Phân khúc du lịch xa xỉ phục hồi ấn tượng

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trong suốt thời kỳ đại dịch, các cơ quan du lịch trên khắp thế giới đã và đang thử nghiệm các chính sách nhập cảnh có chọn lọc. Giờ đây, hầu hết các quốc gia đều đã triển khai các kế hoạch phục hồi, khá nhiều trong số đó mang tinh thần “chất lượng hơn số lượng”...

Phân khúc du lịch xa xỉ phục hồi ấn tượng - 1

Ảnh minh họa

Một tuần trước, giá vé để xem một con rồng Komodo trong tự nhiên là 11 bảng Anh. Tuy nhiên, chỉ 7 ngày sau, giá đã thay đổi thành 208 Bảng tại Công viên quốc gia Komodo ở Indonesia. Hội đồng Du lịch Bhutan thông báo nước này mở cửa trở lại từ 23/9, nhưng du khách quốc tế cần phải nộp phí phát triển bền vững là 200 USD/đêm, cao gấp 3 lần so với trước dịch.

Theo Jonny Bealby, chủ Công ty điều hành tour Wild Frontiers, có vẻ như các chuyến đi đã dần trở nên xa xỉ và mang tính đặc quyền trong mùa hè này, khiến phân khúc du lịch hạng sang phục hồi nhanh chóng hơn cả.

Mọi hy vọng đặt vào tay người giàu

Dịch Covid-19 tạm yên, du lịch lại trở thành mũi nhọn kích thích tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, xu hướng đi nghỉ hè của du khách toàn cầu đã thay đổi. Trong năm 2022, khách du lịch đến từ Mỹ có vai trò quan trọng với ngành du lịch ở khu vực miền Nam nước Pháp, nơi vốn được coi là “thiên đường nghỉ dưỡng” của giới nhà giàu Nga, nhưng nay lại đang vắng bóng. Chỉ tính riêng tháng 6/2022, tỷ lệ du khách xứ Cờ hoa đến Pháp đã tăng lên 42%.

Chính quyền thành phố Paris dự đoán Bắc Mỹ sẽ là khu vực đóng góp lớn nhất cho thị trường du lịch của địa phương trong mùa cao điểm năm nay, nhờ số lượng đặt phòng gần như hồi phục về mức trước đại dịch. Làn sóng du lịch này không chỉ diễn ra ở Paris, nhân viên ngành du lịch và các đơn vị chức năng trên cả châu Âu đều vui mừng khi lượng khách xứ Cờ hoa tăng cao. Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Công ty GfK, ngân sách mà một du khách Mỹ dành cho chuyến du lịch 10 ngày sẽ rơi vào gần 7.687 USD, một con số quá ấn tượng so với du khách đến từ các quốc gia khác.

Theo Euronews, đây cũng chính là thời điểm nhiều quốc gia trở nên “kén chọn” hơn với những vị khách đến viếng thăm mình. Tuần trước, Bộ trưởng Du lịch New Zealand Stuart Nash đã nhắc lại mong muốn thu hút du khách chất lượng cao chứ không phải “những người du lịch bụi trên xe cắm trại và tiêu 10 USD mỗi ngày bằng cách ăn mì gói”. Thay vào đó, ông Nash cho rằng đất nước nên kích cầu những du khách “chi nhiều tiền hơn một chút, ở lại lâu hơn một chút”.

Phân khúc du lịch xa xỉ phục hồi ấn tượng - 2

Đây là thời điểm nhiều quốc gia trở nên “kén chọn” hơn với những vị khách đến viếng thăm mình.

Trong suốt thời kỳ đại dịch, Fiji đã định hình bản thân là một điểm đi trốn cho các tỷ phú thế giới, ưu tiên các du thuyền “đang muốn trốn thoát khỏi đại dịch tại một thiên đường”. Hiện tại, để bắt đầu quá trình phục hồi, đảo quốc Nam Thái Bình Dương này tiếp tục tập trung vào loại hình du lịch hạng sang. Kế hoạch du lịch của Fiji cho năm 2022 đến 2024 cam kết “thu hút và mở rộng các phân khúc khách hàng có giá trị cao” và khuyến khích “tăng trưởng chi tiêu của du khách” để thúc đẩy du lịch bền vững.

Trong khi đó, tập đoàn hàng không lớn nhất của Nhật Bản ANA Holdings Inc. và nhiều công ty khác cũng đang xem xét cung cấp các tour sang trọng cho du khách nước ngoài giàu có chi tiêu nhiều đến Nhật Bản. Các bên liên quan có kế hoạch chọn khoảng 10 điểm đến từ khắp Nhật Bản cho các chuyến đi vào đầu năm sau.

Khách hàng chính của các tour hạng sang là những người được gọi là những cá nhân có giá trị ròng cực cao với tài sản tài chính ít nhất 50 triệu USD (6,7 tỷ Yên). Ước tính có khoảng 210.000 khách hàng thuộc hạng sang này trên thế giới. Mỗi tour du lịch hạng sang dự kiến có giá khoảng 5 triệu Yên/người.

Tại Đông Nam Á, Thái Lan cũng muốn giảm bớt hình ảnh “thiên đường du lịch bụi” đã tồn tại nhiều năm, nên các nhà chức trách đã yêu cầu các khách sạn và doanh nghiệp không thu hút khách nước ngoài bằng các chương trình giảm giá.

Phó Thủ tướng Anutin Charnvirakul phát biểu tại một sự kiện du lịch vào tháng 7/2022: “Chúng ta không thể để du khách đến Thái Lan vì giá rẻ. Thay vào đó, hãy học theo Louis Vuitton, hãy bán sản phẩm cao cấp. Càng đắt, càng có nhiều khách hàng”. Do đó, Thái Lan đã khởi động chương trình thị thực dài hạn lao động nước ngoài tay nghề cao có thu nhập từ 80.000 USD (gần 1,9 tỷ đồng) trở lên mỗi năm.

Bùng nổ các khách sạn hạng sang

Tuần trước, Tập đoàn khách sạn cao cấp Hyatt đã thông báo kết quả tài chính quý 2/2022 với doanh thu đạt 206 triệu USD. Ông Mark Hoplamazian, Chủ tịch kiêm CEO của Hyatt Hotels Corp, cho biết: “Báo cáo tài chính quý 2 của công ty cho thấy sức mạnh về doanh thu khi tập đoàn tiếp tục chuyển đổi hoạt động kinh doanh của mình. Với giá trị vượt mức 200 triệu USD, cao hơn 27% so với những năm trước trong lịch sử”.

Vào ngày 8/7 vừa qua, khách sạn Hyatt đã ra mắt một cơ sở kinh doanh dưới thương hiệu cao cấp hàng đầu của mình ở trung tâm Jakarta gần dinh thự chính của Tổng thống Indonesia. Khách sạn nằm trên 17 tầng cao nhất của tòa nhà 37 tầng. Sự tham dự của các bộ trưởng nội các chủ chốt tại lễ khai mạc đã nhấn mạnh cách Chính phủ Indonesia thúc đẩy việc ra mắt khách sạn hạng sang tại nước này, bao gồm cả việc nới lỏng các quy định về chiều cao của tòa nhà.

Một nghiên cứu của Nikkei Asia cho thấy 13 khách sạn 4 sao trở lên dự kiến mở cửa ở Jakarta từ năm 2021 đến năm 2026. Trong khi đó, thủ đô Bangkok cũng đang dự đoán tốc độ mở khách sạn cao cấp ngày càng nhanh, có tới 28 khách sạn 4 sao và 13 khách sạn 5 sao sẽ ra mắt tại thủ đô Thái Lan từ năm 2021 đến 2024.

Theo đó, Standard Hotels of the US đã khai trương cơ sở kinh doanh thứ hai tại Bangkok vào tháng 7, sau khi ra mắt tại điểm đến nghỉ dưỡng phía nam Hua Hin vào cuối năm 2021. Công ty khách sạn Mỹ Marriott International cũng sẽ mở một cơ sở kinh doanh tại Bangkok với thương hiệu hàng đầu Ritz-Carlton vào năm 2023. Còn ở Singapore, Hilton Orchard Singapore mới được tân trang lại và trở thành khách sạn lớn nhất nước này, với 1.080 phòng.

Phân khúc du lịch xa xỉ phục hồi ấn tượng - 3

Nhiều thành phố Đông Nam Á hứa hẹn trở thành “điểm đến MICE” nên sự bùng nổ các khách sạn hạng sang là tất yếu.

Tạp chí du lịch Cruise Passenger (Austraslia) cho rằng khách doanh nhân lưu trú với chi phí của công ty nên họ có thể chi trả nhiều hơn khách du lịch và họ tìm kiếm những khách sạn có thứ hạng cao hơn để có được sự an tâm và tiện nghi. Trong lúc nhiều thành phố Đông Nam Á hứa hẹn trở thành “điểm đến MICE” với các cuộc họp, hội nghị và triển lãm, sự bùng nổ các khách sạn hạng sang là tất yếu vì khách du lịch có tâm lý phóng tay chi tiền trước và sau các sự kiện. 

Tại Việt Nam, hãng nghiên cứu thị trường Technavio (Mỹ) cũng dự báo mức đầu tư lớn vào các khách sạn 4 - 5 sao do xu hướng nghỉ dưỡng ngày càng gia tăng tại Việt Nam. Theo ước tính của Savills Hotels hồi tháng 6/2022, số lượng dự án mang thương hiệu khách sạn của các nhà điều hành quốc tế và khu vực tại Việt Nam dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong 3 năm tới, từ 127 lên 261 dự án vào năm 2025.

Tại các thị trường du lịch trọng điểm như Đà Nẵng - Quảng Nam, Phú Quốc, Nha Trang - Cam Ranh, dự kiến khoảng 4.800 phòng phân khúc 4 – 5 sao có thể sẵn sàng gia nhập vào thị trường cuối 2022 - đầu 2023.

Báo cáo chỉ ra lượng khách giàu có đã đóng góp vào 54% doanh thu đặt phòng của Hyatt. Chi phí cho một phòng nghỉ/ đêm lên tới 198 USD và doanh thu trên mỗi phòng trống cũng vượt mức năm 2019 trên toàn hệ thống, ngoại trừ khu vực Trung Quốc.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tường Bách  (Vneconomy)

CLIP HOT

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc

Đường hoa Nguyễn Huệ gây ấn tượng mạnh ngay từ cổng chào với đôi linh vật rồng uốn lượn ngoạn mục. Với tên gọi “Lưỡng Long triều liên” (đôi rồng chầu sen), đại cảnh cổng mở gồm hai linh vật Rồng, mỗi linh vật có 5 đoạn thân rồng uốn lượn dọc hai bên đường hoa, với độ dài hơn 100 m và kích thước vòng đầu hơn 2 m.