Vì sao khách du lịch Trung Quốc quan trọng với Việt Nam?
Khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 1,8 triệu lượt người trong 2 tháng đầu năm, gấp 36,6 lần cùng kỳ năm trước do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại. Tuy nhiên, mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế năm nay khá thách thức nếu chưa đón được khách Trung Quốc.
Theo số liệu vừa công bố của Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 đạt hơn 930.000 lượt, tăng 7,1% so với tháng trước.
Tính chung hai tháng đầu năm nay, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 1,8 triệu lượt người, gấp 36,6 lần cùng kỳ năm trước. Mức tăng rất mạnh này do Việt Nam đã mở cửa du lịch, các đường bay quốc tế được khôi phục trở lại.
Trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo một doanh nghiệp du lịch ở Hà Nội cho biết, mức này không quá cao bởi dù có gấp gần 32 lần so với cùng kỳ năm trước song vẫn chưa bằng 60% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch COVID-19. Theo vị này, những tháng đầu năm nay khá sôi động vì đang mùa cao điểm với lượng khách Âu - Mỹ khá cao. Song chỉ 2 tháng nữa sẽ thưa dần khi vào mùa thấp điểm.
“Do vậy, đừng quá lạc quan để nhìn vào con số này rồi nhận định về mục tiêu đón 8 triệu lượt khách quốc tế năm nay của Việt Nam. Nếu chưa đón được khách Trung Quốc, mục tiêu này khá thách thức”, vị giám đốc cho hay.
Khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 2 đạt hơn 930.000 lượt. Ảnh: Reuters.
Nhiều doanh nghiệp cũng cho rằng, để đạt được mục tiêu đón khách quốc tế đặt ra năm nay, việc Trung Quốc có sớm đưa Việt Nam vào danh sách được đón tour du lịch hay không rất quan trọng. Năm 2019, Việt Nam đón tới 5,6 triệu du khách Trung Quốc, chiếm 1/3 tổng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.
Ông Đinh Tuấn Minh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giải pháp thị trường cho các vấn đề kinh tế - xã hội (MASSEI) - cho rằng, lượng khách quốc tế đến Việt Nam hiện vẫn còn hạn chế do vấn đề thị thực. “Chính sách visa đang là rào cản, các công ty du lịch vừa qua ‘kêu’ rất nhiều”, ông Minh nói.
Theo vị chuyên gia, cần rà soát lại các quy định về visa để mở rộng phạm vi công dân các quốc gia được miễn visa du lịch vào Việt Nam. Việc này sẽ giúp thu hút được nhiều du khách hơn, thúc đầy hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ, tăng thu nhập cho doanh nghiệp, người dân.
Hiện số lượng miễn visa của Việt Nam còn ít, khoảng 24 nước. Trong khi đó, Thái Lan miễn visa cho hơn 65 quốc gia, vùng lãnh thổ còn Philippines là hơn 150.
Ông Lương Hoài Nam - thành viên Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) - nhấn mạnh, nếu không tăng nhanh được khách du lịch quốc tế đạt và vượt mức trước đại dịch COVID-19 thì không những các doanh nghiệp du lịch bế tắc và kiệt sức, mà các doanh nghiệp bất động sản đầu tư quá đà vào nghỉ dưỡng càng khốn khó hơn.
Theo Chương trình phát triển du lịch Việt Nam 2022 - 2026 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, ngành công nghiệp không khói này được chia ra 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 2022 - 2023 sẽ phấn đấu phục hồi được khoảng 8 - 9 triệu lượt khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (bằng 45 - 50% so với năm 2019); 65 - 70 triệu lượt khách du lịch nội địa (bằng 75 - 80% so với năm 2019) và tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 400.000 - 450.000 tỷ đồng (bằng 50 - 55% so với năm 2019). Giai đoạn 2024 - 2026, sẽ phấn đấu đến năm 2025 đạt khoảng 15 - 16 triệu lượt khách du lịch quốc tế (bằng 40 - 45% so với chỉ tiêu Chiến lược đề ra); khoảng 75 - 80 triệu lượt khách du lịch nội địa (bằng 60 - 65% so với chỉ tiêu Chiến lược); tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 680.000 - 780.000 tỷ đồng (bằng 40 - 45% so với chỉ tiêu chiến lược). Đến năm 2026, số lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt (tăng 20% so với năm 2025), khách du lịch nội địa đạt khoảng 85 triệu lượt (tăng 13,3%), tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 800.000 - 900.000 tỷ đồng (tăng 15,5 - 17,5% so với so với năm 2025). |
Chiều 28/2, Sở Du lịch TP.HCM phối hợp với Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam (VTGA) công bố và ra mắt Tour du lịch golf TP.HCM.