Giải mã chiếc Không lực 2 lần đầu tiên đưa một Phó Tổng thống Mỹ tới Việt Nam
Chuyên cơ đưa Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris tới Việt Nam được gọi với tên mã là Không lực 2.
Bà Kamala Harris trở thành Phó Tổng thống Mỹ đầu tiên công du Việt Nam kể từ sau năm 1975. Tuy nhiên, trước đó, rất nhiều Tổng thống Mỹ bao gồm Bill Clinton, George Bush, Barack Obama và Donald Trump đều đã tới Việt Nam trong nhiệm kỳ của mình.
Bà Harris tới Hà Nội trên chiếc chuyên cơ có tên Không lực 2. Đây là tên mã được gán cho bất cứ chiếc máy bay nào của không quân Mỹ đang chở Phó Tổng thống của nước này. Thông thường, những chiếc máy bay chuyên chở Phó Tổng thống Mỹ là Boeing C-32, biến thể đặc biệt của dòng máy bay chở khách Boeing 757. Tuy nhiên, các máy bay khác của Sư đoàn Không vận số 89 như Boeing C-40 Clipper, C-20B, C-37A và C-37B cũng được phục vụ cho nhiệm vụ này.
Ngoài ra, những chiếc Boeing VC-25A, loại máy bay thường được Tổng thống Mỹ sử dụng, cũng sẽ được gọi là Không lực 2 khi nó chuyên chở Phó Tổng thống. Theo quy định của Mỹ, Tổng thống Mỹ và Phó Tổng thống Mỹ không bao giờ được phép ngồi chung trên một máy bay.
Nhìn lại lịch sử
Richard Nixon là một trong những quan chức cấp cao đầu tiên của Chính phủ Mỹ đi công tác nước ngoài bằng máy bay phản lực. Trong chuyến thăm Nga vào tháng 7/1959, ông Nixon sử dụng một chiếc Boeing VC-137A Stratoliner. Lúc đó, ông Nixon là Phó Tổng thống Mỹ.
Ở trong nước, sự thay đổi lớn trong việc đi lại của Phó Tổng thống Mỹ được thực hiện năm 1974 khi ông Nelson Rockefeller trở thành Phó Tổng thống. Ông Rockefeller sở hữu một chiếc máy bay phản lực Grumman Gulfstream II, loại phương tiện mà ông thích hơn nhiều so với những chiếc Convair VC-131 Samaritan đang được biên chế cho Phó Tổng thống. Lúc đó, chiếc máy bay riêng được gọi là "Executive Two".
Tuy nhiên, chính điều này đã thôi thúc Sư đoàn Không vận 89 mua lại 3 máy bay McDonnell Douglas VC-9C vào năm 1975, bổ sung vào đội gồm 3 chiếc máy bay phản lực VC-137, để làm phương tiện phục vụ cho chuyến đi của các VIP.
Giải mã những chiếc Không lực 2
Ở thời điểm hiện tại, các máy bay được biết tới nhiều nhất trong vai trò Không lực 2 chính là những chiếc Boeing C-32, biến thể đặc biệt của những chiếc Boeing 757. Có 2 phiên bản C-32. Những chiếc C-32A thường được sử dụng để chở các yếu nhân trong khi C-32B Gatekeeper thường đảm trách các nhiệm vụ đặc biệt và các nỗ lực ứng phó khẩn cấp toàn cầu.
Không quân Mỹ đang biên chế 4 chiếc Boeing C-32A để đáp ứng nhu cầu đi lại của các quan chức cấp cao của Mỹ, trong đó chủ yếu là Phó Tổng thống. Ngoài ra, Đệ nhất Phu nhân và Ngoại trưởng Mỹ cũng có thể sử dụng loại máy bay này nhưng khi đó, nó sẽ không được gọi là Không lực hai.
Trong những trường hợp hiếm hoi, các thành viên trong nội các và các nhà lập pháp Mỹ cũng sử dụng những chiếc C-32A cho những nhiệm vụ khác nhau. Thậm chí, trong một vài trường hợp, những chiếc C-32A sẽ thay thế vai trò của VC-25A, những chiếc Boeing 747 biến thể được sử dụng riêng cho Tổng thống Mỹ. Khi Tổng thống công du tới những nơi mà những chiếc VC-25A không thể hạ cánh, C-32A sẽ được sử dụng cho vai trò Không lực 1.
C-32A được cải biến từ mẫu máy bay dành cho quân đội có tên Boeing 757-2G4, một biến thể của dòng máy bay phản lực 2 động cơ thân hẹp Boeing 757-200. Sau khi sửa đổi, C-32A có khoang hành khách 45 người và các thiết bị điện tử quân sự. Chiếc máy bay đầu tiên loại này được bàn giao cho Sư đoàn Không vận số 89 vào năm 1998.
Tất cả những chiếc C-32A đều được trang bị động cơ Pratt & Whitney PW2000, vốn được sử dụng trên dòng máy bay vận tải hạng nặng C-17 Globemaster III. Ngoài ra, đây cũng là dòng máy bay tiết kiệm nhiên liệu.
Tương lai của C-32A
C-32A được chia thành 4 phần. Khu vực phía trước là trung tâm thông tin liên lạc, phòng trưng bày, nhà vệ sinh và 10 ghế hạng thương gia. Phần thứ 2 là khu vực dành cho khách chính, thường là Phó Tổng thống hoặc các yếu nhân. Nó bao gồm một khu vực thay đồ, nhà vệ sinh, hệ thống giải trí riêng biệt cùng các ghế hạng sang. Ghế ở đây có thể chuyển thành giường. Khu vực thứ 3 là trung tâm hội nghị và 8 ghế hạng thương gia. Phần cuối cùng là chỗ ngồi chung với 32 ghế hạng thương gia, 2 nhà vệ sinh và các công trình khác.
Ra đời để phục vụ các nhà lãnh đạo hàng đầu của nước Mỹ, chiếc máy bay có hệ thống thông tin liên lạc tiên tiến nhất bao gồm điện thoại, truyền hình trực tiếp từ vệ tinh và các hệ thống mã hóa thông tin liên lạc. C-32A được trang bị công nghệ điện tử hàng không tối tân nhất. Chuyến bay đầu tiên của ông Joe Biden trên cương vị Tổng thống Mỹ là trên một chiếc C-32A, mẫu máy bay gắn bó mật thiết với ông trong 8 năm làm Phó Tổng thống trong chính quyền của ông Obama.
Theo thông số của nhà sản xuất, chiếc máy bay này có 16 thành viên phi hành đoàn với tải trọng cất cánh tối đa đạt 116 tấn. Máy bay có thể đạt vận tốc tối đa 974 km/h với trần bay 13.000 m. Phạm vi hoạt động của máy bay đạt khoảng hơn 10.000 km. Tuy nhiên, mẫu máy bay này không có khả năng tiếp nhiên liệu trên không.
Nội thất của C-32A liên tiếp được tân trang theo hướng sang trọng hơn với chi phí 16 triệu USD/chiếc dưới chính quyền của Tổng thống Barack Obama, Donald Trump và Joe Biden. Công việc này do Không quân và Boeing đảm trách tại một căn cứ không quân tại Oklahoma. Ngoài ra, hệ thống liên lạc, điện tử hàng không và các biện pháp đối phó cũng liên tục được nâng cấp.
Trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống Donald Trump đã đề xuất chi 6 triệu USD để nghiên cứu thay thế các máy bay C-32A. Vào tháng 6/2021, các lãnh đạo Lầu Năm Góc trong chính quyền của ông Biden đã đề nghị cắt giảm kinh phí bởi những chiếc C-32A vẫn còn hoạt động tốt. Thay vào đó, Mỹ chuyển hướng tài trợ cho các công ty khởi nghiệp chuyên về máy bay chở khách phản lực siêu thanh.
Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris vừa đặt chân đến Hà Nội để bắt đầu chuyến thăm 2 ngày. Chuyến đi nhằm tái khẳng...