Sóc Trăng kêu gọi nhiều dự án liên quan đến du lịch, năng lượng tái tạo
Trong 39 dự án được tỉnh Sóc Trăng kêu gọi đầu tư, có sân golf 79 ha và nhiều khu công nghiệp kết hợp du lịch sinh thái.
Sáng 28/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng. Chiều và tối một ngày trước, Thủ tướng dẫn đầu đoàn công tác Chính phủ đi khảo sát khu vực xây dựng cảng biển Sóc Trăng và dự lễ kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh Sóc Trăng.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn cho biết 30 năm qua, trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng với sự lãnh đạo của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và tinh thần quyết tâm, đoàn kết, năng động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã vượt khó khăn, thực hiện nhiệm vụ chính trị và đạt được những thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.
Đạt kim ngạch xuất khẩu cao
Theo ông Lâm Văn Mẫn, kinh tế của tỉnh Sóc Trăng không ngừng phát triển, đời sống người dân nâng lên. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1993-2010 là 11,18%, giai đoạn 2011-2021 đạt 4,76%.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng cho rằng từ năm 2021 đến nay, đại dịch Covid-19, nhất là đợt dịch lần thứ 4, với biến chủng Delta diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và Sóc Trăng nói riêng.
Trước khi dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khảo sát khu vực xây dựng cảng biển tại địa phương này. Ảnh: Hàm Yên.
Trước tình hình đó, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân Sóc Trăng đã đoàn kết một lòng. Được sự quan tâm chỉ đạo của Trung ương, sự hỗ trợ của các tỉnh, thành bạn, sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trong thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, việc phòng, chống dịch của tỉnh đạt được kết quả tích cực, hạn chế thấp nhất tác động tiêu cực của dịch bệnh, duy trì tăng trưởng kinh tế hợp lý trong điều kiện có nhiều khó khăn, thách thức.
Giá trị xuất khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng của tỉnh Sóc Trăng trong năm 2021. Địa phương là một trong những tỉnh đứng đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với tổng kim ngạch đạt 1,29 tỷ USD; an sinh xã hội và an ninh, trật tự tiếp tục được bảo đảm, tạo niềm tin vững chắc cho các nhà đầu tư khi triển khai các dự án sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Thu hút đầu tư với 5 trụ cột trọng điểm
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu, 4 năm trước tỉnh tổ chức thành công hội nghị tương tự và phát động khởi nghiệp.
Tại hội nghị năm 2018, UBND tỉnh trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư và ký biên bản ghi nhớ 25 dự án với tổng vốn 40.315 tỷ đồng. Hiện, có 7 dự án đã đi vào hoạt động với số vốn đầu tư 2.870 tỷ đồng; 4 dự án đang triển khai xây dựng với số vốn 3.230 tỷ đồng; 2 dự án đã thực hiện thủ tục đấu giá và các dự án khác đang thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định.
Từ sau hội nghị cách đây 4 năm, địa phương tiếp tục đón tiếp, làm việc với hơn 500 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội hợp tác, nghiên cứu đầu tư. Qua đó, tỉnh đã thu hút được 101 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 67.500 tỷ đồng.
Điện gió thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo nhưng được Sóc Trăng kết hợp để phát triển du lịch trên các "cánh đồng điện gió" ven biển. Ảnh: Hàm Yên.
Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các dự án đầu tư tại Sóc Trăng là lĩnh vực công nghiệp với tỷ lệ 35% tổng số dự án. Đây là một trong những lĩnh vực góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.
Với tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, các nhà máy điện gió đứng thứ 2 trong số các dự án được triển khai tại tỉnh Sóc Trăng thời gian qua. Bên cạnh đó là các dự án được đầu tư trên các lĩnh vực thương mại, dịch vụ và xây dựng…
Hiện, toàn tỉnh Sóc Trăng có 18 dự án năng lượng tái tạo với tổng công suất 1.345,2 MW, tổng vốn đầu tư hơn 59.000 tỷ đồng. Đến nay đã có 4 dự án hoàn thành đưa vào vận hành thương mại với tổng công suất 110,8 MW…
Dự án tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo, là một trong những dự án du lịch quan trọng của tỉnh, với thời gian di chuyển chỉ khoảng 1 giờ 45 phút đã thu hút một lượng lớn khách du lịch đến Sóc Trăng, tạo ra một bước ngoặc, góp phần tăng doanh thu dịch vụ du lịch. Dự án cảng tổng hợp Cái Côn với tổng vốn đầu tư 350 tỷ đồng, kết nối giữa vận tải đường thủy và đường bộ, giúp giảm chi phí vận chuyển, tạo lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm của tỉnh.
Để phát huy tốt hơn nữa những kết quả đạt được, đồng thời tận dụng thời cơ thu hút đầu tư phát triển kinh tế, tỉnh Sóc Trăng định hướng thu hút đầu tư giai đoạn 2022 - 2025 theo 5 trụ cột với phương châm 4 đồng hành. Năm trụ cột thu hút đầu tư là dịch vụ logistics, hạ tầng công nghiệp – đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch và năng lượng tái tạo.
Cụ thể, dịch vụ logistics sẽ tập trung phát triển nhằm khai thác lợi thế vị trí được quy hoạch là cảng biển cửa ngõ miền Tây. Trọng tâm là dự án cảng biển Sóc Trăng (khu bến Trần Đề) cùng sự kết hợp, phát huy lợi thế hạ tầng giao thông đồng bộ được đầu tư trong thời gian tới như tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, cầu Đại Ngãi, tuyến đường bộ ven biển.
Ở lĩnh vực hạ tầng công nghiệp – đô thị, tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư phát triển hạ tầng tại các khu – cụm công nghiệp, khai thác lợi thế hành lang kinh tế ven sông Hậu kết nối khu vực kinh tế biển, từng bước đô thị hóa các khu vực tại huyện Trần Đề, Long Phú nhằm phát triển đồng bộ khi các dự án cảng biển, khu công nghiệp được hình thành. Trong đó có các dự án đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp tại Kế Sách, Vĩnh Châu, Long Phú với tổng diện tích gần 700 ha dọc theo tuyến quốc lộ Nam Sông Hậu, các dự án đầu tư khu đô thị mới trên địa bàn các huyện Trần Đề, Long Phú, TP Sóc Trăng.
Về nông nghiệp công nghệ cao, Sóc Trăng ưu tiên thu hút vào các ngành nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sản xuất nông nghiệp kết hợp chế biến, chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng và giá trị nông sản Sóc Trăng với các dự án thu hút đầu tư tiêu biểu là khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái (662 ha tại Phân trường Thạnh Trị, thị xã Ngã Năm), khu nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái (314 ha tại Phân trường Mỹ Phước, huyện Mỹ Tú).
Đối với du lịch, tỉnh phát triển du lịch theo định hướng khai thác thế mạnh về du lịch sinh thái, lễ hội, tâm linh; kết hợp kêu gọi đầu tư phát triển ngành nghề dịch vụ, thương mại chất lượng cao; du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí.
Ở lĩnh vực này, Sóc Trăng cũng thu hút đầu tư du lịch chợ nổi kết hợp với phát triển các loại hình văn hoá trên sông; du lịch sinh thái, miệt vườn trên hệ thống cù lao dọc sông Hậu và khu vực ven biển gắn với tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo. Trong đó có sân golf 79 ha tại xã Song Phụng, huyện Long Phú; dự án khu lâm viên, vui chơi giải trí, tham quan du lịch 20,65 ha tại phường 9, TP Sóc Trăng.
Khu công nghiệp Trần Đề nằm gần cửa biển Trần Đề. Địa phương này là nơi kết nối cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Ảnh: Hàm Yên.
Về năng lượng tái tạo, Sóc Trăng có 72 km bờ biển nên rất có lợi thế để phát triển điện gió ngoài khơi. Trong thời gian tới, sau khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, tỉnh sẽ thu hút đầu tư các dự án điện gió ngoài khơi với tổng công suất dự kiến 5.250 MW.
Theo Chủ tịch UBND Sóc Trăng tỉnh Trần Văn Lâu, địa phương cam kết thực hiện phương châm 4 đồng hành. Đó là cùng nhà đầu tư nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư phù hợp quy hoạch, đồng thời đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư; cùng nhà đầu tư trong giải quyết các thủ tục hành chính để triển khai dự án; đồng hành cùng nhà đầu tư trong hoạt động đầu tư xây dựng công trình, cam kết đầu tư hạ tầng, đường giao thông, cấp điện, nước, thông tin liên lạc đến chân hàng rào dự án và đồng hành cùng nhà đầu tư giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong suốt quá trình đầu tư, hoạt động của dự án.