200 năm danh xưng Thừa Thiên đến Thừa Thiên Huế
Đó là chủ đề của buổi tọa đàm khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức với sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu.
Buổi tọa đàm khoa học này có nhiều tham luận có giá trị, tập trung vào các vấn đề quan trọng như: Địa danh, địa giới Thừa Thiên Huế qua các thời kỳ; công tác quản lý, tổ chức và nhân sự của phủ Thừa Thiên trong lịch sử; các vị quan đứng đầu phủ Thừa Thiên; về tên gọi Thừa Thiên Huế xuất hiện từ khi nào; hướng phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế sắp tới…
Tọa đàm khoa học 200 năm danh xưng Thừa Thiên đến Thừa Thiên Huế (1822-2022).
Phát biểu tại tọa đàm, ông Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế nhấn mạnh, năm Nhâm Ngọ (1822), vua Minh Mạng cho đổi tên dinh Quảng Đức thành phủ Thừa Thiên. Trong cuộc cải cách hành chính của vua Minh Mạng vào các năm 1831-1832, cả nước được chia thành 30 tỉnh và phủ Thừa Thiên. Năm 1835, phủ Thừa Thiên có sự thay đổi, phân chia lại địa giới hành chính các địa phương trong phủ. Từ năm 1822 với tên gọi phủ Thừa Thiên đến ngày nay là Thừa Thiên Huế đã có nhiều sự thay đổi và sự phát triển quan trọng.
“Với mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế thành Thành phố trực thuộc Trung ương, tỉnh Thừa Thiên Huế đang tập trung xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn hiệu quả, nâng cao năng lực sản xuất kinh tế, phát huy bản sắc văn hóa, giữ gìn bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo quốc phòng an ninh tốt, tiếp tục nâng cao đời sống của người dân”, ông Thọ nói.
Một góc đô thị Huế.
Theo TS. Phan Tiến Dũng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế, xây dựng quy hoạch phát triển cả tỉnh Thừa Thiên Huế (mà sắp tới là thành phố Huế trực thuộc Trung ương) cần đảm bảo tính chiến lược và tầm nhìn lâu dài, tức là quy hoạch phải có tầm bao quát lớn tích hợp đồng bộ các quy hoạch gắn với quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng. Trên mục tiêu hướng tới là thành phố di sản văn hóa, sinh thái thân thiện với môi trường. Tiếp tục phát huy vai trò 4 trung tâm lớn về văn hóa du lịch, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ làm tiền đề quan trọng để phát triển bền vững, tập trung hình thành những các loại hình kinh tế mới phù hợp với đặc điểm thành phố như: kinh tế sáng tạo, kinh tế tri thức, kinh tế số…
Về danh xưng Thừa Thiên Huế có từ bao giờ, theo nhà nghiên cứu Dương Phước Thu, qua khảo cứu các nguồn tư liệu sưu tầm được, kết quả nghiên cứu cho biết, năm 1949, danh xưng Thừa Thiên - Thuận Hóa xuất hiện. Đến tháng 12/1954, có danh xưng Thừa Thiên Huế. Ngày 1/7/1989, danh xưng Thừa Thiên Huế được đặt lấy đặt tên cho tỉnh.
Các nhà nghiên cứu thảo luận tại tọa đàm.
Vào năm 1802, Nguyễn Ánh lên ngôi, lấy niên hiệu là Gia Long, mở ra triều đại Nguyễn, Huế trở thành trung tâm chính trị của đất nước thống nhất.
Để thuận lợi cho việc quản lý, vua Gia Long đã chia lãnh thổ làm 23 trấn và 4 dinh Kinh kỳ (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức và Quảng Nam). Năm 1822, vua Minh Mạng cho đổi tên dinh Quảng Đức thành phủ Thừa Thiên.
Trải qua các giai đoạn lịch sử, về tên gọi, địa giới hành chính của phủ Thừa Thiên, nay là tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những thay đổi vì những yêu cầu của từng thời kỳ. Thừa Thiên Huế luôn là vùng chiến lược nối giữa hai miền Bắc – Nam, vùng đất hội tụ giao thoa nhiều giá trị của nền văn hóa Đông Sơn, Sa Huỳnh, xa hơn nữa là giao lưu với thế giới Nam Hải, Ấn Độ, Trung Hoa.
Đô thị Huế có thời gian hình thành gần 400 năm kể từ năm 1636 khi Kim Long là thủ phủ của Đàng Trong, là một trong những đô thị quan trọng của Việt Nam dưới thời nhà nước quân chủ. Huế là nơi tập trung hệ thống kiến trúc thành lũy, các công trình phục vụ điều hành quốc gia, các công trình văn hóa để lại mang tầm vóc giá trị toàn cầu.
Hội nghị với nhiều tham luận đầy tâm huyết của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, cùng các ý kiến thảo luận của các khách...