Một “tuyến đường sắt xuyên Siberia” tại Ý

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Theo lời trưởng tàu tuyến đường sắt Sulmona-Carpinone, "Tàu hoả là hình thức khám phá và phiêu lưu tuyệt vời nhất. Vì trên một chuyến tàu, trong cùng một thời điểm, bạn có thể lắng nghe hàng nghìn câu chuyện khác nhau, của những con người khác nhau".

Từ khi bắt đầu hoạt động từ năm 1897, chuyến tàu đi từ Sulmona đến Carpinone đã được ca ngợi là một kiệt tác kỹ thuật, vì khả năng định hướng và di chuyển trên những sườn dốc thẳng đứng khắp vùng Abruzzo. Tuyến đường của con tàu này dài hơn 117 km, vẫn chễm chệ ở vị trí thứ hai trong danh sách những tuyến đường cao nhất nước Ý - với độ cao lên tới 1.268 m tại vùng núi Maiella, và nằm vắt ngang những khu vực vẫn chưa có đường cho đến tận ngày nay.

Đoàn tàu ngừng chạy dẫn đến nhiều hệ quả, không chỉ đơn thuần là những vấn đề về giao thông hay vận tải. Tuyến đường Sulmona-Carpinone đóng cửa, cũng đồng nghĩa với việc cắt đứt mối liên hệ máu mủ với quá khứ, với thời đại mà chính những chuyến tàu như vậy đã giúp gắn kết nước Ý trở lại, sau nhiều thập kỷ xung đột vào thế kỷ 19.

Một “tuyến đường sắt xuyên Siberia” tại Ý - 1

Từ trên tàu, du khách có thể nhìn thấy thị trấn Castel di Sangro, với những đồng cỏ và cánh đồng trải dài bên ngoài trung tâm đô thị.

Giờ đây, người ta đã khôi phục tuyến đường như cũ, và đoàn tàu lại xình xịch quay trở về nhà ga hiện thực. Nhiếp ảnh gia Chiara Negrello có một căn hộ nằm tại Florence, thủ phủ của vùng Toscana, miền Trung nước Ý. Cô yêu thích nhịp điệu của con tàu mỗi lần nó chạy qua vùng này, và quyết định lái ô tô 5 giờ đồng hồ đến Sulmona, để được trải nghiệm toàn bộ tuyến đường tàu, với chỉ một chiếc máy ảnh mang theo bên mình. Trên chuyến hành trình, Chiara đã ghi lại những mảnh ghép cuộc sống mà cô bắt gặp, những khoảnh khắc mà người ta thường hay bỏ qua, ở những nơi mà dường như thời gian trôi thật chậm rãi, và lữ khách có cơ hội trở về một thời nước Ý đã lùi xa.

Cuộc hành trình bắt đầu ở Sulmona, cách Rome hai giờ lái xe về phía đông

Giống như các thị trấn khác dọc theo tuyến đường tàu, Sulmono mang đến một cái nhìn thoáng qua về nước Ý xưa cũ, với những toà nhà bằng đá cổ kính, các khu chợ ngoài trời nhộn nhịp bày bán từng món đặc sản theo mùa, và những nhạc sĩ biểu diễn trực tiếp ngay trên đường.

Tám giờ ba mươi phút sáng, các tình nguyện viên xếp hàng tại nhà ga, nhiệt tình chào đón hành khách lên chuyến tàu duy nhất đang hú còi. Toàn bộ tuyến đường bắc-nam này mất 12 giờ đồng hồ cả đi lẫn về, với 5 điểm dừng tại 5 thành phố chính dọc theo đường đến Isernia, ngay phía bắc thành phố Naples.

Bên trong con tàu còn in dấu rõ ràng những chi tiết lịch sử: rào chắn được trang trí công phu, ngọn đèn thuỷ tinh, máy sưởi và phanh khẩn cấp cổ điển, các bản in của những bức danh hoạ Ý treo trên tường, băng ghế bằng gỗ, và các khoang hành khách đều được lót nhung.

Một “tuyến đường sắt xuyên Siberia” tại Ý - 2

Mỗi toa tàu đều có những bức vẽ nổi tiếng của Ý và thông tin của đoàn tàu.

Một “tuyến đường sắt xuyên Siberia” tại Ý - 3

Các chi tiết trang trí uốn cong trên rào chắn và trần nhà thể hiện phong cách thiết kế của những năm 1930.

Cảnh vật biến đổi không ngừng khi đoàn tàu lăn bánh. Bên ngoài khung cửa, Chiara nhìn thấy đồng cỏ trải dài với đàn cừu thong dong gặm cỏ, cùng hàng dãy núi cao vút với những cây cầu dẫn nước được xây từ thời La Mã cổ đại. Đó là một thế giới tự nhiên và hoang dã, một thế giới đã tồn tại từ rất lâu, trước cả khi nền văn minh nhân loại xuất hiện. Những con vật tò mò dừng lại trên đường ray, đôi khi, chúng cũng cố chạy đuổi theo đoàn tàu. Đây là vùng đất của nhiều loài động vật quý hiếm, như gấu nâu Marsican. Chó sói, mèo rừng, chồn mactet, chim choi choi và quạ mỏ đỏ cũng là những cư dân quen thuộc ở các ngọn núi này.

Một “tuyến đường sắt xuyên Siberia” tại Ý - 4

Một người phụ nữ mỉm cười trước vẻ đẹp của vùng Abruzzo nước Ý.

Một “tuyến đường sắt xuyên Siberia” tại Ý - 5

Một cặp đôi ngắm cảnh hoàng hôn trên toa tàu.

Trên tàu có đủ kiểu hành khách, từ mọi tầng lớp trong xã hội. Nhà nhiếp ảnh yên lặng nghe những câu chuyện được chia sẻ: các hành khách đứng tuổi thường xuyên đi làm bằng tuyến đường này, vì họ cảm thấy như mình được quay lại thời trai trẻ; một nhóm phụ nữ mua vé khoang hạng nhất để tận hưởng kỳ nghỉ hàng năm; một người đàn ông bế con chó lên ngang cửa sổ, để cả hai cùng thưởng thức phong cảnh lướt qua. Mọi người bắt chuyến tàu này vì đủ loại lý do.

Cư dân thị trấn vẫy tay chào khi đoàn khách bước xuống nhà ga, các nghệ sĩ chơi nhạc rộn ràng và những cặp đôi nhảy múa trên đường. Cuộc sống ở những thị trấn này hoàn toàn trái ngược với vùng bờ biển đông đúc, ồn ào.

Hầu như đến ga nào, tàu cũng dừng hàng giờ đồng hồ, để những du khách như Chiara có thời gian khám phá. Cô theo chân những người khác, đi tìm các nhà hàng địa phương và thưởng thức những món ăn trong vùng, như thị ướp, bánh focaccia, phô mai mozzarella của vùng Molise hay phô mai đông cứng caciocavallo.

Một “tuyến đường sắt xuyên Siberia” tại Ý - 6

Những người phụ nữ trên một góc phố, từ khung cửa của đoàn tàu.

Một “tuyến đường sắt xuyên Siberia” tại Ý - 7

Hành khách trên tàu thưởng thức màn trình diễn “Lu chiov e cicalin” của các nhạc sĩ đường phố tại thị trấn Palena.

Du lịch tàu hoả - một di sản của nước Ý

Đường tàu Sulmona-Carpinone là một trong những tuyến đường mang tính biểu tượng của văn hoá và lịch sử Ý. Thời kỳ hoàng kim của đường sắt ở đất nước này kéo dài từ năm 1860 đến năm 1873, trực tiếp chồng lên thời kỳ thống nhất nước Ý. Vào thời gian này, các quốc gia khác nhau của bán đảo Ý được hợp nhất, thành nước quân chủ Ý duy nhất như chúng ta thấy ngày nay.

Đầu những năm 1900, Ý trải qua một cuộc đại tu cơ sở hạ tầng. Ban đầu, hàng chục chuyến tàu chạy bằng hơi nước mọc lên, trở thành phương tiện đi lại của hàng triệu người. Sự phát triển của các tuyến đường sắt diễn ra đồng thời với cuộc cách mạng công nghiệp Ý, khi đầu máy hơi nước thay thế sức kéo của động vật. Những năm sau đó, điện và dầu diesel trở thành nguồn năng lượng chính được sử dụng, nhưng ngành đường sắt vẫn là biểu tượng cho sự tiến bộ và hiện đại hóa của cả quốc gia. Đường tàu Sulmona-Carpinone mở ra tại thời điểm đỉnh cao của cuộc cách mạng công nghiệp, ngay lập tức trở thành một lời hứa hẹn về tương lai.

Kể từ khi bắt đầu được khai thác, con tàu này đã liên tục hoạt động suốt cả quãng thời gian chiến tranh và thiên tai hoành hành. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, nó đóng một vai trò quan trọng: vận chuyển tiếp tế cho các trại quân sự xung quanh khu vực đường tàu. Sau khi bị quân Đức phá hủy, phải mất nhiều thập kỷ để sửa chữa cả tuyến đường. Khi đoàn tàu được khôi phục hoàn toàn vào những năm 1960, lượng hành khách đã không còn như xưa.

Một “tuyến đường sắt xuyên Siberia” tại Ý - 8

Trạm Rivisondoli Pescocostanzo là ga tàu cao thứ hai ở Ý, với độ cao 1.200 m trên mực nước biển.

Một “tuyến đường sắt xuyên Siberia” tại Ý - 9

Tàu dừng ở Campo di Giove, trên sườn phía nam của dãy núi Maiella.

Năm 1980, một biệt danh mới xuất hiện đã khơi dậy sự quan tâm của nhiều người. Nhà báo, nhà văn người Ý Luciano Zeppegno quá đỗi ấn tượng trước cảnh núi non dọc tuyến đường Sulmona-Carpinone, đến nỗi trong một bài báo, ông đã gọi đây là "đường tàu xuyên Siberia nhỏ". Mặc dù con tàu không hoạt động ở nơi nào gần Siberia cả, nhưng cái tên này vẫn tồn tại cho đến nay, trở thành một phương thức thu hút khách du lịch hiệu quả.

Năm 2014, Fondazione FS Italiane, một cơ quan nhà nước đã mở lại tuyến đường này, trong dự án khôi phục sức sống cho 10 tuyến đường sắt của Ý để kích thích du lịch bền vững. Chuyến tàu hồi sinh, và bỗng trở nên vô cùng nổi tiếng, với lượng hành khách nhiều nhất là 31.000 người vào năm 2019. Sau thời gian dài dừng hoạt động vì đại dịch Covid-19, con tàu đã được mở lại vào tháng 6 năm nay và được ủng hộ nồng nhiệt, mặc dù chỉ có một chuyến tàu vào mỗi ngày cuối tuần. Từ tháng 12 đến cuối tháng 1, sẽ có nhiều chuyến tàu hơn, để phục vụ kỳ nghỉ lễ hàng năm.

Một “tuyến đường sắt xuyên Siberia” tại Ý - 10

Mỗi cuối tuần, tàu trưởng Marcello D’Amico lại bước vào buồng lái để điều khiển con tàu lịch sử.

Theo lời trưởng tàu tuyến đường sắt Sulmona-Carpinone, "Tàu hoả là hình thức khám phá và phiêu lưu tuyệt vời nhất. Vì trên một chuyến tàu, trong cùng một thời điểm, bạn có thể lắng nghe hàng nghìn câu chuyện khác nhau, của những con người khác nhau".

Một “tuyến đường sắt xuyên Siberia” tại Ý - 11

Một người phụ nữ ngắm cảnh núi non trên tuyến đường sắt Sulmona-Carpinone.

"Tôi lên tàu vào một dịp cuối thu. Chiều xuống, khi chúng tôi băng qua cao nguyên Abruzzo, các sườn núi như được ai đổ ngập mực đỏ và vàng. Mỗi mùa, núi lại được tô vẽ bởi những màu sắc khác nhau, chúng trắng xoá vì phủ đầy tuyết vào mùa đông, rồi lại xanh ngắt màu ngọc lục bảo khi hè về.

Đi qua các trạm dừng cuối cùng ở Carpinone và Isernia, tàu sẽ quay thẳng trở về Sulmona. Đường về cảm giác như vừa thức dậy từ một giấc mơ ngọt ngào của những miền xa xôi.

Và màn đêm buông dần, những ngọn đèn cổ toả ánh sáng ấm áp khắp toa tàu. Bên ngoài, ánh đèn từ các thị trấn nhỏ dọc theo sườn núi lấp loá đằng xa" - Chiara Negrello.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

An (Ảnh: Chiara Negrello, Theo: National Geographic) (Travellive+)

CLIP HOT