Du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long kỳ vọng “cất cánh”
Kinhtedothi – Nhìn lại thế mạnh, tìm giải pháp để bứt phá theo hướng đa dạng hóa sản phẩm du lịch; Phát triển các thế mạnh du lịch địa phương là vấn đề đã và đang được ngành du lịch Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) quan tâm.
Tiềm năng thu hút khách
Theo số liệu thông kê từ Hiệp Hội Du lịch ĐBSCL, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, du lịch các tỉnh, thành ĐBSCL đã khởi sắc trở lại, cả số lượt du khách và doanh thu đều tăng. Cụ thể, chỉ trong 6 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão (từ 21/1 đến 26/1, tức từ 29 tháng chạp đến mùng 5 Tết), lượng khách du lịch đến với 13 tỉnh ĐBSCL trong dịp Tết Nguyên đán với 2.204.000 lượt khách, tăng 61% so với cùng kỳ. Doanh thu tăng 1.660 tỷ đồng, tăng 116% so với cùng kỳ. Ước so với Tết năm Canh Tý 2020 đạt 90%.
An Giang thu hút 500 nghìn lượt khách đến tham quan du lịch trong dịp Tết Nguyên Đán 2023. Ảnh: PV
Những tỉnh thành lượng khách đến đông và đạt doanh thu cao như: An Giang hơn 500 nghìn lượt khách, doanh thu 400 tỷ đồng; Kiên Giang gần 340 nghìn lượt khách, doanh thu 375 tỷ đồng; Cần Thơ hơn 370 nghìn lượt khách, doanh thu 340 tỷ đồng; Cà Mau khoảng 165 nghìn lượt khách, doanh thu đạt 120 tỷ đồng.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế cho biết, lượng khách đến với ĐBSCL tăng cao so với nhưng năm trước đó rất nhiều, nhưng doanh thu về du lịch chưa tương xứng. Chỉ có Cà Mau, lượng khách vừa phải nhưng doanh thu cao.
Du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long nhiều tiềm năng thế mạnh nhưng chưa khai thác đúng tầm. Ảnh: Hồng Thắm
Trong khi đó, những tỉnh có tiềm năng về du lịch như: Đồng Tháp, Bến Tre doanh thu rất thấp. Điển hình như tại Đồng Tháp lượng khách đạt 155 nghìn lượt khách, nhưng doanh thu chỉ đạt 16 tỷ đồng.
Qua 3 năm thực hiện chương trình liên kết du lịch giữ ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh, lượng khách đến với khu vực đạt 44 triệu lượt, trong đó, khách lưu trú gần 12 triệu lượt. Doanh thu du lịch ước đạt 33.977 tỷ đồng.
Đây là những con số ấn tượng, khi tăng cả về số ượng khách lẫn doanh thu, chứng tỏ ngành du lịch ĐBSCL đã phục hồi mạnh mẽ sau dịch Covid -19, mở ra cơ hội phát triển mới. Tuy nhiên, để du lịch ĐBSCL phát triển nhanh, mạnh và bền vững là một bài toán khiến các nhà quản lý du lịch 13 tỉnh thành phải thường xuyên đổi mới, nâng cấp để thu hút khách du lịch.
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch để phát triển
Bà Đào Thị Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ cho biết: Năm 2023, ngành du lịch TP đặt mục tiêu đón 5,2 triệu lượt khách, trong đó khách lưu trú đạt khoảng 2,7 triệu lượt. Tổng doanh thu từ du lịch đạt 4.580 tỷ đồng.
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch một trong những chiến lược của ngành du lịch Đồng bằng Sông Cửu Long để thu hút khách. Ảnh: Hữu Tuấn
Đồng thời, ngành du lịch đề ra nhiều nhiệm vụ tập trung trong năm tới. Đầu tiên là đa dạng hóa sản phẩm du lịch đặc trưng dựa trên khai thác các tiềm năng, thế mạnh của du lịch sinh thái sông nước, du lịch MICE và các loại hình du lịch ưu thế khác và các loại hình vui chơi giải trí hiện đại, cao cấp.
Bên cạnh đó, tập trung xây dựng, đầu tư thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm, góp phần đa dạng hóa dịch vụ, sản phẩm du lịch, thu hút khách du lịch chi tiêu và kéo dài thời gian lưu trú. Đổi mới, đa dạng hóa và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, hướng đến các thị trường trọng điểm phù hợp; đồng thời, với đổi mới và đa dạng hóa các hình thức đào tạo du lịch. Nghiên cứu, xây dựng các đề án, dự án mời gọi đầu tư phát triển du lịch, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch, ưu tiên mời gọi đầu tư các dự án phát triển du lịch đường sông: cảng du lịch, bến tàu du lịch, du thuyền… quy mô, hiện đại.
Chợ đêm Phú Quốc một trong những sản phẩm du lịch được du khách trong và ngoài nước ưa chuộng khi đến Phú Quốc. Ảnh: Hữu Tuấn
Cùng phương hướng phát triển du lịch, tại Kiên Giang cũng đặt nhiệm vụ phải xuyên thay đổi và đa dạng hóa các loại hình du lịch để thu hút khách. Ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang chia sẻ: UBND tỉnh cũng đã phê duyệt các đề án như: Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn; Phát triển du lịch nông thôn gắn với chương trình OCOP; Phát triển các ngành nghề truyền thống gắn với việc phát triển du lịch...
"Năm 2023, ngành du lịch Kiên Giang phấn đấu đón 8,3 triệu lượt khách đến tham quan du lịch (tăng 48,2% kế hoạch năm 2022), trong đó khách quốc tế ước đón 350.000 lượt khách, tổng doanh thu ước đạt 13.000 tỷ đồng", ông Bùi Quốc Thái cho hay.
Phát triển du lịch gắn với di tích lịch sử, du lịch tâm linh
Tại Đồng Tháp, theo bà Huỳnh Thị Hoài Thu - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp, trong những năm qua, tỉnh Đồng Tháp đã đẩy mạnh bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa gắn liền với phát triển du lịch và tạo dựng hình ảnh địa phương; đầu tư xây dựng tu bổ, nâng cấp các công trình di tích lịch sử văn hóa, bảo tồn phát huy các giá trị lịch sử văn hóa phi vật thể, làng nghề truyền thống.
Phát triển du lịch tâm linh là một trong những lợi thế mà các tỉnh vùng ĐBSCL chú trọng phát triển. Ảnh: PV
Đẩy mạnh kết luận số 2 của UBND tỉnh, tiếp tục đẩy mạnh hình ảnh du lịch có trọng tâm, đi vào chiều sâu. Tập trung khai thác các thế mạnh du lịch bản địa, chú trọng du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, làng nghề gắn với nông nghiệp và sản phẩm OCOP. Dự kiến, trong năm 2023, ngành du lịch Đồng Tháp phấn đấu thu hút 3,6 triệu lượt khách đến tham quan trải nghiệm, doanh thu đạt 1.600 tỷ đồng. Đưa Đồng Tháp trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước, bà Hoài Thu cho hay.
Trong khi đó, ông Nguyễn Khánh Hiệp - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang cho biết, lượng khách sở dĩ lượng khách đến với An Giang cao trong dịp Tết Nguyên đán chủ yếu là các khu tâm linh thu hút đông khách. Trong năm 2023, tỉnh An Giang tập trung khai thác các sản phẩm du lịch đang có, song song với đó là phát triển thêm những sản phẩm du lịch mới lạ thu hút khách du lịch đến với An Giang. Dự kiến, trong năm 2023, ngành du lịch An Giang đặt mục tiêu đón 8 triệu lượt khách tham quan, doanh thu đạt 5.500 tỷ đồng.
Nhiều tỉnh, thành vùng Đồng bằng Sông Cửu Long định hướng phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Ảnh Hữu Tuấn
Còn tại tỉnh Cà Mau, theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh Cà Mau, xác định sản phẩm chính của tỉnh là du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, do đó, địa phương đang tiếp tục đầu tư để du khách đến Cà Mau sẽ có nhiều trải nghiệm khác biệt với hệ sinh thái rừng và biển, các sản phẩm ẩm thực mang tính đặc trưng từ các hệ sinh thái. Năm 2023, tỉnh này dự kiến thu hút 1.750.000 lượt khách du lịch (trong đó 4.000 lượt khách quốc tế), tổng thu 2.670 tỷ đồng.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Cà Mau sẽ tập trung thực hiện công tác lập Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau và các phân khu chức năng; thực hiện các nhiệm vụ chủ trì theo Chương trình xúc tiến du lịch năm 2023; phối hợp, hỗ trợ thực hiện Đề án Làng Văn hóa Du lịch Đất Mũi; tổ chức, phối hợp tổ chức các sự kiện, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao và du lịch theo Chương trình sự kiện “Cà Mau – Điểm đến 2023” gắn với Chương trình Xúc tiến du lịch năm 2023; đồng thời, thực hiện có hiệu quả Chương trình liên kết hợp tác với các tỉnh, thành phố đã ký kết; triển khai xây dựng Đề án Phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2025.
Không chỉ có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp mà Việt Nam còn là thiên đường ấm thực đối với những cặp đôi mới cưới...