Xuân Nhâm Dần 2022: Tết xa xứ của những "viên ngọc Việt" trên đất Hàn
Hai anh em ruột Nguyễn Ngọc Phi-Nguyễn Ngọc Tấn đều là giáo sư giảng dạy tại Đại học Sejong, người anh Ngọc Phi về nước ăn Tết, còn vợ chồng người em Ngọc Tấn ở lại Hàn Quốc đón Tết Nhâm Dần đặc biệt.
Một năm trôi nữa lại trôi qua, thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới luôn là giây phút thiêng liêng đối với người dân ở nhiều quốc gia châu Á, đặc biệt là Việt Nam. Những người con xa xứ giờ đây đều đang hướng về quê hương, cội nguồn.
Hai anh em Giáo sư Nguyễn Ngọc Phi-Nguyễn Ngọc Tấn. (Nguồn: Vnews)
Đặc biệt ở những nơi cũng đón Tết cổ truyền như Hàn Quốc, thời khắc này lại càng làm xao xuyến hơn. Gia đình giáo sư trẻ Nguyễn Ngọc Tấn và Nguyễn Ngọc Phi, hai người con ưu tú của đất Việt năm nay cũng đang đón một cái Tết Nhâm Dần rất đặc biệt.
Sinh ra và lớn lên ở dải đất miền Trung Việt Nam nghèo khó, khắc nghiệt, cả hai anh em ruột Nguyễn Ngọc Phi-Nguyễn Ngọc Tấn coi học tập là con đường ngắn nhất để có được cuộc sống tốt hơn.
Nhờ nỗ lực và tài năng hiếm có, hai anh đã đạt được học bổng tiến sỹ và hiện giờ cả hai đều đang là giáo sư giảng dạy tại Đại học Sejong ở thủ đô Seoul.
Ở Hàn Quốc, nghề giáo vô cùng được coi trọng, đặc biệt là giáo sư của các trường đại học. Tham gia giảng dạy tại một trường đại học đồng nghĩa với việc có thu nhập đảm bảo để nuôi cả gia đình ở mức trung lưu.
Chính vì thế, mức độ cạnh tranh và áp lực nghề nghiệp đối với các giảng viên đại học là rất lớn. Đối với người Hàn Quốc, gia đình có một người làm việc tại một trường đại học là rất đáng tự hào, bởi thế trường hợp hai anh em ruột cùng làm giảng viên tại một trường đại học như Ngọc Tấn và Ngọc Phi quả thật hiếm có.
Người anh Ngọc Tấn đang dạy chuyên ngành Kỹ thuật kiến trúc, trong khi Ngọc Phi đang giảng dạy tại khoa Kỹ thuật hàng không, Đại Học Sejong.
Năm nay, Ngọc Phi về Việt Nam cưới vợ và ăn Tết tại quê nhà. Vì dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và đi lại còn khó khăn nên Ngọc Tấn cùng gia đình không thể về Việt Nam sum họp cùng gia đình.
Chia sẻ về việc đón Tết xa nhà, anh Nguyễn Ngọc Tấn cho biết: "Năm nay, gia đình em trang trí hoa lá trong nhà cho có không khí. Bên cạnh đó chúng em cũng chuẩn bị một số món ăn cổ truyền để hướng về Tết cổ truyền của quê hương. Những Tết trước, cộng đồng người Việt đang làm việc tại Đại học Sejong thường tổ chức gặp gỡ và liên hoan và đêm giao thừa. Tuy nhiên, năm nay, vì dịch COVID-19 đang căng thẳng nên các hoạt động đều bị hạn chế. Thay vào đó, chúng em chỉ có thể tổ chức các hoạt động ở quy mô gia đình và nấu những món ăn cổ truyền để hướng về quê hương, tổ quốc trong dịp Tết Nguyên đán."
Anh Tấn cho biết gia đình anh chuẩn bị những món ăn rất truyền thống của người Việt như bánh chưng, bánh tét, củ kiệu, chả lụa, chả giò và canh khổ qua cho bữa cơm tất niên.
Theo chị Phạm Thị Thanh, vợ của Giáo sư Nguyễn Ngọc Tấn, đây là Tết thứ hai chị ở Hàn Quốc. Năm ngoái, chị mới sinh con được 1 tuần. Nơi đất khách quê người, chỉ có hai vợ chồng nên rất nhớ nhà.
Năm nay, con gái anh chị vừa tròn một tuổi. Cháu bé chưa được về Việt Nam để chào ông bà nội, ngoại. Năm mới đến chị chỉ mong ước gia đình có sức khỏe, bình an và hy vọng đại dịch sớm kết thúc để gia đình chị có thể trở về đoàn tụ với đại gia đình ở Việt Nam.
Giáo sư Mai Thế Vũ, đồng nghiệp của Giáo sư Nguyễn Ngọc Tấn tại Đại học Sejong chia sẻ, do dịch bệnh nên không tổ chức được gặp mặt đông song anh và một vài người bạn cũng tổ chức gói bánh chưng và bánh tét cho có không khí Tết và đem tặng một số bạn bè thân thiết cho có hương vị quê nhà.
Dù không được về Việt Nam ăn Tết nhưng ai cũng cố gắng để tổ chức bữa cơm gia đình để mọi người có thể quây quần bên nhau, cùng đón một cái Tết ấm cúng, đầy đủ theo cách của riêng mình.
Bà Emmanuelle Pavillon-Grosser, Tổng lãnh sự Pháp tại TP HCM, chia sẻ đã có dịp đến TP HCM lần đầu tiên vào năm 2007 và khi...