Chia sẻ kinh nghiệm đưa sản phẩm OCOP TP.HCM đến gần người tiêu dùng
Sáng ngày 27/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM (Sở NN&PTNT) đã tổ chức Hội thảo, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn Thành phố
Tham dự có ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Thành phố, bà Hoàng Thị Mai - Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Thành phố, bà Bùi Thị Lưu Ly - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ Trợ nông nghiệp.
Toàn cảnh hội thảo
Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe những hướng dẫn về thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn Thành phố như: Quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP giai đoạn 2023 – 2025, các bước tạo nên sản phẩm và đưa sản phẩm đến các hệ thống siêu thị, thông tin và hỗ trợ các chủ thể OCOP về nội dung cấp mã số vùng trồng là một trong những điều kiện hướng đến xuất khẩu các sản phẩm OCOP, hướng dẫn cách thức đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị...
Theo ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT, OCOP là giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững.
Theo ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Thành phố, phát triển sản phẩm OCOP dựa trên thế mạnh, lợi thế về nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa nhằm đảm bảo hiệu quả và bền vững. Trong đó, thành phố đang tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản và làng nghề truyền thống, dịch vụ du lịch có lợi thế của địa phương, cộng đồng theo chuỗi giá trị. Từ đó, tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, giúp nâng cao thu nhập của người dân, bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ đa dạng sinh học, cảnh quan và môi trường nông thôn.
“Đặc biệt, ngày 22 tháng 02 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 263/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, trong đó, xác định Chương trình OCOP là 01 trong 06 Chương trình chuyên đề trọng tâm, cần triển khai thực hiện nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn, càng cho thấy vai trò, tầm quan trọng của Chương trình này”, ông Hiệp nói.
Bà Hoàng Thị Mai, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NNPTNT TP.HCM), cho biết so với giai đoạn trước, Chương trình OCOP TP.HCM hiện mở rộng hơn về phạm vi, tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất, gồm hộ sản xuất, HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp ở tất cả quận, huyện, thành phố Thủ Đức tham gia (giai đoạn trước giới hạn phạm vi ở 5 huyện ngoại thành).
Ngoài ra, các đối tượng tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP cũng rộng hơn, tập trung vào 6 nhóm là thực phẩm, đồ uống, dược liệu, hàng thủ công mỹ nghệ, sinh vật cảnh và dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, điểm bán hàng.
Sự mở rộng này nhằm tạo điều kiện cho các chủ thể sản xuất được tham gia đánh giá OCOP, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm chế biến có thế mạnh của TP.HCM đang tập trung nhiều ở Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Nhà Bè và TP.Thủ Đức.
Là doanh nghiệp có hai sản phẩm được công nhận đạt OCOP 4 sao, anh Phan Minh Tiến, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dừa nước Việt Nam, chia sẻ chỉ vài tháng sau khi được công nhận OCOP, năm 2022, sản phẩm bắt đầu lên kệ các siêu thị thuộc hệ thống Saigon Co.op. Theo anh Tiến, để mở rộng thị trường doanh nghiệp nên thường xuyên kiểm tra hàng hóa của mình có được trưng bày hay gắn các chương trình khuyến mãi hay chưa, nếu không sẽ mất cơ hội bán hàng, đạt doanh số.
“Cần sắp xếp hàng hóa ngay ngắn, được nhiều “chân” thì càng tốt. Nên tham gia các chương trình khuyến mãi của siêu thị, thường xuyên tương tác những nhân sự phòng kinh doanh để nắm thông tin. Nếu có cơ sở ở tỉnh, thì nên tuyển công tác viên tại khu vực đó để đảm nhận phần chăm sóc khách hàng cũng như nắm bắt số lượng người mua sản phẩm...”, anh Tiến nhấn mạnh.
Hai sản phẩm mật dừa nước tinh chất và mật dừa nước cô đặc của Công ty Cổ phần Dừa nước Việt Nam vừa được công nhận đạt OCOP 4 sao hồi tháng 3/2022.
Còn về vấn đề cách thức đưa sản phẩm OCOP vào hệ thống siêu thị, theo đại diện Saigon Co.op, sản phẩm phải có tên, bao bì, xuất xứ và ghi nhẫn hàng hóa sản phẩm theo quy định của pháp luật. Đồng thời phải có số, mã vạch để thuận tiện cho công tác quản lý và giám sát của khách hàng. Đối với sản phẩm nông sản thực phẩm phải đáp ứng các quy định của phát luật về an toàn thực phẩm và các quy định pháp luật. Sản phẩm phải được niêm yết giá bán, thể hiện rõ ràng trên nhãn sản phẩm, bao bì sản phẩm hoặc được niêm yết tại giá hàng, quầy hàng, điểm kinh doanh, phải có bảo hành ghi rõ thời hạn và điều kiện, địa điểm bảo hành. Hàng hóa, dịch vụ kinh doanh tại điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP không thuộc danh mục cấm kinh doanh theo quy đình của phát luật...
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình OCOP, ông Đinh Minh Hiệp cho rằng cần tiếp tục thông tin, tuyên truyền, quảng bá nâng cao nhận thức của cán bộ quản lý chương trình OCOP các cấp, từ cấp Thành phố, cấp huyện, cấp xã; nhận thức của người dân về mục tiêu, ý nghĩa của việc tham gia vào Chương trình OCOP. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực chủ thể OCOP về tổ chức, quản trị, chế biến và thương mại sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với thị hiếu người tiêu dùng.
Đồng thời, tập trung đầu tư phát triển những sản phẩm có lợi thế, đặc trưng của địa phương, gắn với yếu tố văn hóa ở khu vực, phát triển sản xuất kết hợp với khai thác, phục vụ du lịch. Các địa phương cũng cần chú trọng phát triển các loại hình tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP. Trong đó, cần ưu tiên hỗ trợ cho các hợp tác xã, doanh nghiệp phát huy vai trò đầu tàu trong các chuỗi giá trị sản phẩm OCOP.
“Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá một cách bài bản, đồng bộ và thường xuyên, xây dựng thương hiệu OCOP Thành phố làm cơ sở để đẩy mạnh thị trường trong nước và tiếp cận thị trường quốc tế. Ưu tiên ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển sản phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó lưu ý mẫu mã, bao bì, hướng tới hình thành các sản phẩm quà tặng của quốc gia và từng địa phương. Ngoài ra, cần xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, đặc biệt ưu tiên hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP 3, 4 sao”, ông Hiệp nhấn mạnh.
OCOP - còn được gọi là chương trình Mỗi xã một sản phẩm, được triển khai đầu tiên ở Nhật Bản từ thập niên 70 của thế kỷ trước. Đến nay, đã có hơn 40 nước học và triển khai thành công góp phần mang lại đời sống ấm no cho người dân vùng nông thôn. Đến nay, TP.HCM có 66 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP, trong đó: 36 sản phẩm đạt chuẩn 04 sao và 30 sản phẩm đạt chuẩn 03 sao và 01 sản phẩm đang đề xuất Trung ương công nhận sản phẩm đạt chuẩn 05 sao. |
Mục tiêu của hội chợ lần này là giới thiệu và tôn vinh những thành tựu trong lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi, thủy...