TP.HCM tìm hướng đẩy mạnh du lịch sông nước khi sở hữu gần 1.000 km đường thủy

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Dù nhiều tiềm năng, nhưng sản phẩm du lịch đường thủy của TP.HCM còn hạn chế so với các tỉnh cùng tiềm năng. Trong 11 tháng năm 2022, TP đón 27,9 triệu khách nội địa, nhưng chỉ 342.800 lượt khách trải nghiệm các sản phẩm đường thủy.

TP.HCM có lợi thế với 4 tuyến sông chính, là Sài Gòn, Đồng Nai, Lòng Tàu và Soài Rạp chảy qua, tạo ra mạng lưới đường thủy liên kết với các tỉnh Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu... Do đó, TP vừa có thể khai thác giao thông đường thủy, vừa có nhiều tiềm năng phát triển du lịch đường thủy nội địa.

TP.HCM tìm hướng đẩy mạnh du lịch sông nước khi sở hữu gần 1.000 km đường thủy - 1

Thành phố có 101 tuyến đường thủy với tổng chiều dài là 913 km, nhưng sản phẩm du lịch đường thủy nội địa của TP thất thế so với nhiều tỉnh thành. Ảnh: Klook 

Tại Hội thảo Phát triển vận tải hành khách, kết hợp du lịch đường thủy trên địa bàn TP.HCM ngày 14/12, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, cho biết thành phố có 101 tuyến đường thủy với tổng chiều dài là 913 km, tương đương 50% mạng lưới đường bộ, nên có nhiều thuận lợi để phát triển du lịch đường thủy.

Các tuyến này nằm ngay trung tâm thành phố, thuận lợi cho tàu khách quốc tế với lượng khách du lịch lớn có thể vào ngay trung tâm tại khu vực cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, bến Bạch Đằng. Thành phố cũng có nhiều điểm đến để tham quan, du lịch bằng đường thủy, từ trung tâm đến vùng ven như Củ Chi, Cần Giờ…

Tuy nhiên, các chuyên gia nhìn nhận, sản phẩm du lịch bằng đường thủy của TP.HCM còn hạn chế so với các địa phương có cùng tiềm năng. Trong 11 tháng năm 2022, TP đón 27,9 triệu khách nội địa, nhưng chỉ có 342.800 lượt khách du lịch trải nghiệm các sản phẩm đường thủy.

PGS.TS. Vũ Anh Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức (Trường Đại học Việt Đức), cho rằng TP.HCM có thế mạnh là mạng lưới đường thủy dày đặc cùng với bề dày văn hóa lịch sử lâu đời, có thể thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, hiện ngân sách đầu tư cho đường thủy chỉ chiếm 5% so với đường bộ.

Ông nói TP.HCM cần nghiên cứu quy hoạch tổng thể, tháo gỡ nhiều vướng mắc, như quy hoạch bến thủy, tạo cơ chế thu hút đầu tư.

TP.HCM tìm hướng đẩy mạnh du lịch sông nước khi sở hữu gần 1.000 km đường thủy - 2

Sở Du lịch đang xây dựng Kế hoạch phát triển du lịch đường thuỷ giai đoạn 2022 – 2025, mục tiêu đến năm 2025, du lịch đường thủy được khai thác trên tất cả các tuyến sông Sài Gòn, với ít nhất là 10 chương trình du lịch đường thủy. Ảnh: Lao động

Muốn vậy trước hết phải khảo sát đánh giá thị trường, dựa trên nhu cầu thực tế… để có thể mở đường ven sông, mở phố đi bộ dọc sông, đường riêng cho xe đạp...làm sao kết nối với buýt đường sông và tạo không gian công cộng cho người dân thưởng thức. Ông lưu ý TP cần phát huy tối đa vai trò của tuyến buýt đường sông hiện hữu trên sông Sài Gòn, phát triển hình thức cano du lịch hoặc taxi đường sông trên các tuyến tiềm năng.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường khẳng định, TPHCM rất tâm huyết phát triển vận tải hành khách kết hợp du lịch thủy nội địa, liên tỉnh trong thời gian tới. Tuy nhiên, vận tải hành khách công cộng đường thủy hoặc du lịch đường thủy phát triển phải đặt trong tổng thể. TP còn nhiều vấn đề phải làm để du lịch đường thủy phát triển.

Thời gian tới Sở Giao thông vận tải, Sở Du lịch cần tổng hợp lại toàn bộ đề xuất của chuyên gia, doanh nghiệp báo cáo UBND TPHCM. Từ đó, đặt ra những nhiệm vụ cụ thể để khai thác hiệu quả vận tải thủy, du lịch thủy.

Trước mắt rà soát, đánh giá và ưu tiên các công việc quan trọng, mang tính đột phá để làm trước. Các đơn vị cần nghiên cứu để có cơ chế, chính sách triển khai các sản phẩm du lịch mới, như các môn thể thao trên sông, cũng như tạo thuận lợi về trình tự thủ tục đầu tư phương tiện, trang thiết bị… cho doanh nghiệp.

TP.HCM tìm hướng đẩy mạnh du lịch sông nước khi sở hữu gần 1.000 km đường thủy - 3

Tour tham quan địa đạo Củ Chi nửa ngày bằng tàu khiến nhiều khách hào hứng. Ảnh: 

Đồng thời thực hiện nhanh các dự án đang đầu tư, ưu tiên triển khai nâng tĩnh không các cây cầu trên các tuyến nhằm tạo thuận lợi cho tàu thuyền du lịch.

Hiện Sở Du lịch đang xây dựng Kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thuỷ giai đoạn 2022 – 2025 trình UBND Thành phố; trong đó, mục tiêu đến năm 2025, sản phẩm du lịch đường thủy được khai thác trên tất cả các tuyến sông Sài Gòn (Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu), liên kết Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Bến Tre và các tuyến kênh nội đô với ít nhất là 10 chương trình du lịch đường thủy.

Ông Nguyễn Hải Nam, Giám đốc Cảng vụ hàng hải TP.HCM, kiến nghị sớm xây cảng khách quốc tế chuyên dụng ở Cần Giờ, để phát triển giao thông đường thuỷ, thu hút khách du lịch.

Theo ông Nam, vài năm gần đây, tàu khách quốc tế cỡ lớn đến TP.HCM tăng, song không vào được nội đô, vì vướng tĩnh không cầu Phú Mỹ. Điều này khiến các tàu phải cập tạm ở cảng hàng hóa bên ngoài, gặp nhiều khó khăn khi phục vụ khách.

Ông cho rằng thành phố nên sớm xây cảng hành khách quốc tế chuyên dụng ở huyện Cần Giờ như quy hoạch. Nơi này nhiều tiềm năng, lợi thế về giao thông đường thuỷ cũng như du lịch, nên khi xây cảng sẽ hình thành đầu mối lớn, không chỉ giúp TP.HCM mà cả khu vực phát triển.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

H.Lâm

CLIP HOT