TP.HCM xúc tiến kích hoạt gói hỗ trợ lần 2 cho doanh nghiệp

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Các sở ban ngành, TP Thủ Đức và quận, huyện tại TPHCM đang gấp rút rà soát tình hình doanh nghiệp, người lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19. Trên cơ sở đó, TPHCM tính toán các giải pháp tháo gỡ, chủ động hỗ trợ kịp thời theo gói hỗ trợ của TPHCM (gói hỗ trợ lần 2).

Cần khẩn trương tiếp sức

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, công việc phiên dịch tự do của chị Nguyễn Trà Mi (ngụ quận 3, TPHCM) trở nên bấp bênh. Chị Mi cho biết, việc làm của chị phụ thuộc vào các hội chợ xúc tiến thương mại. Do dịch bệnh, hầu hết hội chợ buộc phải hủy khiến thu nhập giảm sút.

Trong lúc khó khăn, chị Mi kiếm được việc làm mới tại một trung tâm thẩm mỹ. Làm chưa được bao lâu, chị Mi tiếp tục nghỉ việc ở nhà vì TPHCM thực hiện giãn cách xã hội. Đây cũng là tình cảnh chung của nhiều người lao động (NLĐ) trên địa bàn TPHCM trước sự bùng phát trở lại của dịch bệnh.

TP.HCM xúc tiến kích hoạt gói hỗ trợ lần 2 cho doanh nghiệp - 1

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp (DN) chưa kịp hồi phục sau một năm chịu nhiều thiệt hại bởi các đợt dịch Covid-19 trong năm 2020, bước sang những tháng đầu năm 2021 tiếp tục phải gắng gượng.

Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị - Truyền thông của Công ty cổ phần Lữ hành Fiditour - Vietluxtour, chia sẻ, khó khăn lớn nhất vẫn là tình hình giảm doanh thu. Các cổ đông của công ty đang phải cùng chia sẻ, chấp nhận giảm thu nhập để có thể bám trụ với nghề.

Với NLĐ, công ty tạo điều kiện để nhân viên có thể vừa làm việc tại công ty, vừa làm thêm công việc khác phù hợp với sở trường và năng lực của mình, nhằm tạm duy trì cuộc sống, chờ tình hình ổn định hơn.

Giai đoạn này, các DN và NLĐ đều chủ động xoay xở để vượt qua khó khăn, đồng thời mong muốn Trung ương và TPHCM tiếp tục có chính sách hỗ trợ thiết thực. Là “người trong cuộc”, các DN có những “đặt hàng” cụ thể đối với gói hỗ trợ lần 2 của TPHCM.

Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM đã hướng dẫn việc chi hỗ trợ khẩn cấp đến NLĐ trên địa bàn TPHCM. Theo đó, khi đoàn viên, NLĐ thu nhập dưới 5 triệu đồng, nữ đoàn viên đang mang thai hoặc nuôi con dưới 6 tuổi, bị bệnh hiểm nghèo, đang nằm viện hoặc bị tai nạn lao động trong thời kỳ cách ly, là thu nhập chính trong gia đình phải nuôi dưỡng cha/mẹ/vợ/chồng/con không có thu nhập sẽ được nhận hỗ trợ.

Bên cạnh đó, NLĐ phải ngừng việc do thu hẹp sản xuất, do nơi làm việc bị phong tỏa, cách ly do dịch Covid-19; NLĐ nghỉ việc, mất việc mà không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp; NLĐ có cha/mẹ/vợ/chồng/con cùng phải cách ly y tế tại nhà hoặc một người là F0, F1 sẽ thuộc diện đặc biệt được chăm lo. Mức hỗ trợ tối đa mỗi trường hợp từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng.

Ngoài ra, LĐLĐ TPHCM cũng triển khai phương án chăm lo NLĐ làm việc tại DN mà khu nhà trọ thuộc diện cách ly với mức hỗ trợ mỗi trường hợp là 25.000 đồng/ngày và không quá 500.000 đồng/đợt cách ly.

Tính đến ngày 5-6, LĐLĐ TPHCM đã trao quà chăm lo đến NLĐ bị cách ly, chi hỗ trợ 101 trường hợp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19… với tổng số tiền hơn 735 triệu đồng.

Bà Trần Thanh Mai, Phó Giám đốc Công ty TNHH Nội thất Vĩnh Phát (huyện Bình Chánh) cho hay, DN vẫn có nhiều đơn hàng để làm vì các công ty đối tác ở các nước đã hoạt động trở lại, nhưng lại gặp khó khăn về vốn lưu động do vật tư, nguyên vật liệu tăng giá và trả lương cho NLĐ.

“Tôi đang kỳ vọng vào gói hỗ trợ lần 2 của TPHCM được triển khai nhanh, đơn giản thủ tục để DN, nhất là các DN nhỏ và vừa như công ty tôi có thể tiếp cận thuận lợi”, bà Mai mong mỏi.

Là DN mới khởi nghiệp, bà Nguyễn Thị Hậu, chủ chuỗi Dưỡng sinh Đông y Hegol, bày tỏ, DN vừa hoạt động ổn, bắt đầu có lợi nhuận thì dịch bệnh diễn biến phức tạp trở lại, nên DN khó khăn trong xoay vốn để chi trả tiền thuê nhà và tiền điện. “Nếu được giảm thuế, tôi nghĩ DN nào cũng có động lực vươn lên, vượt qua khó khăn”, bà Hậu đề xuất.

Tránh phân tán nguồn lực hỗ trợ

Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Minh Tấn cho biết, ước tính TPHCM có khoảng 40.000 NLĐ bị mất việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 trong thời điểm hiện nay. TP Thủ Đức, 21 quận, huyện đang thống kê cụ thể tình hình DN và NLĐ bị ảnh hưởng để kích hoạt gói hỗ trợ lần 2 một cách phù hợp.

Theo bà Thái Thị Hồng Nga, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, trên tinh thần hỗ trợ tối đa người dân tại các khu cách ly, nhất là các hộ có hoàn cảnh khó khăn, quận đã chỉ đạo các phường rà soát để không bỏ sót người dân nào cần trợ giúp.

Bên cạnh gói hỗ trợ theo quy định, quận Bình Thạnh đã vận động từ các nhà hảo tâm thêm 1 tỷ đồng để chăm lo các hộ dân khó khăn, ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

TP.HCM xúc tiến kích hoạt gói hỗ trợ lần 2 cho doanh nghiệp - 2

Tổ chức công đoàn TPHCM chuẩn bị quà và trao đến người lao động bị cách ly trên địa bàn quận Gò Vấp. Ảnh: Thái Phương.

Tại các khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM, ông Nguyễn Thái Thành, Phó Chủ tịch Công đoàn Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM (HEPZA), cho hay, công đoàn đang phối hợp các ngành chức năng để thống kê số lượng NLĐ thuộc diện được hỗ trợ khẩn cấp.

Trước mắt, công đoàn HEPZA đã  trao hỗ trợ 80 triệu đồng cùng các nhu yếu phẩm trị giá 125 triệu đồng đến 777 công nhân Công ty cổ phần Thiết bị nhà bếp Vina (Khu công nghiệp Tân Bình, TPHCM) đang cách ly tại công ty.

Tại quận 11, các phòng ban chuyên môn và 16 phường, Hội DN quận đang gấp rút rà soát, thống kê những khó khăn, vướng mắc của DN, hộ kinh doanh.

Bà Trần Thị Bích Trâm, Phó Chủ tịch UBND quận 11, đề nghị, chính sách hỗ trợ sắp tới cần tập trung trợ giúp, khuyến khích đầu tư nhằm vào những đối tượng, khu vực đang tạo nên dư địa tăng trưởng mới cho nền kinh tế, thay vì hỗ trợ chung chung cho tất cả đối tượng, sẽ khiến nguồn lực bị phân tán, dàn trải, kém hiệu quả.

Các lĩnh vực được lựa chọn khuyến khích hỗ trợ, đầu tư nên là chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, những mô hình kinh doanh mới. Cùng với đó, phải quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho DN, tháo gỡ các nút thắt trong thủ tục đầu tư để DN nắm bắt cơ hội kinh doanh.

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ cũng tập trung giảm thuế đối với đối tượng cho thuê nhà, từ đó, người cho thuê có thể giảm giá hỗ trợ người thuê nhà.

Ông NGUYỄN ĐẶNG HIẾN, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Tân Quang Minh: Đề xuất miễn, giảm, giãn thuế và lãi suất cho vay

Công ty tôi hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các mặt hàng thiết yếu. Từ đầu tháng 6-2021 đến nay, nhiều điểm bán lẻ tại TPHCM đóng cửa không tiếp nhân viên tiếp thị, nhân viên bán hàng nên lượng hàng hóa bán ra dự kiến tiếp tục giảm. Trong giai đoạn khó khăn, Nhà nước cần có biện pháp miễn, giảm, giãn thuế thu nhập DN; dựa trên yếu tố doanh thu, căn cứ ngành nghề bị tác động mạnh của dịch Covid-19 để có chính sách hỗ trợ phù hợp và đảm bảo sự công bằng giữa các DN.

Cùng với đó, Nhà nước xem xét việc giãn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH); giảm mức đóng thuế VAT trong một khoảng thời gian nhất định cho DN. Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng cần có khung lãi suất huy động giảm dần, từ đó giảm dần lãi suất cho vay đối với DN. Bởi vì, dòng tiền là sự sống còn của DN trong giai đoạn dịch bệnh

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

PV (SGGP)

CLIP HOT