Chuyện giờ mới kể về chiếc đèn bí ngô "ma quái "đêm Halloween
Những chiếc đèn bí ngô đầy ma mị luôn được xem là biểu tượng truyền thống không thể thiếu của mùa “lễ hội ma quỷ”. Thế nhưng, vì sao chúng lại được ra đời vẫn còn là một bí ẩn.
Nhiều người trong chúng ta vẫn lầm tưởng hai trong số các hoạt động phổ biến và thú vị nhất của đêm Halloween – khắc đèn bí ngô và mặc trang phục kỳ quái thường được xem như là 'đặc sản' của người Mỹ. Tuy nhiên, trên thực tế, chúng có nguồn gốc từ người Anh, Ireland và Scotland.
Đèn bí ngô đáng sợ là sản phẩm tín ngưỡng truyền thống của người dân Anh, Ireland và Scotland trong dịp lễ Halloween. Ảnh: Getty Images.
Vào những năm 1800, rất nhiều người dân tại các quốc gia này đã di cư đến Mỹ để sinh sống và lập nghiệp. Trên chuyến hành trình viễn xứ ấy, họ mang theo cả những phong tục truyền thống của lễ hội Halloween bên mình.
Theo đó, quá trình chuẩn bị cho đêm Halloween bao gồm việc khắc những khuôn mặt ghê rợn lên trên củ cải – một nguyên liệu phổ biến ở châu Âu vào những ngày cuối thu. Những ngọn nến đang cháy sẽ được đặt vào bên trong các củ cải đã được khoét rỗng, khiến chúng phát sáng như đèn lồng và được đặt tên là “Jack o’Lantern”.
Những chiếc đèn củ cải phát sáng, mang khuôn mặt ma quái đến lạnh sống lưng, được xem là lời nhắc nhở về cái chết, có khả năng xua đuổi tà ma và cũng để “dọa nạt” những người hàng xóm khó chịu.
Những chiếc đèn Jack o'Lantern là lời nhắc nhở về cái chết, có khả năng xua đuổi tà ma và cũng để “dọa nạt” những người hàng xóm khó chịu. Ảnh: Freepik.
Về sau, khi sinh sống trên đất Mỹ, do môi trường nơi đây thuận lợi cho việc trồng bí ngô nhiều hơn là củ cải nên dần dà, người ta bắt đầu thay những chiếc đèn củ cải bằng đèn bí ngô trong đêm Halloween.
Khi đó, nhiều người nhận thấy rằng, bí ngô mềm và dễ chạm khắc hơn nhiều so với củ cải già cứng. Đồng thời, phần thịt bí ngô bên trong cũng có thể được tận dụng làm bánh nướng và súp ngon. Vì tính tiện lợi như thế nên lâu dài, chẳng còn ai mảy may chọn củ cải làm “đèn ma” trong dịp lễ hội này.
Cái tên Jack o’Lantern cũng được bắt nguồn từ truyện cổ tích xứ Ireland. Theo đó, Jack từng là một người thợ rèn ranh mãnh đã nhiều lần “đùa giỡn” với ma quỷ. Khi chết, linh hồn của y bị cả thiên đường lẫn địa ngục từ chối tiếp nhận. Kể từ đó, linh hồn của Jack bị buộc phải lang thang trên khắp Trái Đất, vĩnh viễn không chốn dung thân.
Lúc sống, Jack thường xuyên có những giao kèo với ma quỷ nhưng lại đủ khôn khéo để qua mặt chúng. Khi chết, linh hồn Jack bị chúng kết tội phải lang thang khắp Trái Đất. Ảnh: ArtStation.
Người Ireland tin rằng, những đốm lửa mà họ nhìn thấy trong đầm lầy là linh hồn của Jack. Từ đây, người Ireland đặt tên cho những chiếc đèn củ cải trong đêm Halloween là Jack o’Lantern. Họ ví chúng như thứ bùa hộ mạng, giúp tránh bị quấy nhiễu bởi hồn ma vất vưởng của Jack.
Đến ngày nay, tập tục khắc đèn Jack o’Lantern vẫn được duy trì. Tuy vậy, ý nghĩa tâm linh xưa kia đã dần được xem nhẹ, khiến các đèn lồng bí ngô chỉ còn là vật trang trí giúp đêm Halloween thêm phần huyền ảo.
Đèn bí ngô Jack o'Lantern được dùng để trang trí ở khắp mọi nơi trong mùa lễ Halloween. Ảnh: Freepik.
Thông thường, vào dịp này, người Mỹ sẽ chọn làm đèn bí ngô “càng trễ càng tốt”. Có những lúc, nhiều gia đình Mỹ sẽ tụ tập cùng nhau khắc bí ngô vào buổi sáng của ngày 30/10 – ngày lễ chính thức của Halloween.
Làm đèn bí ngô là một nét đẹp truyền thống của nhiều gia đình phương Tây trong dịp lễ Halloween. Ảnh: Shutterstock.
Theo họ chia sẻ, đó là cách để những chiếc đèn bí ngô không bị nhanh hỏng. Nếu thời tiết ấm áp, chúng có thể chỉ đẹp trong khoảng một tuần, nhưng đèn bí ngô cũng có thể được dùng lâu hơn nếu nhiệt độ ngoài trời mát mẻ.