Tạo điều kiện để nhà báo làm việc tốt hơn, cống hiến nhiều hơn
Sáng ngày 13/6, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm, làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2023).
Sau khi lắng nghe lãnh đạo các Bộ, Hội Nhà báo Việt Nam, một số cơ quan báo chí phát biểu, Thủ tướng đã có nhiều chia sẻ định hướng, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, thể hiện tinh thần đồng hành của Chính phủ với báo chí.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm, làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, báo chí là công cụ tuyên truyền trên mặt trận tư tưởng văn hóa của Đảng, là phương tiện thông tin thiết yếu, là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với đời sống xã hội.
"Xuyên suốt chiều dài lịch sử, báo chí, truyền thông luôn đồng hành cùng đất nước, đã có sự đóng góp lớn lao trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước. Nhiều nhà báo, phóng viên đã không quản ngại hiểm nguy, gian nan có mặt ở mặt trận để truyền tải thông tin từ chiến trường đến hậu phương, từ hậu phương đến chiến trường. Khi Tổ quốc cần, nhà báo sẵn sàng đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì, sẵn sàng hy sinh và nhiều người đã anh dũng hy sinh, để lại trong mỗi chúng ta biểu tượng về tinh thần trách nhiệm và tình yêu với quê hương, đất nước", Thủ tướng phát biểu. Đây là truyền thống vô giá của báo chí cách mạng Việt Nam, cần tiếp tục giữ gìn và phát huy.
Trong chiến tranh hay hòa bình, báo chí đều thể hiện vai trò quan trọng. Nhìn lại 2 năm trước, khi cả thế giới phải đối mặt với dịch COVID-19 với đầy khó khăn, thách thức, chúng ta càng thấy rõ vai trò của báo chí. Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của báo chí trong tuyên truyền, cổ vũ, kêu gọi, góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận, chia sẻ, đồng cảm trong nhân dân về các biện pháp chống dịch, tiêm chủng, đoàn kết, tương thân, tương ái trong lúc khó khăn… và nhất là chuyển trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, mở cửa trở lại, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hỏi thăm các nhà báo lão thành. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Báo chí cũng phản ánh những thành tựu, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân với tinh thần đoàn kết để Việt Nam đạt được những điểm sáng về tăng trưởng, phục hồi kinh tế sau dịch; nhân dân có niềm tin vào công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước. Báo chí đi tiên phong trong phản ánh chính sách mới, những bất cập chính sách, phát hiện những mô hình mới, kinh nghiệm hay, cách làm tốt, những tấm gương điển hình trong đời sống xã hội.
Cùng với đó, báo chí góp phần đề cao giá trị nhân văn, lòng nhân ái, vị tha, cuộc sống tinh thần, mục tiêu, lý tưởng, hoài bão, ước mơ. Nhiều bài báo xúc động, đầy tình người, làm lay động con tim, tạo được sự đồng cảm, chia sẻ, tạo động lực, truyền cảm hứng, mang lại niềm tin, sự giúp đỡ về vật chất và tinh thần đối với những mảnh đời éo le, những số phận bất hạnh, giúp họ tự tin vươn lên trong cuộc sống, làm cho xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.
Thủ tướng không chỉ nghe, chia sẻ các ý kiến mà sẽ suy nghĩ, hành động để làm được gì đó giúp nhà báo được làm việc tốt hơn, cống hiến nhiều hơn. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Theo Thủ tướng, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như các đồng chí đã chỉ ra, nhất là về mô hình tổ chức, công tác giám sát sinh hoạt của hội viên... Đặc biệt là những tồn tại, hạn chế như vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của một số cơ quan báo chí và người làm báo; tình trạng "báo hóa" tạp chí, trang tin điện tử tổng hợp; biểu hiện "tư nhân hóa báo chí"; phản ánh nhiều bạo lực, chạy theo thị trường, thiếu tính định hướng, thiếu tính giáo dục và nhân văn…
Thủ tướng chia sẻ với khó khăn, thách thức mà các cấp hội nhà báo, các cơ quan báo chí, truyền thông và những người làm báo trên cả nước đang phải đối mặt, nhất là 5 vấn đề mà các ý kiến tại cuộc làm việc đã nêu về kinh tế báo chí, biên chế, tài chính, cơ sở vật chất và cơ chế, chính sách với Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí.
Thủ tướng đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam đẩy mạnh hoạt động tập hợp lực lượng, xây dựng đội ngũ những người làm báo, chú trọng bồi dưỡng phẩm chất chính trị, tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho hội viên để "phụng sự Tổ quốc", "phụng sự nhân dân", "phụng sự giai cấp và nhân loại" như lời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn.
"Cùng nhau chung sức, đồng lòng xây dựng và phát triển đội ngũ người làm báo nhạy bén về chính trị, nhạy cảm về kinh tế, sâu sắc về khoa học và công nghệ, nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại, vì nhân dân phục vụ, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì lợi ích của nhân dân", Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, tạo lập không gian văn hóa trong hoạt động báo chí, qua đó giúp chấn chỉnh những "lệch chuẩn" về đạo đức nghề nghiệp, thúc đẩy giá trị nhân văn trong hoạt động báo chí. Bảo vệ lợi ích chính đáng của hội viên trong thực thi nhiệm vụ, đồng thời xử lý nghiêm những vi phạm, nhất là lợi dụng báo chí để đi ngược lại mục tiêu, lý tưởng của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Thủ tướng đề nghị tăng cường chất lượng tác phẩm báo chí, bảo đảm tính chiến đấu cao, giá trị nhân văn sâu sắc, tác động mạnh cả về lý trí và cảm xúc của công chúng, từ đó định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của nhân dân. Đẩy mạnh chuyển đổi số báo chí gắn với kinh tế số và kinh tế báo chí truyền thông, tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và công nghệ mới vào hoạt động báo chí, truyền thông.
Thủ tướng cũng đề nghị tăng cường bồi dưỡng chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cho phóng viên, nhà báo. Tập trung xây dựng tổ chức đảng trong cơ quan báo chí trong sạch, vững mạnh. Khắc phục tình trạng "báo hóa" tạp chí, biểu hiện "tư nhân hóa báo chí", chạy theo thị hiếu tầm thường.
Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm cùng các nhà báo lão thành. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng giao Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với các cơ quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định liên quan tới hoạt động báo chí như Nghị định 60 về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập, một số thông tư của các bộ. Bộ TT&TT tiếp tục rà soát, điều chỉnh quy hoạch báo chí hợp lý, hiệu quả; triển khai giải pháp bảo đảm hạ tầng số, đào tạo nhân lực, cơ sở vật chất cho cơ quan báo chí; hoàn thiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ với báo chí…
Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
"Đảng, Nhà nước đánh giá cao đóng góp quan trọng của báo chí cả nước, trong đó có Hội Nhà báo Việt Nam và luôn tạo điều kiện để báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam phát huy vai trò, vị thế, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao", Thủ tướng thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước chúc những người làm báo ngày càng có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng cao, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với sự tin tưởng và niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Nhằm tăng cường quảng bá du lịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo tổ chức nghiên cứu và xây dựng...