Mở dịch vụ dẫn tour online cho khách Tây trong dịch
Ngoài việc không thể đi nhiều nơi như trước, Lê Hoàng cảm thấy may mắn vì nhờ dẫn tour du lịch online, anh vẫn trụ lại với nghề trong khi hầu hết đồng nghiệp đã bỏ việc.
Trước dịch Covid-19, Lê Hoàng (28 tuổi, Hà Nội) là hướng dẫn viên chuyên dẫn tour du lịch Việt Nam cho khách quốc tế. Từ tháng 4/2020, khi ngành du lịch bị đóng băng, anh phát triển các tour online trên nền tảng livestream với hình thức bán vé (120.000-180.000 đồng/vé) hoặc làm tour miễn phí và nhận tiền tip từ khách. |
Tôi làm hướng dẫn viên du lịch 5 năm nay. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể lâm vào cảnh thất nghiệp vì ngành du lịch, dịch vụ trên đà phát triển tốt.
Trong khoảng 2 tháng, tôi hoang mang, tù túng vì chân chạy quen mà giờ phải ở yên tại chỗ.
Tôi không biết xoay xở thế nào.
Tình cờ, một vị khách người Anh hỏi tôi có thể đưa tour cà phê của mình lên nền tảng trực tuyến được không.
Nhờ đó, tôi hình thành ý tưởng làm tour du lịch online và tập trung phát triển hình thức này từ tháng 4/2020.
Tôi đầu tư vài triệu đồng để sắm một số thiết bị như chân máy, micro chống ồn, tay cầm chống rung. Các tour đầu tiên của tôi là về địa điểm cũng như văn hóa, lịch sử Hà Nội.
Khi tình hình dịch bớt căng thẳng hơn, tôi làm thêm tour xuyên Việt hay khám phá một số tỉnh, thành.
Hoàng chuyển sang phát triển tour online từ khi ngành du lịch bị đóng băng vì dịch Covid-19.
Chuyển mình trong dịch
Trong đợt dịch thứ 4, khi UBND Hà Nội cho phép hoạt động ngoài trời nhưng không tập trung quá 10 người, tôi lập tức mở lại tour online “Tóm tắt lịch sử Hà Nội” sau 2 tháng tạm dừng.
7h sáng 29/9, tôi cùng vợ chạy xe máy đến vườn hoa Lý Thái Tổ để kịp bắt đầu tour lúc 7h30.
Như thường lệ, với chiếc điện thoại, micro chống ồn, tay cầm chống rung và nền tảng livestream, tôi đưa du khách quốc tế dạo quanh phố cổ trong vòng 45 phút tới một tiếng.
Xuất phát từ tượng đài Lý Thái Tổ, tôi đi bộ về phía đài phun nước tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Trên đường, tôi nán lại vài phút ở tháp Rùa, Đài Nghiên để khách vừa ngắm cảnh, vừa nghe kể về lịch sử, văn hóa của thủ đô nghìn năm.
Để bắt đầu tour online, Hoàng chỉ cần chuẩn bị điện thoại, micro chống ồn, gimbal và mở nền tảng livestream.
Sau đó, tôi bắt xích lô từ Hàng Đào, Hàng Ngang, Hàng Chiếu qua Ô Quan Chưởng. Các vị khách tò mò, thích thú khi thấy người dân Hà Nội sống trong ngõ nhỏ sâu hun hút, dây điện chằng chịt hay gánh hàng rong 2 bên đường.
Tiếp đến, tôi đến quán cà phê trên phố Nguyễn Hữu Huân. Trước đợt dịch căng thẳng, đây là nơi tôi dành 15 phút cuối tour để trả lời câu hỏi, trò chuyện với khách, nhâm nhi ly cà phê và cho mọi người thấy quán cổ ở Việt Nam trông như thế nào. Lần này, tôi chỉ có thể mua mang về.
Từ quán cà phê, tôi đi bộ về lại hồ Gươm khi đồng hồ mới chỉ 9h.
Hôm khác, tôi dẫn du khách đi tham quan khu phố Pháp. Trong nửa tháng qua, tôi tổ chức 6 tour online như thế.
Trước đó, tôi thường làm 10 tour/tuần. Hiện chùa chiền, nhiều địa điểm tham quan như Văn Miếu, nhà tù Hỏa Lò... chưa mở cửa trở lại nên tôi không có nhiều lựa chọn.
Hoàng sử dụng các phương tiện di chuyển như xích lô, xe ôm để tăng tính trải nghiệm cho du khách.
Mỗi tour của tôi trung bình có khoảng 50 khách theo dõi. Họ chủ yếu đến từ các thị trường như châu Âu, Mỹ, Canada.
Tùy vào nền tảng khác nhau, thu nhập của tôi đến từ việc bán vé trải nghiệm hay làm tour miễn phí để du khách tip cho hướng dẫn viên.
Ngoài livestream trên đó, tôi còn nhận hợp đồng làm tour riêng cho các tổ chức, trung tâm đào tạo, trường học. Tùy theo yêu cầu của họ, chuyến đi có thể kéo dài 2-3 tiếng và kết hợp nhiều nội dung như tham quan, khám phá ẩm thực, cà phê… quanh khu vực trung tâm Hà Nội.
Hiện tại, do nhu cầu còn thấp, tôi chưa mở lại lớp hướng dẫn pha cà phê online.
Vượt qua khó khăn
Nhớ lại lần đầu tiên chuyển sang thể loại tour mới, tôi gặp đầy rẫy khó khăn và trục trặc.
Không giống như khi ở nhà, tôi khó kiểm soát khoảng trống xung quanh, đôi khi người dân đi đường khiến tour bị gián đoạn. Có lần, tôi mang bàn, ghế ra hồ Gươm mở tour cà phê online, bảo vệ tưởng tôi… bán đồ uống nên yêu cầu rời đi.
Để tránh sự cố tương tự, tôi thường đi cùng vợ, cũng làm trong ngành du lịch, để khi chạy chương trình có người hỗ trợ xung quanh.
Tôi cũng “làm thân” với chú xích lô, xe ôm để mỗi khi thấy tôi cầm máy quay tiến lại gần, họ chờ sẵn để chở đi. Thỉnh thoảng khi vợ bận, tôi phải đi một mình.
Vì hạn chế di chuyển, Hoàng hiện làm tour tham quan khu vực phố cổ, khu phố Pháp.
Mất vài tháng tôi mới làm quen được với việc lẩm bẩm trước điện thoại một mình, mặc kệ người xung quanh làm gì, nghĩ gì, nói gì. Thực tế, nhiều người tò mò khi ngày nào cũng thấy tôi đi quãng đường như vậy nên cũng chỉ trỏ, lại gần hỏi han. Tất nhiên, tôi phải tập trung vào tour, hạn chế tối đa việc giao tiếp với họ.
Bên cạnh đó, tôi mắc chứng “camera-shy” (ngại nhìn vào máy ảnh) nên phải tập thích nghi.
Việc cứ lặp đi lặp lại nội dung qua các tour không khiến tôi nhàm chán. Bởi thực tế, khi đi tour truyền thống, tôi cũng phải nói theo bài còn dài hơn rất nhiều. Tôi luôn tìm cách để nói khác đi một chút sau mỗi lần.
Hiểu rằng du khách hứng thú với các nội dung về đời sống thật, văn hóa, thói quen, cách cư xử người Việt, tôi cũng chú ý điều này.
So với đi tour truyền thống, làm tour online thuận lợi hơn khi tôi vẫn ở Hà Nội, tối về nhà ăn cơm, làm mọi việc khác bình thường. Mỗi ngày, thời gian làm việc ngoài đường chỉ 2-3 tiếng, cộng thêm vài giờ ở nhà chuẩn bị nội dung quảng bá. Trước đó, khi chạy tour thực tế, tôi thường đi cả ngày hoặc vài hôm mới về.
Từ lớp hướng dẫn pha cà phê online, Hoàng phát triển tour tham quan Hà Nội để giới thiệu tới du khách quốc tế văn hóa, lịch sử Việt Nam.
Khó khăn của tour online là trong vòng 1-1,5 tiếng, tôi phải vừa đi, vừa nói liên tục, cảm giác mệt như chạy tour cả ngày thời trước dịch.
Thu nhập cũng có sự chênh lệch vì tour thực tế giá cao hơn. Giờ tôi hoàn toàn chủ động, khi nào muốn sẽ đặt tour của ngày hôm đó, làm nhiều đồng nghĩa có thêm thu nhập.
Tóm lại, tour online phù hợp để sinh tồn trong thời gian này.
Mong tour online được công nhận
Từ khi đầu tư thời gian và công sức cho thể loại tour mới, tôi khá bận rộn.
Tôi cảm thấy may mắn hơn nhiều hướng dẫn viên khác vì ít nhất còn có công việc đúng ngành đúng nghề, vẫn tiếp tục mài giũa khả năng bản thân, tạo mối quan hệ với khách nước ngoài và có thu nhập.
Thực tế, hầu hết đồng nghiệp cũ của tôi đều chuyển việc trong dịch như môi giới nhà đất, bán bảo hiểm. Tôi thấy tiếc cho họ vì một hướng dẫn viên phải đánh đổi khá nhiều để có các kỹ năng tour.
Bởi vậy, khi tìm được lối đi, tôi mong anh em, bạn bè có thể tham gia, coi là công việc thêm trong dịch để ít nhất giữ được kỹ năng, tránh lãng phí.
Hoàng cảm thấy may mắn vì vẫn trụ lại được với nghề hướng dẫn viên du lịch trong khi hầu hết đồng nghiệp cũ đều chuyển việc trong dịch.
4 tháng cuối năm ngoái, tôi từng đi giao lưu với các hướng dẫn viên khác và giới thiệu cho họ thể loại tour này để kiếm thêm đồng nghiệp, đối tác. Tuy nhiên, họ không mấy hứng thú, quan tâm.
Nhiều người vẫn quen với tour truyền thống và có suy nghĩ kiếm tiền triệu chứ không phải vài trăm nghìn. Biết tôi bán 120.000-180.000 đồng/vé trên nền tảng livestream, họ thấy nản và không tìm hiểu thêm để bắt tay vào làm.
Dần dần, khi một số bạn trẻ khác ở Việt Nam bắt nhịp xu hướng thế giới, tôi có thêm đồng nghiệp mới.
Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay, có lẽ dưới 20 cá nhân đang chạy mô hình tour online.
Vài hôm trước, tôi nghe tin Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ninh Bình cũng đang làm thể loại này nhưng mang tính chất phát YouTube hơn là livestream.
Từ thực tế này, tôi thấy hình ảnh Việt Nam đưa ra quốc tế khá hạn chế trong dịch vì có quá ít hướng dẫn viên tham gia.
Hoàng hy vọng tour online được công nhận là sản phẩm chính thức.
Hậu đại dịch, tôi nghĩ vấn đề mới của ngành du lịch có thể là thiếu hụt nhân lực.
Tôi đang có đề án nộp lên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nội để phát triển thể loại tour du lịch online.
Ít nhất, tôi mong Hiệp hội hướng dẫn viên, lữ hành Hà Nội hay Việt Nam lan tỏa thông tin để giúp anh em khác quay trở lại nghề càng sớm càng tốt.
Khi được cơ quan, doanh nghiệp công nhận, phát triển thành sản phẩm chính thức, tour online là cách hay để hỗ trợ du lịch truyền thống vốn bị ảnh hưởng nhiều trong dịch.