Lên Đồng Văn, nghe chuyện Vua Mèo xây dinh thự 150 tỷ

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Dinh thự nhà Vương được xây dựng ròng rã gần 10 năm trời, tốn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương 150 tỷ đồng ngày nay.

Nhiều năm lang thang trên khắp các nẻo đường đất nước, Hà Giang vẫn là vùng đất gây thương nhớ nhiều nhất trong lòng tôi và không ít bạn bè.

Miền đất biên viễn ấy không chỉ có những rẻo đá tai mèo nhọn hoắt mà còn có núi tiếp núi, sông liền sông, những mùa hoa tam giác mạch vẫy gọi và biết bao câu chuyện hấp dẫn lưu truyền về con người, lịch sử,văn hóa. Cách thị trấn Đồng Văn khoảng 20km là dinh thự nhà Vương hay còn gọi là nhà Vua Mèo – nơi chứa đựng nhiều dấu ấn lịch sử, thời gian, nhiều câu chuyện về vị vua được người dân nể trọng nhiều đời.

Lên Đồng Văn, nghe chuyện Vua Mèo xây dinh thự 150 tỷ - 1

Đường lên Đồng Văn quanh co theo những triền dốc đầy đá tai mèo

Tôi trở lại Đồng Văn vào một ngày đầu mùa xuân, khi hoa đào nở rực rỡ khắp các triền núi. Sau một đêm mưa, nhiệt độ giảm xuống đột ngột chỉ còn dưới 10 độ. Chúng tôi vội vàng lôi những chiếc áo ấm, găng tay dày ra mặc. Chạy xe trên con đường dài hun hút, gió thộc vào tay áo lạnh buốt. Suốt cả quãng đường dài dằng dặc từ Quản Bạ, Yên Minh, Sủng Là đều không có ánh mặt trời. Ngược lại là những cơn mưa phùn lâm râm làm se sắt lòng lữ khách.

Mặc dù thế vẫn không ngăn được tinh thần ham chơi của mấy chị em. Sau khi ghé thăm Nhà của Pao, chúng tôi thẳng tiến vào dinh thự nhà Vương. Đường vào khá vắng vẻ, thỉnh thoảng bên đường một ngôi nhà chơ vơ giữa sườn núi đá tai mèo. Bên đường, từng tốp học sinh đang giờ tan trường đi bộ về nhà, vẫy tay chào chúng tôi thân thiện.

Lên Đồng Văn, nghe chuyện Vua Mèo xây dinh thự 150 tỷ - 2

Giữa núi đá một ngôi nhà chơ vơ

Lên Đồng Văn, nghe chuyện Vua Mèo xây dinh thự 150 tỷ - 3

Người dân gùi rau củ về nhà

Một người bạn làm hướng dẫn viên trong ngành du lịch biết chúng tôi ghé thăm dinh thự nhà Vương đã khuyên chúng tôi nên thuê một người thuyết minh để được nghe chi tiết hơn về địa điểm này. Khi chúng tôi đến thì đã quá giờ tham quan, các hướng dẫn viên của khu di tích đã nghỉ trưa nên mấy chị em ăn vài xiên thịt nướng, trứng, bánh tam giác mạch nướng ngay cổng khu di tích. Trong tiết trời lạnh, ăn những món nướng rồi nhâm nhi ly trà nóng là điều tuyệt vời nhất.

Một lát sau, chúng tôi gặp được một chị mặc trang phục người Mông – hướng dẫn viên của khu di tích. Chị tên Vương Thị Chở - cũng chính là cháu gái đời thứ tư của Vua Mèo. Sau khi Nhà nước công nhận nhà Vua Mèo trở thành danh thắng quốc gia, nhiều người họ hàng cháu chắt đời sau của ông được tạo điều kiện trở thành hướng dẫn viên phục vụ khu di tích, trong đó có chị Chở.

Tôi ấn tượng ngay với Dinh thự của Vua Mèo từ hàng cây sa mộc thẳng tắp vươn cao ngạo nghễ vút tận mây trời. Khắp cao nguyên đá, có thể bắt gặp cây sa mộc nhiều vô kể. Màu xanh chen trong đá tai mèo xám, khẳng định sức sống của sự sinh sôi bất chấp cái hanh khô hay rét tái tê. Nhưng hiếm có nơi nào, cây sa mộc lại cao to như trước Dinh thự Vua Mèo.

Lên Đồng Văn, nghe chuyện Vua Mèo xây dinh thự 150 tỷ - 4

Hàng sa mộc lối vào dinh thự Vua Mèo

Nhìn từ xa chẳng khác nào 2 hàng lính gác uy nghiêm với những tán lá nhọn hoắt như mũi kiếm chếch lên trời. Lại gần mới thấy, vỏ cây sa mộc hơi xù xì, thân cây to quá một vòng tay ôm. Hẳn loài cây ấy đã đứng đây từ rất rất lâu, là chứng nhân của bao câu chuyện, bao đổi thay trong quá khứ. Tôi chợt nhớ đến một câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Trần Hòa Bình từng nhắc về loài cây này:

Em kìa, những cây sa mộc lặng lẽ trong thung

Chúng đang nghĩ gì?

Em đang nghĩ gì?

Chúng tôi biết Hà Giang là vùng đất của người Mông hay còn gọi là người Mèo sinh sống. Nhưng Vua Mèo là ai thì đến khi tham quan nơi này chúng tôi mới có câu trả lời. Theo lời chị Chở, gia đình họ Vương có nguồn gốc từ Trung Quốc, bắt đầu về định cư ở Đồng Văn từ cuối thế kỷ 17. Vua Mèo tức là vua của người Mông suy tôn, cái tên này được dành để gọi ông Vương Chính Đức (1865-1947). Vùng đất do Vua Mèo Vương Chính Đức cai quản rất rộng lớn: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc.

Tuy nhiên, nói đến gia đình họ Vương thì nổi tiếng hơn sau này lại là ông Vương Chí Sình (1886 – 1962) – người con trai thứ 2 đồng thời là người kế nghiệp của Vua Mèo. Trước 1945, gia tộc họ Vương giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ vùng đất cực Bắc Tổ quốc. Sau năm 1945, vùng đất mà cha con Vua Mèo cai quản được bàn giao lại cho nhà nước. Vương Chí Sình trở thành đại biểu Quốc hội khóa I, II, là chủ tịch đầu tiên của huyện Đồng Văn, đồng thời là người anh em kết nghĩa với Bác Hồ.

Lên Đồng Văn, nghe chuyện Vua Mèo xây dinh thự 150 tỷ - 5

Nét kiến trúc độc đáo của dinh thự nhà Vương

Cũng theo lời chị Chở, Dinh thự nhà Vương được ông Vương Chính Đức xây dựng năm 1919, hoàn thành năm 1928, ròng rã gần 10 năm trời với rất nhiều tâm huyết. Thời kỳ lúc bấy giờ Đồng Văn chưa có đường, phải dùng toàn bộ sức người, sức ngựa vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng. Tương truyền, quá trình xây dựng tốn 15 vạn đồng bạc trắng Đông Dương, tương đương 150 tỷ đồng ngày nay.

Lên Đồng Văn, nghe chuyện Vua Mèo xây dinh thự 150 tỷ - 6

Dinh thự được xây dựng trên một ngọn đồi có hình dáng như một con rùa ở xã Sà Phìn – Đồng Văn, nơi được cho là có địa thế phong thủy tốt. Nếu đứng từ trên cao quan sát sẽ nhận ra được kiến trúc tổng thể của dinh thự Vua Mèo rất rộng lớn bao gồm 3 khoảng sân chính với 4 nhà ngang, 6 nhà dọc, chia thành tiền dinh, trung dinh, hậu dinh.

Đứng giữa khoảng sân rộng lớn ngước nhìn những mái ngói rêu phong, chúng ta sẽ phần nào tưởng tượng ra cách đây mấy chục năm nơi đây có cuộc sống xa hoa vương giả của một gia tộc lẫy lừng, có hàng trăm lính canh, người hầu.

Lên Đồng Văn, nghe chuyện Vua Mèo xây dinh thự 150 tỷ - 7

Mái ngói cong rêu xanh nhuốm màu thời gian

Lên Đồng Văn, nghe chuyện Vua Mèo xây dinh thự 150 tỷ - 8

Khoảng sân rộng lớn giữa các gian nhà

Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, nét kiến trúc tổng thể của Dinh thự vẫn còn giữ được nét ban đầu, tuy nhiên nhiều chi tiết đã được thay thế để bảo tồn như ván lót sàn hay những trụ đá hoa cương của cột nhà… Nhiều hiện vật lịch sử trong nhà cũng bị đánh cắp, hư hại.

Nếu có dịp lên Đồng Văn, bạn đừng quên ghé thăm Dinh thự nhà Vương. Và đặc biệt đừng bỏ qua cơ hội nghe chính những hậu duệ đời sau của Vua Mèo kể về tổ tiên của mình đầy tự hào và biết ơn.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Bài: Huyền Trần, Ảnh: Trịnh Văn Trung

CLIP HOT

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc
Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Giáp thìn 2024 trước giờ khai mạc

Đường hoa Nguyễn Huệ gây ấn tượng mạnh ngay từ cổng chào với đôi linh vật rồng uốn lượn ngoạn mục. Với tên gọi “Lưỡng Long triều liên” (đôi rồng chầu sen), đại cảnh cổng mở gồm hai linh vật Rồng, mỗi linh vật có 5 đoạn thân rồng uốn lượn dọc hai bên đường hoa, với độ dài hơn 100 m và kích thước vòng đầu hơn 2 m.