ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, chia sẻ rằng thời gian qua, Cần Giờ đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội theo hướng nông nghiệp đô thị, xây dựng nông thôn mới và xóa nghèo bền vững. Tận dụng lợi thế tự nhiên, Cần Giờ khuyến khích và hỗ trợ nông dân chuyển toàn bộ đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, trang trại sản xuất kinh doanh tổng hợp, nuôi chim yến.

Cần Giờ cũng tập trung phát triển nghề nuôi thủy sản theo hình thức quảng canh dưới tán rừng để khai thác giá trị từ nguồn tài nguyên thiên nhiên mà không làm ảnh hưởng hệ sinh thái rừng ngập mặn. Các hoạt động như nuôi nhuyễn thể, nuôi thủy sản lồng bè trên đất có mặt nước, đất bãi bồi ven sông, ven biển đều được khuyến khích phát triển.

Trong thời gian tới, gắn với việc triển khai Nghị quyết 98, Cần Giờ sẽ hỗ trợ người dân trồng rừng gắn với tín chỉ carbon và triển khai mô hình du lịch sinh thái kết hợp trải nghiệm sản phẩm OCOP, góp phần tạo ra những trải nghiệm du lịch đa dạng và phong phú.

Du lịch sinh thái gắn liền với sản phẩm OCOP

Huyện Cần Giờ đang tích cực triển khai kết nối các mô hình du lịch sinh thái nhà vườn để đưa vào khai thác, đồng thời nhân rộng mô hình này nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch địa phương. Việc phát triển du lịch sinh thái nhà vườn gắn liền với sản phẩm OCOP là hướng đi chiến lược nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế của từng xã, thị trấn trên địa bàn.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - Trưởng Phòng Quy hoạch Phát triển Tài nguyên Du lịch, Sở Du lịch TP.HCM, phát triển du lịch sinh thái nhà vườn gắn liền với sản phẩm OCOP là hướng đi quan trọng trong định hướng phát triển du lịch Cần Giờ trong thời gian tới.

Phát triển nông nghiệp đô thị gắn kết du lịch sinh thái tại Cần Giờ - 3

Bà Nguyễn Thị Thanh Thảo chia sẻ tại Hội thảo "Giải pháp phát triển du lịch sinh thái gắn với sản phẩm OCOP tại huyện Cần Giờ đến năm 2030”

"Cần Giờ sở hữu hệ sinh thái độc đáo, hoàn toàn khác biệt so với các khu vực còn lại của TP.HCM. Do đó, việc phát triển du lịch Cần Giờ cần tập trung vào những sản phẩm đặc thù, tạo điểm nhấn riêng biệt để thu hút du khách", bà Thảo nhấn mạnh.

Bên cạnh việc phát triển nội lực, bà Thảo cũng cho rằng du lịch Cần Giờ cần được phát triển theo hướng xanh, bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ. Theo bà, nếu không bảo vệ được mảng xanh, Cần Giờ sẽ không còn gì khác biệt so với các khu vực khác của TP trong 5-10 năm tới.

"Cần Giờ sở hữu hệ sinh thái vô cùng quý giá, là điểm đến lý tưởng cho du khách yêu thích thiên nhiên. Do đó, việc bảo vệ môi trường và phát triển du lịch xanh, bền vững là vô cùng quan trọng", bà Thảo khẳng định.

Ông Nguyễn Ngọc Xuân, Phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ, cho biết, với điều kiện tự nhiên đặc trưng cùng di tích văn hóa, bề dày lịch sử, Cần Giờ có nhiều tiềm năng phát triển du lịch và xây dựng sản phẩm đặc trưng (OCOP).

Những năm qua, huyện đã đầu tư hạ tầng giao thông phục vụ du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch, tuyến du lịch mới, tăng cường quảng bá hình ảnh của du lịch Cần Giờ đến với du khách. Trên địa bàn huyện có làng nghề muối Lý Nhơn cùng nhiều sản phẩm OCOP 4 sao đặc trưng của vùng duyên hải. Ví dụ như xoài cát, khô cá dứa, mật dừa nước, tôm thẻ một nắng, tổ yến chưng…

Phát triển nông nghiệp đô thị gắn kết du lịch sinh thái tại Cần Giờ - 4

Theo đó, việc gắn kết các điểm du lịch, khu du lịch với các sản phẩm OCOP sẽ giúp huyện Cần Giờ khai thác tối đa giá trị sản phẩm, kéo dài chuỗi giá trị của ngành nông nghiệp, giúp người dân nâng cao thu nhập.

Ngoài ra, huyện còn có vùng cây ăn trái tập trung, nổi bật với nhãn hiệu "Xoài cát Cần Giờ". Các vùng nuôi chim yến trong nhà cũng đang được phát triển mạnh mẽ, gắn liền với sản phẩm OCOP yến sào Cần Giờ.

Phát triển nông nghiệp đô thị gắn kết du lịch sinh thái tại Cần Giờ - 5

Đặc sản tại Phiên chợ OCOP Cần Giờ lần 1

Khu rừng phòng hộ với diện tích khoảng 33.909 ha sẽ được kết hợp với các dịch vụ môi trường rừng và du lịch sinh thái, lịch sử, văn hóa. Bên cạnh đó, khu Nông nghiệp Công nghệ cao giống thủy sản có diện tích 100 ha, và các vùng nuôi thủy sản cửa sông và trên biển với quy mô khoảng 1.000 ha cũng đang được đẩy mạnh.

Đặc biệt, các làng nghề truyền thống cùng các sản phẩm đặc trưng khô cá dứa Cần Giờ, yến sào Cần Giờ, xoài cát Cần Giờ sẽ tiếp tục phát triển, gắn kết với các sản phẩm OCOP, tạo điểm nhấn cho kinh tế địa phương.

Phát triển nông nghiệp đô thị gắn kết du lịch sinh thái tại Cần Giờ - 6

Sản phẩm OCOP của Cần Giờ

Tính đến hiện nay, Cần Giờ đã có 2 sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch là khu du lịch sinh thái Dần Xây và khu du lịch Vàm Sát.

Bên cạnh đó, huyện Cần Giờ cũng đã có 12 sản phẩm nông nghiệp đạt chứng nhận OCOP 4 sao và 16 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao (tính đến tháng 5/2024). Ngoài ra, còn có 22 sản phẩm khác đang chờ UBND huyện phê duyệt chứng nhận OCOP 4 sao.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hàn Mai

CLIP HOT

77 chiến sĩ nhí trải nghiệm học kỳ công an
77 chiến sĩ nhí trải nghiệm học kỳ công an

Trong 12 ngày tham gia học kỳ công an, các học sinh sẽ được tìm hiểu về lịch sử, truyền thống công an tỉnh Sóc Trăng; huấn luyện quân sự, võ thuật; hướng dẫn kỹ năng giao tiếp trên không gian mạng an toàn và hiệu quả.