Nghề làm nước mắm ở đảo ngọc trở thành di sản

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Lễ đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Nghề làm nước mắm Phú Quốc” sẽ được tổ chức vào ngày 16/12.

Nghề làm nước mắm ở đảo ngọc trở thành di sản - 1

Du khách tham quan nhà thùng nước mắm Phú Quốc. Ảnh: Trung Hiếu

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, Lễ đón nhận bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian “Nghề làm nước mắm Phú Quốc” sẽ giúp quảng bá và tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nói chung. 

Cùng lễ đón nhận bằng di sản, các sự kiện như lễ công bố kỷ lục quốc gia đối với món ăn gỏi cá trích, quà tặng rượu sim, hội thảo khoa học về phát triển bền vững nước mắm truyền thống Phú Quốc cũng được tổ chức vào ngày 16/12.

Qua sự kiện trên nhằm đẩy mạnh truyền thông về giá trị di sản quốc gia “Nghề làm nước mắm Phú Quốc”, để tạo cơ sở cho việc tiến đến xin lập hồ sơ đăng ký trình UNESCO công nhận di sản văn hóa phi vật thể nhân loại.

Nghề nước mắm Phú Quốc đã có hơn 200 năm hình thành và phát triển. Năm 2012, tên gọi xuất xứ và chỉ dẫn địa lý nước mắm Phú Quốc đã được bảo hộ thương mại tại châu Âu.

Hiện nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc chuyển dần theo hướng sản xuất quy mô, hiện đại, đáp ứng yêu cầu chất lượng sản phẩm xuất khẩu nhưng vẫn giữ tính gia truyền, đặc trưng riêng của nước mắm Phú Quốc.

Nước mắm Phú Quốc được chế biến từ nguyên liệu cá cơm. Cá cơm sau khi khai thác được muối ngay trên biển nên cá đảm bảo tươi, độ đạm cao. Với quy trình kỹ thuật truyền thống của địa phương cộng với bí quyết gia truyền của các cơ sở sản xuất tạo nên màu sắc, hương vị độc đáo riêng biệt được người tiêu dùng trong nước và thế giới ưa chuộng.

Phú Quốc có trên 50 doanh nghiệp sản xuất nước mắm, hàng năm cung cấp ra thị trường 30 triệu lít nước nắm từ 20 đến 43 độ đạm, doanh thu hơn 600 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương.

Việc nghề truyền thống nước mắm Phú Quốc khi được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia không chỉ vinh danh nghề truyền thống, mà còn vinh danh nét văn hóa bản địa và một sản phẩm du lịch đặc trưng của Phú Quốc.

Nhiều gia đình tại đây đã nhiều thế hệ làm nước mắm tại Phú Quốc. Qua nhiều năm họ vẫn giữ nét truyền thống, bí quyết để cho ra loại nước mắm mang hương vị riêng.

Nhiều gia đình cũng đưa hoạt động tham quan nhà thùng phục vụ du khách, với mong muốn giới thiệu nghề làm nước mắm truyền thống Phú Quốc như một sản phẩm du lịch đặc trưng tại địa phương.

Thời gian tới, TP. Phú Quốc sẽ quy hoạch khu sản xuất nước mắm tập trung, xây dựng bảo tàng nước mắm Phú Quốc phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm nghề này.

Nước mắm Phú Quốc được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp văn bằng quốc gia bảo hộ chỉ dẫn địa lý vào năm 2001.

Tiếp theo đó, ngày 8/10/2012, nước mắm Phú Quốc được Ủy ban châu Âu cấp văn bằng bảo hộ tên gọi xuất xứ địa lý, là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ trên thị trường của các nước thuộc liên minh châu Âu.

TP. Phú Quốc đã kiến nghị tỉnh KIên Giang đề xuất, trình UNESCO công nhận nghề truyền thống chế biến nước mắm Phú Quốc là di sản văn hoá phi vật thể nhân loại.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

N.Nguyệt

CLIP HOT