Tuổi Trẻ (16/7/2014): Sẽ công khai lý do chậm, hủy chuyến bay

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Trong chuyến đi giám sát tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất ngày 15-7, ông Võ Huy Cường (phó cục trưởng Cục Hàng không VN) cho biết cục sẽ công khai lý do chậm, hủy chuyến bay của các hãng để hành khách biết và lựa chọn hãng để đi.

Tuổi Trẻ (16/7/2014): Sẽ công khai lý do chậm, hủy chuyến bay - 1
Ông Hoàng Hải Trình (thứ hai từ phải sang), phó trưởng phòng tiêu chuẩn an toàn bay của Cục Hàng không, thực hiện nhiệm vụ giám sát đặc biệt VietJet Air trước chuyến bay từ Nội Bài đi Tân Sơn Nhất sáng 15-7 -
Ảnh: Tuấn Phùng

Ngày 15-7, trong chuyến đi kiểm tra giám sát tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, ông Võ Huy Cường - phó cục trưởng Cục Hàng không VN - đã yêu cầu các hãng hàng không nhanh chóng khắc phục tình trạng chậm, hủy chuyến, đảm bảo chất lượng phục vụ hành khách.

Ngoài ra, theo yêu cầu của ông Cường, các đơn vị cung cấp dịch vụ phi hàng không tại các cảng hàng không phải đầu tư, trang bị thêm các thiết bị phục vụ tốt hơn cho các hãng hàng không.

Sẽ giảm chậm, hủy chuyến

Theo phân tích của ông Võ Huy Cường, hiện các hãng xây dựng thời gian thực hiện chuyến bay (cả khâu phục vụ, chuẩn bị) từ Nội Bài đến Tân Sơn Nhất là 2 giờ 5 phút nhưng thời gian từ khi rút chèn lăn ra đường băng mất 14 phút, giờ cao điểm mất 20-30 phút nên không đảm bảo đúng như thời gian đã xây dựng, làm chậm chuyến dây chuyền. “Các hãng, cơ quan quản lý cần tính toán thời gian đi, đến của từng chuyến bay phù hợp, giảm tỉ lệ chậm hủy chuyến do chuẩn bị không kịp thời gian quay đầu hoặc gặp các yếu tố ngoài mong muốn. Chúng tôi không ép các hãng về thời gian nhưng các hãng cần tính toán phù hợp để vừa đảm bảo hiệu quả kinh doanh vừa giảm chậm hủy chuyến” - ông Cường nói.

Theo ông Cường, Cục Hàng không sẽ công bố lý do chậm hủy chuyến để công chúng quyết định nên đi hãng nào tùy theo quỹ thời gian của mình. Việc công bố cũng là sức ép để các hãng so mình với nhau nhằm hoạt động tốt hơn.

Liên quan đến chuyện quá tải của sân bay, ông Đặng Tuấn Tú - giám đốc Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất - cho biết sân bay hiện nay có 47 chỗ đỗ nhưng chỉ khai thác 38 chỗ, còn lại dành cho trường hợp khẩn nguy và đậu máy bay qua đêm. Giờ cao điểm, Tân Sơn Nhất phục vụ được 29 chuyến bay/giờ nhưng thực tế đã lên 33 chuyến/giờ nên có tình trạng máy bay phải chờ sân đỗ, đường lăn. Cảng hàng không Tân Sơn Nhất có công suất tối đa 20 triệu khách/năm nhưng đến năm 2013 đã vượt con số này khiến hạ tầng quá tải gây ùn ứ khách làm thủ tục. Nhưng việc cải tạo lớn sẽ làm ảnh hưởng hoạt động sân bay đang quá tải nên phải cải tạo từng phần.

Tuy nhiên theo ông Cường, từ ngày 13-7 Cục Hàng không mới triển khai thu thập và tiếp tục thống kê nên chưa đủ cơ sở đánh giá cụ thể về các nhóm nguyên nhân dẫn đến việc chậm, hủy chuyến. Hơn nữa, thông tin chậm hủy chuyến của các hãng báo cho cảng vụ còn hạn chế nên đến ngày 14-7 các bên mới thống nhất với nhau các nội dung khai báo, đánh giá. Theo ông Cường, cục sẽ xác định, đánh giá cụ thể hơn các nhóm nguyên nhân cơ bản để công bố đầy đủ, khách quan nên chưa thể đưa ra kết luận nguyên nhân chi tiết hơn. “Việc hạn chế tình trạng chậm, hủy chuyến không chỉ vì sức ép của hành khách mà còn nhằm nâng chất lượng dịch vụ hàng không cũng như sự phát triển của các hãng” - ông Cường nói.

Tuổi Trẻ (16/7/2014): Sẽ công khai lý do chậm, hủy chuyến bay - 2
Hành khách vật vạ chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: Hữu Khoa

Thêm đơn vị cung cấp dịch vụ, giảm độc quyền

Tại buổi kiểm tra ở Cảng hàng không Nội Bài, ông Cường yêu cầu Xí nghiệp thương mại mặt đất Nội Bài (NIGAS thuộc Vietnam Airlines - VNA) và Tổng công ty Cảng hàng không VN (ACV) bổ sung xe thang, thiết bị để phục vụ tốt hơn cho các hãng. Ngoài ra, Cục Hàng không cũng yêu cầu ACV nghiên cứu thành lập đơn vị phục vụ thứ hai ở các sân bay trên vừa để tăng năng lực khai thác, vừa chống độc quyền khi chỉ có một nhà cung cấp dịch vụ như hiện nay. Đề án này cần thời gian xây dựng, đấu thầu phương tiện, đào tạo nhân lực, cấp chứng chỉ để triển khai.

Ông Vũ Phạm Nguyên Tùng - giám đốc phát triển của Hãng VietJet Air (VJA) - cho biết để tự phục vụ được cần phải đầu tư gần 20 loại xe và thiết bị các loại cùng với đội ngũ nhân lực, nhưng với 5-7 máy bay hoạt động thì thuê dịch vụ của VNA và ACV sẽ hiệu quả hơn. Khi số lượng máy bay tăng lên 15 chiếc, VJA sẽ xin phép được tự phục vụ, bởi các đơn vị cung cấp dịch vụ không đáp ứng được do thiếu phương tiện. Tuy nhiên theo ông Tùng, việc tìm một địa điểm khoảng 3.000m2 ở sân bay để tập kết phương tiện là bài toán khó trong bối cảnh các sân bay thiếu chỗ đậu, nhất là ở Tân Sơn Nhất.

Để giải quyết chỗ đậu máy bay, đường lăn còn thiếu ở Tân Sơn Nhất, ông Cường cho biết Cục Hàng không sẽ làm việc với Bộ Quốc phòng để phối hợp mở thêm đường lăn và sân đỗ trong khu vực quân sự ở Tân Sơn Nhất, đồng thời đề nghị cho phép sử dụng khu vực quân sự lúc cao điểm. Bên cạnh đó Cục Hàng không cũng căn cứ vào hạ tầng các sân bay để cho phép các loại máy bay khác nhau có thể cất cánh ở những giao điểm của đường băng mà vẫn đảm bảo quãng đường chạy đà cất cánh thay vì tập trung các máy bay ở cuối đường băng.

Ngán ngẩm với hủy, dời chuyến bay

Mặc dù lãnh đạo nhiều hãng hàng không tuyên bố không có chuyện hủy chuyến, dồn chuyến nhưng nhiều hành khách trên các chuyến bay phản ảnh thực trạng này diễn ra như cơm bữa làm nhiều người ngán ngẩm.

Khách: trễ bị phạt, hãng trễ - hủy: thông cảm

Ngày 15-7, ông Nguyễn Đức Hùng gọi vào đường dây nóng báo Tuổi Trẻ phản ảnh chuyến bay của ông với Hãng Jetstar đi từ Đà Nẵng về TP.HCM khởi hành lúc 16g bị đổi thành 18g40 cùng ngày, nhưng chỉ nhận được thông báo cách vài giờ trước khi bay. “Tôi đã trả khách sạn, dọn đồ ra sân bay ngồi vật vờ chờ đợi” - ông Hùng nói.

Anh Nguyễn Lê Thanh Bình - một hành khách Hãng Vietjet Air  - cũng cho biết cả hai chuyến đi và về của anh đã bị hoãn tới năm lần. Thay vì nhận được giải thích, xin lỗi thì anh Bình cũng như nhiều hành khách khác nhận lấy sự bực dọc bởi cách phục vụ của hãng này. Ngày 4-7, anh Bình mua vé đi Vinh, giờ bay là 10g10. Nhưng khi ra sân bay, anh Bình được thông báo chuyến bay trễ, đến 12g10 mới cất cánh. Gần tới giờ bay, nhân viên lại thông báo chuyến bay tiếp tục dời đến 14g10 rồi đến 16g30 nhưng mãi đến hơn 17g máy bay mới cất cánh.

“Trước áp lực của nhiều hành khách, hãng hàng không này cũng cho nhân viên xin lỗi rồi dồn khách lên xe buýt đưa ra tận máy bay, chờ chừng 15 phút, họ lại đưa vào khu vực chờ để kéo dài thời gian càng khiến hành khách thêm bực dọc” - anh Bình kể. Mặc dù chuyến bay liên tục hoãn nhưng khi một hành khách nữ đến làm thủ tục trễ năm phút thì bị phạt tới 450.000 đồng. “Hành khách này cũng bức xúc la lối nhưng nhân viên của hãng cho biết đây là quy định nên phải làm theo. Vì sao khách hàng trễ năm phút bị phạt, còn hãng hàng không trễ hàng giờ chỉ với một lời xin lỗi suông? Đây là cách giải quyết không sòng phẳng” - anh Bình bức xúc. Chưa hết, ngày 13-7, anh Bình tiếp tục vật vờ ở sân bay Vinh hơn bốn giờ khi máy bay của hãng này tiếp tục dời từ 12g30 đến 16g30.

Vé từ Hải Phòng, lên Hà Nội đón máy bay

Đó là trường hợp xảy ra với Hãng Jetstar khiến nhiều khách hàng một phen lao đao. Ông Nguyễn Văn Hiệp bức xúc: con gái ông tên Nguyễn Hồng Như Trân mua vé máy bay của hãng này đi từ Hải Phòng vào TP.HCM. Chuyến bay BL511/HPGN khởi hành lúc 9g ngày 13-7. Tuy nhiên trước đó một ngày, con gái ông Hiệp nhận được tin nhắn của Hãng Jetstar rằng chuyến bay trên bị hủy và thay bằng chuyến bay khác khởi hành từ Hà Nội. Không còn chọn lựa nào khác, chị Trân phải thu dọn đồ đạc, đón xe lên Hà Nội từ tờ mờ sáng cho kịp chuyến bay. “Mãi đến khi con gái tôi về, họ mới gọi xin lỗi và hứa sẽ hoàn lại chi phí 400.000 đồng nhưng cũng chẳng nói đến đâu để lấy” - ông Hiệp cho biết.

Chị Trần Thị Thanh Nguyên (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) kể ngày 30-6, gia đình chị (10 người) mua vé của Hãng Vietnam Airlines đi Thanh Hóa. Chuyến bay dự kiến khởi hành lúc 13g30. Đến hơn 15g chưa nghe thông báo mời khách ra máy bay, người nhà chị Nguyên đến hỏi nhân viên sân bay thì được thông báo: Thanh Hóa đang mưa to, máy bay không hạ cánh được nên chuyến bay bị hủy. Nhân viên này gợi ý hành khách mua vé về Vinh rồi đón xe về Thanh Hóa. “Do về quê có việc gấp, cả gia đình chạy xuống lấy hành lý rồi đến quầy vé của Vietnam Airlines mua vé đi Vinh thì nhân viên ở đây cho biết đã hết vé. Bức xúc, gia đình tôi hỏi vì sao nhân viên mới thông báo còn vé xuống đây bảo hết? Nhân viên này trả lời đó là việc bình thường, rồi tiếp tục gợi ý đổi vé đi Hà Nội, từ Hà Nội lại bắt xe đi Thanh Hóa” - chị Nguyên cho biết. Trong chuyến hành trình kéo dài thêm một ngày, tốn thêm hơn 2,5 triệu đồng nhưng gia đình chị Nguyên không được hỗ trợ gì từ Vietnam Airlines.

L.N. - T.PHÙNG

Đọc thêm tại link: http://tuoitre.vn/Ban-doc/618096/tuoi-tre-16-7-se-cong-khai-ly-do-cham-huy-chuyen-bay.html

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT