TP.HCM: Giãn cách xã hội nghiêm nhưng phải đảm đời sống người dân
Đó là chỉ thị Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo UBND TP.HCM sáng nay 30/7 về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố.
TP.HCM tập trung công tác điều trị nhưng phải song song với việc ngăn chặn sự lây lan của dịch. Phải tiếp tục thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội ở mức cao như hiện nay.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc với TPHCM
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Thành phố cần thực hiện nghiêm hơn nữa giãn cách xã hội. Cùng với đó, chính quyền TP phải lo bữa ăn cho nhân dân, đa dạng, linh hoạt các hình thức cung ứng.
Đây là thách thức rất lớn với một đô thị trên 10 triệu dân như TP.HCM để người dân thực hiện nghiêm cách ly y tế trong các khu vực phong tỏa dài ngày, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thành phố phải khẩn trương việc cấp thẻ cho những người giao hàng bằng xe máy, lái xe tắc xi và người hoạt động thiện nguyện để hỗ trợ cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân, đồng thời ưu tiên tổ chức tiêm vaccine cho những đối tượng này.
Bên cạnh đó,. Thành phố cũng phải tăng thêm số lượng xe cấp cứu để kịp thời không chỉ đưa bệnh nhân COVID-19 mà còn cả những người bị bệnh khác đến bệnh viện điều trị kịp thời, có như vậy mới giảm được số người tử vong.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong báo cáo: Trong 19 ngày thực hiện Chỉ thị 16, trung bình mỗi ngày Thành phố ghi nhận hơn 3.000 ca F0 mới, phần lớn tập trung tại các khu cách ly, phong tỏa.
Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, đến hôm nay TP đã trải qua 61 ngày phòng chống dịch Covid-19, trong đó, đã có 19 ngày Thành phố thực hiện giãn cách xã hội ở mức độ cao nhất.
TP.HCM đã điều trị khỏi gần 25.900 bệnh nhân, hiện đang điều trị hơn 36.000 bệnh nhân, trong đó có hơn 300 bệnh nhân đang thở máy và 8 bệnh nhân đang can thiệp ECMO. Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đã điều trị cho 381 bệnh nhân từ nặng, rất nặng sang nhẹ, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhận định.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp
Nhấn mạnh việc nâng cao công tác điều trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, không chỉ cần phải điều trị các bệnh nhân mắc Covid-19 mà còn cả với các bệnh khác. Vấn đề lớn nhất của TP.HCM là tập trung tài lực, nhân lực, vật lực cho điều trị; trong đó tầng 5 điều trị ca nặng cần chủ động không để thiếu máy thở, thiếu ô xy trong bệnh viện, quản lý chặt chẽ F1 và F0 không triệu chứng tại nhà.
Ngoài ra, Chủ tịch nước yêu cầu TP.HCM chỉ đạo, cần triển khai nhanh, nếu chậm là có lỗi với nhân dân, tận dụng thời gian giãn cách xã hội để đẩy nhanh tiêm chủng, đảm bảo an toàn; đồng thời đề nghị Bộ Y tế, Bộ KH-CN sớm cấp phép cho vaccine Nanocovax của Việt Nam đưa vào sử dụng.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ân cần gửi lời hỏi thăm đến nhân dân TP.HCM và 18 địa phương khác ở phía Nam đang vất vả chống chọi với đại dịch toàn cầu COVID-19. Chủ tịch nước cho rằng với đặc thù quy mô hơn 10 triệu dân như TP.HCM, việc chống dịch gặp rất nhiều khó khăn.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thị sát tại Bệnh viện dã chiến tỉnh Bình Dương
Tiếp theo, trong chuyến công tác tại vùng tâm dịch COVID-19 tại các tỉnh, thành phía Nam vào trưa cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến thị sát Bệnh viện dã chiến số 2 Bình Dương.
Bệnh viện dã chiến số 2 Bình Dương thuộc khuôn viên nhà xưởng logistic Cty CP phát triển công nghiệp BW thuộc KCN Thới Hòa, Thị xã Bến Cát.
Tổng diện tích khuôn viên bệnh viện dã chiến số 2 65.000m2, diện tích sàn xây dựng bệnh viện 41.000 m2, quy mô 5000 giường; trong đó 600 giường có gắn hệ thống máy trợ thở oxy. Mô hình vừa tầng 1 vừa tầng 2, điều trị bệnh nhân có triệu chứng từ nhẹ đến nặng, trang bị máy thở oxy, hệ thống quản trị số hoá khoa học.