TP.HCM họp báo hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Chỉ thị 16

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Tối 8/7, UBND TP.HCM tổ chức họp báo để cung cấp thông tin về triển khai thực hiện Chỉ thị 16 tại TP.HCM và kỳ thi tốt nghiệp THPT. 

Tại cuộc họp, lãnh đạo UBND TP cũng như các sở, ngành liên quan giải đáp nhiều thông tin liên quan đến các vấn đề dân sinh mà người dân quan tâm sau khi có quyết định giãn cách xã hội toàn TP.HCM theo chỉ thị 16.

Trong đó, người dân quan tâm nhiều đến vấn đề như việc tạm ngưng các hoạt động kinh doanh ăn uống mang về, dịch vụ giao hàng, việc cung ứng hàng hóa thiết yếu, giải quyết hồ sơ của người dân, điều kiện ra vào thành phố...

Cửa hàng tạp hóa bán hàng thiết yếu được hoạt động

Tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức nhấn mạnh nguyên tắc của lần áp dụng này là gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố - tổ nhân dân cách ly với tổ dân phố - tổ nhân dân, khu phố - ấp cách ly với khu phố - ấp, xã - phường - thị trấn cách ly với xã - phường - thị trấn, quận - huyện và thành phố Thủ Đức cách ly với quận - huyện và thành phố Thủ Đức.

"Mục đích chính là tận dụng thời gian giãn cách xã hội để siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch nhằm đạt kết quả cao nhất", ông Đức cho hay. 

Ông Đức cho biết tinh thần là ngưng tất cả hoạt động không cần thiết. Cơ quan Nhà nước dừng cuộc họp không cần thiết, chỉ nhận hồ sơ trực tuyến, trừ trường hợp đặc biệt thì thủ trưởng cơ quan công bố cho người dân.

TP.HCM họp báo hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Chỉ thị 16 - 1

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức

Thành phố vẫn tiếp tục cho phép siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng cung cấp dịch vụ thiết yếu hoạt động để đảm bảo duy trì, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cấp thiết của người dân.

Phó chủ tịch khẳng định thành phố đã tính toán để đảm bảo duy trì các nguồn cung ứng. Chợ truyền thống đảm bảo an toàn vẫn được duy trì để đảm bảo cung cấp nhu cầu thiết yếu của người dân.

Trao đổi về câu hỏi về shipper có được hoạt động, ông Dương Anh Đức cho biết, các dịch vụ vận chuyển bằng xe mô tô, vận chuyển hàng hóa không chở người vẫn duy trì.

Theo ông Đức, trước đây, trong chỉ thị 10, thành phố đã cấm buôn bán tại chỗ, trong đợt giãn cách này sẽ cấm luôn việc bán mang về.

Phó chủ tịch Dương Anh Đức nói thành phố đang ở một giai đoạn khó khăn mà mỗi người phải hy sinh một chút. "Không có quyết định nào toàn vẹn. Ra quyết định này lãnh đạo thành phố rất cân nhắc", ông chia sẻ.

"Mong mỏi sự chia sẻ vì mỗi loại hình hoạt động phải dừng là vấn đề rất đắn đo, cân nhắc của lãnh đạo thành phố. Thành phố thời gian vừa qua đã nhận cái khó về mình. Cân nhắc từng bước, hoạt động nguy cơ cao thì mới siết chặt và đến lúc này, cần những biện pháp thực sự quyết liệt và rất mong có sự chia sẻ, đồng cảm, ủng hộ của người dân", ông Đức nói.

Phó chủ tịch nhận định những việc trước đây tiện lợi thì cố gắng làm cách khác thay thế. "Ví dụ, tôi cố gắng tự nấu, nếu không thì tôi cũng tự nấu mì ăn liền. Thực tế thời gian qua tôi ăn rất nhiều loại mì khác nhau. Mỗi người hy sinh thói quen của mình một chút thì tình hình sẽ được cải thiện. Đây không chỉ là mong muốn của cá nhân tôi mà của cả đồng bào", ông Đức nói.

Không lý giải được lý do chắc chắn, người dân không được ra đường

Về việc di chuyển ra vào thành phố, ông Đức cho biết khi áp dụng Chỉ thị 16 thì người dân chỉ được ra đường để giải quyết nhu cầu cấp thiết, giãn cách nhà với nhà, phường với phường.

“Nếu người dân không lý giải được việc di chuyển thì chắc chắn là không được phép. Và di chuyển từ TP.HCM sang tỉnh khác cũng có quy định đã nói rõ. Ví dụ người từ TP.HCM sang tỉnh khác sẽ bị cách ly 7 ngày”, ông Đức thông tin.

Về giao thông, thành phố sẽ hạn chế giao lưu không cần thiết trên đường nhưng vẫn phải duy trì, đảm bảo lưu thông hàng hóa, đảm bảo cung ứng dịch vụ thiết yếu như vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, lương thực thực phẩm...

TP.HCM họp báo hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Chỉ thị 16 - 2

TPHCM tạo “luồng xanh” cho phương tiện vận chuyển hàng hóa và chuyên gia trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16. Ảnh: Trung tâm y tế Quận 7

TP.HCM rất nỗ lực thống nhất với các tỉnh về quy trình để hạn chế việc ách tắc giao thông, hạn chế lưu thông hàng hóa và duy trì được việc phục vụ hoạt động thiết yếu. Chẳng hạn, thành phố thỏa thuận được đội xe để duy trì hoạt động cung ứng cho thành phố, chuyên chở hàng hóa thực phẩm phải vận chuyển từ Đà Lạt và miền Tây vào TP.HCM. 

Bên cạnh đó, Sở Y tế và các sở ngành liên quan phải tập trung chuẩn bị cơ sở chữa bệnh, cơ sở cách ly phải đảm bảo dự phòng trong tình huống diễn biến xấu. Cụ thể, ông Đức cho biết ngành y tế phải nâng quy mô để dự phòng trong trường hợp có đến 1.000 bệnh nhân nặng. UBND TP.HCM giao Sở Y tế thực hiện tiêm vaccine cho người dân an toàn và đúng tiến độ vì một trong những mục tiêu của thành phố là cố gắng đạt miễn dịch cộng đồng.

Người dân bình tĩnh mua sắm sẽ không bao giờ thiếu hàng

Về hàng hóa tại TP.HCM, Phó giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Nguyên Phương cho biết 148/234 chợ truyền thống, 3 chợ đầu mối phải tạm đóng cửa. Bên cạnh đó, một lực lượng lớn lao động phải tạm ngưng hoạt động do phải cách ly tập trung hoặc theo dõi sức khỏe ở nhà.

"Rõ ràng, dù lượng hàng hóa dự trữ tăng gấp 2-3 lần, đảm bảo nguồn cung đầy đủ nhưng hệ thống phân phối đang bị giảm sút rất nhiều thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng", ông Phương nói. Bên cạnh đó, khi có thông tin áp dụng Chỉ thị 16, người dân có tâm lý muốn dự trữ hàng hóa nên tập trung mua sắm rất nhiều.

"Với hệ thống phân phối đang khó khăn, đặc biệt là hàng hóa từ các địa phương về TP.HCM. Các địa phương áp dụng rất nhiều biện pháp kiểm soát như cách ly các thương lái đưa hàng hóa đi các tỉnh (7 ngày hoặc 14 ngày), có nơi yêu cầu xét nghiệm nhanh, có nơi yêu cầu xét nghiệm PCR", ông nói.

Có xét nghiệm nhanh có hiệu lực 3 ngày, tài xế đưa hàng chỉ chậm trễ chút thời gian là mất hiệu lực 3 ngày xét nghiệm và bị kẹt lại. Trong khi đó, người dân đổ xô đi mua sắm để dự trữ hàng hóa.

"Cầu tăng đột biến, vượt quá năng lực cung ứng thì giá hàng hóa tăng là đương nhiên", ông nói. Ngoài ra, ông Phương cho hay thêm chi phí về xét nghiệm khiến giá hàng hóa tăng cao. Sở Công Thương cho biết hệ thống phân phối tuy khó khăn nhưng đã nỗ lực rất lớn. 

"Nếu người dân đồng cảm, chia sẻ, bình tĩnh mua sắm thì chắc chắn không bao giờ thiếu hàng. Nhưng người dân có tâm lý thoải mái trong ngày cách ly nên dự trữ nhiều, dẫn đến tình trạng như vậy", ông Phương cho hay.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

PV

CLIP HOT