Củ Chi gắn du lịch nông nghiệp với quảng bá sản phẩm OCOP

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

UBND huyện Củ Chi thiết kế các chương trình du lịch nông nghiệp, qua đó đồng thời quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, ngành nghề nông thôn, sản phẩm OCOP.

Là một huyện ngoại thành TP.HCM, Củ Chi được biết đến với tên gọi "vùng đất thép" với hệ thống địa đạo dưới lòng đất được bảo tồn khá nguyên vẹn thu hút nhiều du khách.

Đa số người dân Củ Chi sinh sống bằng nghề làm nông nghiệp, ngành nghề nông thôn. Huyện có đầy đủ điều kiện về tự nhiên, vị trí địa lý và tiềm năng để phát du lịch, bởi Củ Chi có nhiều làng nghề, ngành nghề nông thôn truyền thống, nhiều vùng trồng cây ăn trái và có các địa điểm lịch sử cách mạng.

Tham gia chương trình OCOP, lãnh đạo UBND huyện đã xác định việc phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp sẽ tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện.

Thiết kế các tour du lịch trải nghiệm giúp đẩy mạnh quảng bá sản phẩm

Để thúc đẩy du lịch nông nghiệp, các xã nông nghiệp tại Củ Chi đã liên kết với các công ty du lịch để quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm ngành nghề nông thôn, sản phẩm OCOP gắn với phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng.

Tour tham quan du lịch dành cho du khách sẽ xuất phát tại Địa đạo Củ Chi (Bến Dược). Tại đây, du khách sẽ dâng hương tưởng niệm các anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh tại Đền Bến Dược. Sau đó di chuyển trên sông Sài Gòn bằng ca nô để đến với Tổ hợp tác vườn trái cây Trung An.

Củ Chi gắn du lịch nông nghiệp với quảng bá sản phẩm OCOP - 1

Du khách vào vườn hái trái cây ăn tại chỗ ở vườn trái cây Trung An.

Đến đây, du khách sẽ đi xe đạp hoặc xe ngựa quanh khu vực Tổ hợp tác xã vườn trái cây Trung An và nghỉ ngơi tại các nhà vườn để thưởng thức các loại trái cây (măng cụt, chôm chôm, dâu,…), các loại bánh truyền thống được chế biến từ khoai mì.

Các gian hàng trưng bày và giới thiệu các sản phẩm ngành nghề nông thôn đặc trưng, sản phẩm OCOP của huyện Củ Chi như: Bột Nghệ, Rau Móp, Bơ Đậu Phộng, Bột Diếp cá, Bột Rau Má, Bột Lá Sen, Bột Tía Tô, Bột Cần Tây, … cũng được bố trí tại các khu du lịch để du khách tham quan và mua sắm. Ngoài ra, khách cũng được thưởng thức đờn ca tài tử ngay tại vườn.

Bên cạnh Tổ hợp tác xã trái cây Trung An, huyện cũng kết hợp với các công ty du lịch xúc tiến, quảng bá các điểm du lịch, nghỉ dưỡng trên địa bàn huyện như Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao,  Khu du lịch Nông trang xanh, Khu du lịch sinh thái văn hóa dân tộc thiểu số Củ Chi, Khu dã ngoại Green Park, Khu du lịch sinh thái vườn bưởi Tam Tân…

Ngoài việc gắn kết du lịch và quảng bá sản phẩm, để đẩy mạnh quảng bá các điểm đến, huyện cũng tổ chức các sự kiện văn hóa, lịch sử, giao lưu văn hóa giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của huyện như: Hội chợ nông sản, Ngày hội văn hoá, ẩm thực và du lịch…

Tăng cường các hoạt động hỗ trợ phát triển thêm nhiều ngành nghề và sản phẩm OCOP, đẩy mạnh quảng bá điểm đến

Củ Chi cũng là một trong những huyện có nhiều làng nghề truyền thống và sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, có tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội và du lịch.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Phòng Kinh tế huyện Củ Chi, thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn huyện Củ Chi, đến nay toàn huyện chỉ có 8/10 sản phẩm được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP thành phố đánh giá từ 4 đến 5 sao. Đây là một con số quá khiêm tốn so với tiềm năng và sự đa dạng của các sản phẩm đặc trưng của Củ Chi.

Tiểu biểu như làng nghề bánh tráng Phú Hòa Ðông với khoảng 100 lò tráng thủ công, mỗi ngày làng nghề làm ra 40 tấn bánh, trong đó 2/3 sản lượng được xuất khẩu. Làng nghề đã giải quyết việc làm cho từ 5.000 – 6.000 lao động trong toàn huyện với thu nhập cao hơn lao động nông nghiệp thuần từ 1,4 – 3,6 lần.

Củ Chi gắn du lịch nông nghiệp với quảng bá sản phẩm OCOP - 2

Trực tiếp khám phá việc làm bánh tráng tại Phú Hòa Ðông, Củ Chi.

Là một trong 6 làng nghề truyền thống của TP.HCM, cho đến nay, bánh tráng Phú Hòa Đông không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà còn xuất khẩu vươn xa đến hơn 20 quốc gia trên thế giới. Du khách đến đây có thể tham quan quy trình sản xuất bánh tráng truyền thống, thưởng thức các món ăn đặc sản từ bánh tráng và mua về làm quà.

Điểm đên làng nghề bánh tráng Phú Hòa Ðông không những có thể trở thành điểm du lịch OCOP mà các sản phẩm đặc trưng ở đây như bánh trạng hay bún cũng có thể trở thành sản phẩm OCOP của Củ Chi.

Ông Lê Đình Đức - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Củ Chi cho biết Huyện có đầy đủ điều kiện về tự nhiên, vị trí địa lý và tiềm năng để phát du lịch, bởi Củ Chi có nhiều làng nghề, ngành nghề nông thôn truyền thống, nhiều vùng trồng cây ăn trái và có các địa điểm lịch sử cách mạng. Thực tế, vừa qua, nhiều xã nông nghiệp tại Củ Chi đã liên kết với các công ty du lịch để quảng bá các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm ngành nghề nông thôn, sản phẩm OCOP gắn với phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm, du lịch nghỉ dưỡng.

Trong thời gian tới Huyện Củ Chi sẽ tập trung vào việc nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm OCOP trên địa bàn thông qua một loạt giải pháp cụ thể. Trước hết, việc tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn là điểm khởi đầu quan trọng. Hội thảo, hội nghị, triển lãm, và hội chợ sẽ được tổ chức để giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP của Củ Chi, tạo cơ hội cho hộ nông dân, hợp tác xã, và doanh nghiệp tham gia Chương trình.

Để đảm bảo chất lượng sản phẩm OCOP, huyện Củ Chi đặt mục tiêu tăng cường liên kết và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, cơ sở khoa học - kỹ thuật, và tổ chức tư vấn. Các khóa đào tạo và huấn luyện sẽ tập trung vào tiêu chuẩn, quy trình sản xuất, và quản lý chất lượng sản phẩm OCOP.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ vốn cho các hộ nông dân, hợp tác xã, và doanh nghiệp cũng là một yếu tố quan trọng. Các nguồn vốn ưu đãi từ ngân hàng và các quỹ hỗ trợ sẽ được cung cấp để đầu tư vào cơ sở vật chất, thiết bị, và nguyên liệu sản xuất sản phẩm OCOP.

Để tăng cường quảng bá và tiếp thị, huyện Củ Chi sẽ hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác, mã vạch, và đăng ký chứng nhận liên quan cho sản phẩm OCOP. Các kênh phân phối trong và ngoài nước cũng sẽ được khám phá và tiếp cận.

Cùng với đầu tư về cơ sở vật chất, huyện Củ Chi cũng chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu về chất lượng, đảm bảo duy trì hợp lý về cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, để đảm bảo tính chuyên nghiệp, đủ sức cạnh tranh và hội nhập khu vực, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hàn Mai

CLIP HOT