Đạp xe lên ngôi ở TP.HCM sau giãn cách

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tranh thủ đường vắng, nhiều người đạp xe đi thể dục, đi chơi trong thành phố. Những ai không sở hữu xe có thể thuê với mức giá từ 50.000 đồng/buổi.

Sau hơn 100 ngày không đạp xe vì TP.HCM giãn cách xã hội, những guồng quay bánh xe của Anh Khoa (28 tuổi, quận Phú Nhuận) có phần lúng túng, nặng nề. Khoa là người đạp xe không chuyên, mới tham gia môn này trong thời gian dịch.

Trước khi siết chặt và sau khi nới lỏng giãn cách xã hội, xe đạp xuất hiện trên đường phố TP.HCM ngày càng nhiều. Người dân tranh thủ đường vắng có không gian vận động, dạo chơi bằng phương tiện này.

"Đạp xe dễ và vui"

Có nhiều lý do để Anh Khoa chọn đạp xe. “Ban đầu tôi đạp xe chỉ đi dạo ngắm đường phố cho đỡ căng thẳng những ngày giãn cách từ hồi Chỉ thị 10”, Anh Khoa chia sẻ.

Một phần do dịch ở nhà ăn nhiều nên anh muốn cân bằng lại thể lực. Sau 15 buổi đạp xe trong một tháng trước khi giãn cách, vóc dáng anh được cải thiện. Những ngày đầu Khoa chỉ đi 10-12 km, sau đó đạp nhiều và nhanh hơn đến 15-20 km. Hiện đã quen thì mỗi ngày Khoa có thể đạp 30-50 km rất thoải mái.

Đạp xe lên ngôi ở TP.HCM sau giãn cách - 1

Đạp xe mùa dịch, Anh Khoa vẫn luôn chú ý đeo khẩu trang, nhất là khi đi cùng bạn bè. Ảnh: NVCC.

Đồng thời, vì các hình thức và địa điểm tập thể thao khác như phòng gym hay công viên bị hạn chế, môn đạp xe đáp ứng tiêu chí không tập trung đông người, ít tiếp xúc.

Khoa cho biết đường phố thời gian này không đông đúc ngay cả trong giờ cao điểm, nên phù hợp để đạp xe. Từ nhà ở quận Phú Nhuận, anh thường đạp dọc bờ kênh Nhiêu Lộc, ra Landmark81 (quận Bình Thạnh), qua khu đô thị Sala và đảo Kim Cương (TP Thủ Đức) rồi vòng về quận 1.

“Nhiều bạn cũng bắt đầu thích đạp xe trong mùa dịch với những lý do giống tôi. Theo tôi, đạp xe dễ và vui hơn mấy môn thể thao khác. Tuy nhiên, trở ngại nhất là chi phí đầu tư xe đạp và phụ kiện đi kèm”, Khoa nói.

Nhu cầu thuê xe đạp tăng

Không có xe như Khoa, Nguyễn Mai (quận 3) cùng 3 người bạn đến thuê xe ở quán cà phê The Bike Coffee cùng quận có dịch vụ cho thuê xe đạp. Cô cho biết mình hay đi bộ thể dục ở dọc bờ kênh Nhiêu Lộc, thấy rất nhiều người đạp xe xung quanh nên muốn thử.

“Tôi rủ thêm bạn bè ở các quận khác, tranh thủ đạp vào buổi chiều thời gian này không bị kẹt xe. Chúng tôi sẽ đạp đến khu đô thị Sala và Thảo Điền (TP Thủ Đức) vì có đường rộng, đạp xe xong vào công viên chơi”, Mai nói.

Mai đặt xe trước một ngày mới có suất. Đến thuê thì để lại căn cước công dân và một nửa tiền thuê. Khi trả xe sẽ thanh toán phần còn lại.

Hoàng Phương (quận Bình Thạnh) đến quán trước Mai nhưng không thuê được xe do không biết phải đặt trước. Cô có sẵn xe nhưng hai bạn của cô thì không, do đó nhóm bạn mới quyết định cùng đi xe máy đến quán để xuất phát đạp chung.

Phương và bạn chia nhau tìm, gọi điện hỏi một số địa chỉ cho thuê xe trên mạng, nhưng chỗ thì không liên lạc được, chỗ thì xa trung tâm. Nhóm hủy buổi đạp xe, đợi đặt thuê xe ở quán này vào hôm khác.

Đạp xe lên ngôi ở TP.HCM sau giãn cách - 2

Người thuê xe thường là các bạn trẻ và họ tìm đến những địa chỉ thuê gần những con đường thuận tiện đạp đi rồi quay đầu trả xe. Ảnh: Ý Linh.

Trước dịch và giãn cách xã hội, khách thuê lẻ như nhóm của Phương và Mai không quá nhiều. Khi phong trào phương tiện “xanh” rộ lên, những người không có xe và tần suất đạp xe không thường xuyên sẽ chọn cách thuê.

Anh Võ Hoàng Phúc (chủ The Bike Coffee) cung cấp thông tin hiện quán có 15-17 chiếc xe, hầu như ngày nào cũng kín lịch khách thuê kể cả trong tuần, khách trước trả thì khách sau dùng ngay. Sắp tới chủ quán sẽ sắm thêm khoảng gấp đôi lượng xe để đáp ứng nhu cầu khách lẻ đang tăng.

“Một chiếc xe ổn để đạp trong thành phố có giá từ 6-7 triệu đồng trở lên. Không ít người mới tham gia môn này chọn cách thuê để trải nghiệm trước khi quyết định mua, hoặc họ muốn sắm xe tốt nhưng chưa đủ điều kiện”, anh Phúc cho biết.

Giá thuê một xe đạp ở quán anh Hoàng Phúc có nhiều mức, theo 3-6-9 giờ (50.000-150.000 đồng), nửa ngày (150.000 đồng) hoặc một ngày (200.000 đồng), từng tuần (1,2 triệu đồng) và cả tháng (4,8 triệu đồng).

Cần chú ý an toàn khi đạp xe trong thành phố

Đa số mọi người nghĩ đạp xe trong thành phố như một dạng đi chơi, trừ những tay đua chuyên nghiệp. Tuy nhiên, theo anh Võ Hoàng Phúc, với tư cách là hướng dẫn viên tour đạp xe chuyên nghiệp, đạp xe là môn thể thao ngoài trời chứa nhiều rủi ro.

“Hiện đường phố chưa quá đông, người đạp xe nhiều và tràn ra các làn, thậm chí thấy vắng còn vượt đèn đỏ. Rủi ro từ việc thiếu ý thức này sẽ dẫn đến tai nạn khách quan do xe khác đụng vào”, anh Phúc nói.

Trang phục đạp xe trong thành phố cũng là một điều đáng chú ý. Với mặt đường ở TP.HCM bằng phẳng, người đạp có thể không cần quần độn chuyên dụng, chỉ cần mặc quần áo thể thao thoải mái nhất là phần chân.

“Hiện đường phố còn vắng những buổi sáng sớm và tối, trang phục ôm sát cơ thể và hở hang không nên mặc. Tôi tôn trọng ý thích của mọi người, nhưng cảnh báo luôn về nguy cơ không an toàn, nhất là các bạn nữ. Chính tôi một lần bị người khác đụng chạm khi dừng đèn đỏ”, anh Phúc cảnh báo.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Ý Linh (Zing News)

CLIP HOT