Đến Huế nghe ‘câu chuyện từ những dòng sông’
Dịp này, du khách khi đến Huế sẽ được tham quan không gian trưng bày “Câu chuyện từ những dòng sông”.
Từ nay đến ngày 16/7, khi đến với Bảo tàng Lịch Sử Thừa Thiên Huế (số 1, đường 23 tháng 8, TP Huế), du khách được tham quan không gian trưng bày chuyên đề “Câu chuyện từ những dòng sông”.
Trưng bày “Câu chuyện từ những dòng sông”
Nhân dịp Tuần lễ Festival 2022, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế phối hợp Bảo tàng gốm cổ Sông Hương tổ chức trưng bày chuyên đề “Câu chuyện từ những dòng sông”.
Theo Ban tổ chức, đây là hoạt động ý nghĩa, tạo mối quan hệ liên kết, hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm giữa hai đơn vị, đồng thời thông qua trưng bày giúp cho các nhà nghiên cứu và du khách đến với Huế có thêm tư liệu quý trong việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản dưới nước, có điều kiện chiêm ngưỡng, thưởng ngoạn những cổ vật có giá trị lịch sử, văn hoá, nghệ thuật của dân tộc Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng.
Trưng bày chuyên đề này tập trung vào 2 chủ đề chính
Ngoài ra, còn góp phần tri ân các nhà nghiên cứu, sưu tầm cổ vật - những người đã có những đóng góp vào công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị của các cổ vật trong thời kỳ hiện nay.
Trưng bày chuyên đề “Câu chuyện từ những dòng sông” tập trung vào hai chủ đề chính.
Thứ nhất là “Sông Hương kể chuyện” giới thiệu những hiện vật gốm thời Lý, Trần, Lê sơ cho đến nhà Nguyễn từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 20 được tìm thấy dưới dòng sông Hương (TP Huế). Các hiện vật gốm thời kỳ này cũng mang nhiều nét đặc trưng gắn bó mật thiết với người dân Việt Nam nói chung và người dân vùng đất Cố đô nói riêng.
Thứ hai là “Dấu tích xưa bên dòng Ô Lâu” giới thiệu bộ sưu tập gốm với các loại hình phong phú, có niên đại từ thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 20 được phát hiện dưới dòng sông Ô Lâu, chủ yếu mang đặc trưng của lò gốm Phước Tích, Mỹ Xuyên. Những hiện vật này mang nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, là minh chứng khẳng định cho sự phát triển các làng nghề truyền thống của vùng đất Thừa Thiên Huế, là cơ sở về mặt khoa học và lịch sử quan trọng phục vụ trong công tác nghiên cứu.
Ông Nguyễn Đức Lộc - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế, cho biết, với gần 300 hiện vật, trưng bày được xem như mảnh ghép quan trọng trong bức tranh chung về di sản văn hóa, ghi lại sự hiện diện của các nền văn hóa qua các thời kỳ lịch sử, cũng như quá trình hình thành, phát triển của vùng đất Cố đô Huế xưa.
Trưng bày lần này không chỉ đánh thức trong mỗi chúng ta hoài niệm về những dòng sông đã đi vào lịch sử, mà còn là dịp hội tụ của những người yêu quê hương, yêu văn hóa Huế có thêm điều kiện gặp gỡ, trao đổi, giao lưu văn hóa. Điều đó khẳng định tiềm năng và nội lực văn hóa của người dân Huế vô cùng to lớn, cần được tôn vinh để phát huy giá trị, ông Lộc chia sẻ.
Tuần lễ Festival Huế diễn ra từ ngày 25/6 đến ngày 30/6 sẽ có nhiều chương trình nghệ thuật, lễ hội quy mô, độc đáo, hoành tráng như chương trình Nghệ thuật Khai màn, chương trình biểu diễn hàng đêm của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế...
Du khách đến Huế dịp này sẽ được tham quan không gian trưng bày “Câu chuyện từ những dòng sông”
Bên dòng sông Hương thơ mộng, trữ tình, ngày hội Sen Huế như hội tụ tinh hoa của đất trời vào một không gian, thu hút...