Quân khu 9 chở nước ngọt về miền Tây cấp miễn phí cho người dân

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Nhiều hộ dân ở Cà Mau thiếu nước ngọt từ sau Tết Nguyên đán 2024 đến nay. Một số người mua nước ngọt dưới ghe với giá 45.000/m3. Còn Bạc Liêu đã đưa ra 3 kịch bản ứng phó với hạn mặn

Ngày 8/4, 3 tàu của lực lượng của Lữ đoàn Vận tải 659 (Cục Hậu cần Quân khu 9) đã chở theo khoảng 1.700m3 nước sạch đến tỉnh Cà Mau, cung cấp miễn phí cho người dân tại các huyện U Minh, Thới Bình và Trần Văn Thời. Ngoài việc cấp nước ngọt miễn phí, đơn vị còn tặng các dụng cụ trữ nước cho người dân khó khăn không có điều kiện mua sắm.

Sử dụng nước ngọt 3 ngày tốn 160.000 đồng

Đại tá Trần Bá Lộc, Chính ủy Cục Hậu cần Quân khu 9, cho biết Quân khu đã và đang ngày đêm sát cánh cùng chính quyền, nhân dân các ở nhiều tỉnh, thành ở miền Tây nhằm triển khai các biện pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống người dân.Quân khu 9 chở nước ngọt về miền Tây cấp miễn phí cho người dân - 1Tàu chở nước ngọt của Quân Khu 9 đã đến Cà Mau ngày 8/4. Ảnh: Anh Thanh.

Tại xã Biển Bạch của huyện Thới Bình, Lữ đoàn Vận tải 659 sẽ cấp khoảng 320 khối nước sạch. Dự kiến Cục Hậu cần Quân khu 9 sẽ cấp nước tại tỉnh Cà Mau đến ngày 12/4, rồi sẽ tiếp tục vận chuyển nước sạch đến những vùng hạn hán, xâm nhập mặn khác để giúp đỡ người dân.

Trò chuyện với phóng viên, bà Nguyễn Thị Đậm ở xã Biển Bạc, cho biết gia đình thiếu nước sạch sinh hoạt từ sau Tết Nguyên đán 2024.  Gia đình này phải mua nước dưới ghe giá 45.000 đồng/m3, khoảng 3 ngày sử dụng hết 160.000 đồng tiền nước sạch.

Hiện, Cà Mau có hơn 2.600 hộ bị thiếu và không chủ động được nguồn nước sinh hoạt do hạn hán. Trong đó, hơn 1.700 hộ đặc biệt khó tiếp cận nguồn nước do không khai thác được nước ngầm, kênh rạch khô cạn, đường bị sụt lún, giao thông chia cắt.

Bạc Liêu đề xuất 1.000 tỷ đồng ứng phó với hạn mặn

Cùng ngày, nguồn tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bạc Liêu, cho biết tỉnh này vừa kiến nghị, đề xuất Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan xem xét đầu tư xây dựng các công trình phục vụ sản xuất, với kinh phí khoảng 1.000 tỷ đồng để ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn.Quân khu 9 chở nước ngọt về miền Tây cấp miễn phí cho người dân - 2Bộ đội vác nước ngọt đến từng nhà người dân thiếu nước ở miền Tây. Ảnh: Anh Thanh.

Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu đề xuất xây dựng cống Xẻo Chích (huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu và huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang). Dự kiến chiều rộng cống là 30 m, kinh phí đầu tư là 300 tỷ đồng;

Đồng thời, xây mới hệ thống các cống phía Bắc trục kênh Quản Lộ Phụng Hiệp, gồm 16 cống, dự kiến kinh phí đầu tư là 350 tỷ đồng (đây cũng là danh mục được đề xuất vào Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, giai đoạn II).

Cùng với đó là hỗ trợ nạo vét 8 trục kênh cấp I thuộc vùng Bắc Quốc lộ 1A của tỉnh Bạc Liêu, tổng chiều dài 120,5km, dự kiến kinh phí đầu tư là 475 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, kiến nghị Công ty TNHH MTV Khai thác Thủy lợi Miền Nam - Chi nhánh ĐBSCL tiếp tục phối hợp với tốt với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bạc Liêu vận hành có hiệu quả cống âu thuyền Ninh Quới (do Công ty trực tiếp quản lý).

Ngoài ra, Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT đầu tư xây dựng trạm bơm tại cống âu thuyền Ninh Quới, để cống âu thuyền Ninh Quới chủ động ngăn hoàn toàn nước mặn chảy về Sóc Trăng khi vận hành cống.Quân khu 9 chở nước ngọt về miền Tây cấp miễn phí cho người dân - 3Quân Khu 9 dự kiến cấp nước ngọt miễn phí tại Cà Mau đến ngày 12/4. Ảnh: Anh Thanh.

Theo dự báo của Sở NN&PTNT tỉnh Bạc Liêu trong tháng 4/2024, tình hình nuôi trồng thủy sản sẽ gặp khó khăn do nắng nóng kéo dài, độ mặn trong các ao nuôi sẽ tăng cao vượt ngưỡng gây bất lợi cho tôm nuôi.

Do đó, dự kiến trong quý II/2024, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục cho mở toàn hệ thống cống từ Giá Rai đến Láng Trâm để rút mặn ra biển Đông sau các đợt triều cường tháng 4, tháng 5/2024.

Qua đó, tạo điều kiện mở lại các cống: cống âu thuyền Ninh Quới và 6 cống phân ranh khu vực Ngã tư Ninh Quới (Bạc Liêu) để bổ sung nước ngọt từ trục Quản Lộ - Phụng Hiệp về tiểu vùng giữ ngọt của tỉnh.

3 kịch bản ứng phó hạn mặn

Để chủ động ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, UBND tỉnh Bạc Liêu đã chủ động đưa ra 3 kịch bản. Cụ thể: Kịch bản 1 là diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023 - 2024 ít gay gắt như mùa khô năm 2015 – 2016; Kịch bản 2 là diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023 - 2024 gay gắt, tương đương như mùa khô năm 2015 – 2016; Kịch bản 3 là diễn biến hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2023-2024 gay gắt hơn mùa khô năm 2015-2016.Quân khu 9 chở nước ngọt về miền Tây cấp miễn phí cho người dân - 4Cống Hộ Phòng ở Bạc Liêu đóng vai trò rât quan trọng trong việc ứng phó với hạn mặn. Ảnh: Anh Thanh.

Sau khi phân tích, tỉnh Bạc Liêu chọn kịch bản 2 là kịch bản khả thi để triển khai công tác ứng phó hạn, mặn. Kinh phí ứng phó hạn, mặn trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu theo kịch bản 2 là 21.066 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, trong kịch bản 2 đã đưa ra hai nhóm giải pháp ứng phó với El Nino.

Trong đó, nhóm giải pháp công trình là tăng cường thi công, sửa chửa hệ thống công trình thủy lợi, cấp nước sạch nông thôn; chuẩn bị phương án đắp đập tạm để tổ chức bơm chuyền vào các tháng cao điểm mùa khô cho vụ Đông Xuân.

Đối với nhóm giải pháp phi công trình, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người dân nắm rõ diễn biến thời tiết trong mùa khô, từ đó chủ động phòng tránh các tác hại đến sản xuất và đời sống, chủ động ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại có thể xảy ra.Quân khu 9 chở nước ngọt về miền Tây cấp miễn phí cho người dân - 5Công ngăn mặn Nọc Nạng ở thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Anh Thanh.

Các cơ quan chuyên môn hướng dẫn nông dân kiểm tra độ mặn trước khi bơm nước vào ruộng, tránh để nước mặn xâm nhập làm thiệt hại cây trồng. Đồng thời, tập huấn về phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn ở các huyện, thị xã, thành phố để hướng dẫn nông dân một số biện pháp bảo vệ sản xuất.

Theo nội dung kịch bản 2, vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024 từ 47.575ha giảm xuống còn khoảng 44.675ha (giảm khoảng 2.900ha ở các nơi có nguy cơ thiếu nước ngọt, trong đó thị xã Giá Rai giảm 1.000ha, huyện Phước Long giảm 1.000ha, huyện Hòa Bình giảm 300ha, huyện Vĩnh Lợi giảm 600ha), bao gồm diện tích tập trung ở phía Tây trục kênh Vĩnh Phong và diện tích ven theo các cống thuộc Tiểu vùng giữ ngọt.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Duy Khang

CLIP HOT