Sức ép giá nhiên liệu đè nặng các hãng bay
Đà phục hồi của ngành hàng không toàn cầu có nhiều tín hiệu tích cực sau đại dịch, nhưng giá nhiên liệu tăng cao khiến các hãng bị áp lực.
Sức ép từ giá nhiên liệu
Trên toàn cầu, lưu lượng hành khách trong tháng 7 đạt khoảng 75% so với mức trước đại dịch Covid-19. Tổng giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) Willie Walsh cho rằng, đây là “sự phục hồi vững chắc” nhờ nhu cầu đi lại cao ở Bắc bán cầu trong mùa hè và hoạt động di chuyển nội địa gia tăng tại Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Walsh cảnh báo giá nhiên liệu cao sẽ tiếp tục gây áp lực lên chi phí vận hành của các hãng hàng không trong những tháng còn lại của năm.
Giới chuyên gia cho rằng, dù còn nhiều khó khăn và chi phí nhiên liệu cao nhưng nhu cầu đi lại của mọi người tương đối tốt nên hứa hẹn triển vọng tăng trưởng của ngành hàng không vẫn "tích cực"
Cũng theo IATA, đầu tháng này, giá nhiên liệu cho máy bay cao hơn 50% so với giá dầu thô Brent. Như vậy, các hãng hàng không phải trả hơn 140 USD/thùng cho nhiên liệu ngay cả khi giá dầu toàn cầu giảm xuống còn 90 USD, gây sức ép lên tổng chi phí vận hành của ngành hàng không”.
Chia sẻ với tờ Financial Times, ông Willie Walsh cho biết: “Đây là mức giá mà tôi chưa từng thấy trước đây. Chúng tôi đã hi vọng mức chênh lệch giá lớn như vậy sẽ giảm khi nguồn cung nhiên liệu nhiều hơn, tuy nhiên nhu cầu đi lại đã tăng trưởng nhanh hơn đà hồi phục của nguồn cung nhiên liệu”.
Nguyên nhân của tình hình này phần nào đến từ tình hình căng thẳng Nga và Ukraine leo thang cũng như quan hệ căng thẳng giữa Moscow - phương Tây liên quan đến cuộc xung đột này.
Nga là một trong những nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới về các chế phẩm từ dầu thô, bao gồm nhiên liệu máy bay và dầu. Còn châu Âu là nhà nhập khẩu lớn các sản phẩm này. Do đó khi căng thẳng leo thang, thị trường năng lượng không tránh khỏi chao đảo. Tình hình năng lượng càng khó khăn hơn khi một số nhà máy lọc dầu ở châu Âu đóng cửa trong đại dịch.
Nguồn cung khan hiếm và giá tăng mạnh đã gây thêm áp lực lên bảng cân đối thu chi của các hãng hàng không vì nhiên liệu thường chiếm từ 20 - 25% chi phí hoạt động. United Airlines - một trong ba hãng hàng không lớn của Mỹ đã dự kiến hóa đơn nhiên liệu năm 2022 sẽ tăng thêm hơn 9 tỷ USD so với năm 2019.
Lo ngại giá vé tăng cao nhất trong 5 năm qua
Chia sẻ với tờ Financial Times, bà Chloe Lemarie, một nhà phân tích làm việc tại Ngân hàng đầu tư Jefferies cho biết, để phản ứng trước thực trạng giá nhiên liệu tăng, các hãng hàng không đã chuyển sang sử dụng các loại máy bay mới hơn và tiết kiệm nhiên liệu hơn, đồng thời chuyển các máy bay cũ về kho. Với cách làm này, các hãng có thể hạn chế mức tiêu hao nhiên liệu.
Bên cạnh đó, một số hãng hàng không cũng tự mua bảo hiểm để hạn chế thiệt hại khi nhiên liệu tăng giá. Cụ thể, hãng Ryanair đã mua bảo hiểm cho 80% nhu cầu nhiên liệu dự kiến đến tháng 3/2023 ở mức 65 USD/thùng, từ trước khi xung đột Nga – Ukraine diễn ra.
Nhiều chuyên gia cho rằng, biện pháp cuối cùng các hãng hàng không có thể sẽ thực hiện đó là tăng giá vé. Cả ông Walsh và Giám đốc điều hành Ryanair, Michael O’Leary đều cho rằng rốt cuộc, khi chi phí nhiên liệu cao, tất cả sẽ thể hiện ngay trong giá vé. Ông Michael O’Leary cũng cảnh báo rằng giá vé có thể sẽ còn tăng trong nhiều năm tới.
Đầu tuần này, nền tảng theo dõi giá vé Hopper cũng đã đưa ra phân tích mới cho biết giá vé các chuyến bay trong kỳ nghỉ lễ năm nay khả năng sẽ tăng lên mức cao nhất 5 năm qua.
Nhà kinh tế trưởng Hayley Berg của Hopper cho biết: “Các yếu tố quan trọng như giá nhiên liệu máy bay, số chuyến bay theo lịch ít hơn và nhu cầu du lịch bị dồn nén trong hai năm qua sẽ có tác động đẩy giá vé máy bay dịp Lễ Tạ ơn và Giáng sinh lên mức cao nhất trong 5 năm qua”.
Theo dữ liệu của Hooper, các chuyến bay nội địa nước Mỹ trong kỳ nghỉ Lễ Tạ ơn năm nay đang được bán với giá trung bình 350 USD/vé. Con số này đánh dấu mức tăng 43% so với giá trong kỳ nghỉ năm ngoái và tăng 22% so với mùa du lịch trước đại dịch năm 2019.
Tổng giám đốc Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA) Willie Walsh nhận định, dù giá vé tăng và việc di chuyển bằng đường hàng không có thể đối mặt với nhiều khó khăn nhưng nhu cầu đi lại tương đối cao, hứa hẹn triển vọng tăng trưởng của ngành hàng không vẫn “tích cực”. Số lượng vé máy bay bán ra đang có dấu hiệu lạc quan bất chấp tình hình kinh tế ngày càng bất ổn.