Quán karaoke xuống cấp khi phải đóng cửa một năm
Trước ngày kinh doanh trở lại, quản lý các quán karaoke ở Hà Nội không giấu được tâm trạng hào hứng. Tuy nhiên, họ cũng rất lo lắng bởi thiếu hụt quá nhiều nhân sự.
"Anh mang lên tầng 2, đi thang bộ giúp em nhé"; "Đây, bảo họ chở ra đằng sau đi!".
Chiều 7/4, Dương Văn Mạnh (sinh năm 1996) tất bật theo dõi hoạt động sửa chữa, dọn dẹp tại quán karaoke nơi mình làm quản lý. Chỉ còn một ngày trước khi hoạt động trở lại, quán của anh vẫn ngổn ngang đất cát, xi măng.
Từ cuối tháng 4/2021, quán của Mạnh phải tạm ngừng kinh doanh do quy định phòng dịch tại TP Hà Nội. Việc đóng cửa quá lâu khiến nhiều hạng mục trong quán như phòng hát, thang máy, thiết bị âm thanh, ánh sáng, nhà bếp, lễ tân… đều xuống cấp trầm trọng.
3-4 ngày qua, Mạnh cùng hàng chục nhân viên và thợ phải có mặt tại quán để tu sửa. Tối 6/4, nhận tin mô hình karaoke được cho phép kinh doanh trở lại, tất cả hối hả làm việc nhanh hơn với hy vọng có thể kịp đón khách với hạ tầng chỉn chu nhất.
"Suốt 11 năm hoạt động, chưa khi nào quán tôi phải đóng cửa lâu đến vậy", Mạnh chia sẻ cùng phóng viên.
Nhân viên trong quán của Mạnh lau dọn phòng hát, thiết bị trước ngày mở cửa trở lại.
Làm shipper khi chờ quán mở cửa
Suốt 2 năm Covid-19, Mạnh không nhớ được số lần phải dán giấy thông báo tạm dừng kinh doanh trước cửa quán. Dịch bệnh khó lường, quy định phòng dịch thay đổi liên tục khiến anh cũng như các nhân viên luôn phải làm việc trong tâm trạng thấp thỏm, "mở hôm nay nhưng sợ mai lại đóng".
Công việc nhiều lần gián đoạn, thu nhập của anh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đặc biệt, suốt một năm vừa qua, anh gần như không thể kiếm tiền nhờ karaoke. Trong khi nhiều nhân viên đành xin nghỉ việc và sang lĩnh vực mới, Mạnh vẫn quyết bám trụ với quán, đồng thời làm thêm nghề shipper để có tiền trang trải cuộc sống.
"Năm rồi dịch bệnh ở Hà Nội căng thẳng quá, tôi về quê vài tháng tránh dịch, sau đó lại lên thành phố phụ người quen làm shipper ở quán ăn. Quán karaoke này có mặt bằng rộng rãi nhưng chúng tôi khó có thể tận dụng để kinh doanh hàng hóa khác", anh nói.
Mạnh còn nhớ rất rõ buổi tối 6/4 khi nhận được thông báo mở cửa karaoke, anh rất vui mừng vì cuối cùng cũng được đón khách trở lại. Quán kinh doanh, đồng nghĩa anh có thu nhập đáng kể, cuộc sống sẽ bớt lo lắng và áp lực.
"Mai quán mở lại rồi, tôi chỉ mong nhanh chóng có được lại lượng khách như trước đây để ổn định nguồn thu", anh tâm sự.
Cảnh ngổn ngang tại quán của Mạnh do hoạt động tu sửa, thi công.
Nguyễn Sơn (sinh năm 1994), quản lý một quán karaoke trên đường Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy, Hà Nội), cũng chung tâm trạng hồi hộp và hào hứng.
Quán của anh phải đóng cửa gần một năm nay theo quy định phòng dịch, đó cũng là khoảng thời gian anh nghỉ việc và ở nhà chờ đợi cơ hội quay trở lại với nghề.
"Suốt ngày nay, tôi hồi hộp lắm, như chuẩn bị cưới vợ vậy. Tôi và anh em trong quán mong chờ phút giây được mở cửa này gần một năm nay rồi. Suốt đợt dịch, tôi không làm công việc gì khác, trước nay đều coi karaoke là nguồn thu nhập chính. Nghe tin được nhà nước cho phép kinh doanh lại, tôi rất mừng vì mình sắp có thu nhập", Sơn bày tỏ.
Theo Sơn, trong thời gian nghỉ dịch, phòng ốc quán của anh bị xuống cấp nghiêm trọng với nhiều thiết bị, bàn ghế hư hại. Cách đây ít lâu, chủ đầu tư phải chi khoảng 3 tỷ đồng để sửa chữa các phòng hát thuộc tầng 2, 3 của quán.
Còn khu vực sảnh chờ tầng một và bảng biển quảng cáo, bên Sơn cũng muốn sửa sang nhưng cạn kinh phí. Anh cho biết sẽ chờ quán có doanh thu ổn định, sau đó mới có tiền cải tạo nốt những phần còn lại.
"Đúng thời điểm này, chúng tôi đến hạn đóng tiền thuê nhà một năm nên quả thực không còn tiền, phải tạm dừng lại việc sửa chữa. Sau này, có tiền rồi, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cấp phòng đẹp hơn, âm thanh hay hơn để thu hút khách", Sơn chia sẻ.
Sơn tranh thủ lau dọn bàn ghế, hào hứng chờ đón khách vào ngày 9/4.
Thiếu nhân viên
Ngồi lướt điện thoại, Sơn cho biết cách đây 3 tiếng anh vừa đăng tin tuyển nhân viên lên mạng xã hội, nhấn mạnh mức lương thưởng hấp dẫn, nhưng chưa một ai phản hồi.
Trước dịch, quán karaoke của anh luôn có khoảng 22-25 nhân sự làm việc cùng lúc. Giờ đây, tổng số thành viên chỉ còn 3 người.
Thời gian nghỉ dịch quá lâu chính là nguyên nhân khiến hầu hết nhân viên của Sơn "rơi rụng". Anh cho biết nhiều anh em của mình phải chuyển nghề sang làm shipper, chạy xe ôm công nghệ hoặc về quê làm việc trong các xí nghiệp, nhà máy.
"Thời điểm này, tìm nhân sự, đặc biệt là người biết việc, rất khó. Đồng thời, mọi người vẫn có tâm lý do dịch bùng phát lại, karaoke phải đóng cửa nên dè chừng".
Với 3 nhân viên, Sơn khẳng định quán sẽ rất vất vả để vận hành trơn tru như trước. Mỗi ngày, anh vẫn đang cố gắng tìm kiếm thêm người mới, hy vọng có đủ nhân sự phục vụ cho các dịp nghỉ lễ sắp đến.
"Những ngày đầu tiên, chắc chắn chúng tôi sẽ rất khó khăn do thiếu người làm, lượng khách lại chưa ổn định. Tuy nhiên, tôi tin rằng tình hình sẽ sớm khả quan thôi. Bây giờ, nếu có thêm đợt đóng cửa nữa, tôi thật sự sợ hãi, chẳng biết làm gì", anh cho hay.
Quán karaoke của Trí hư hại nhiều thiết bị, hạng mục nhưng chưa kịp sửa chữa. Anh cũng đối mặt tình trạng thiếu nhân viên.
Thiếu nhân viên cũng là tình trạng của rất nhiều quán karaoke trên địa bàn Hà Nội. Trong khi đa số quán quyết định mở cửa trở lại đúng ngày quy định và cố gắng duy trì hoạt động, một số nơi vẫn đành hoãn kế hoạch tái khai trương bởi không còn một ai phụ việc.
Theo Nguyễn Trí (sinh năm 1990), quản lý một quán karaoke trên đường Lê Đức Thọ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), quán của anh có hơn 20 phòng hát nhưng hiện chỉ có khoảng 10 nhân viên làm việc. Đó hầu hết đều là nhân sự cũ, gắn bó từ thời điểm trước dịch. Nhận quy định mở cửa đột ngột, anh chưa kịp tuyển thêm người mới.
"Việc tuyển người bây giờ là rất khó vì karaoke đóng cửa quá lâu, nhân sự trong ngành đã chuyển hướng sang công việc khác mất rồi. Giờ chúng tôi phải cạnh tranh với nhiều bên khác để có được người làm thạo việc. Đối với các bạn chưa có kinh nghiệm, việc đào tạo, hướng dẫn cũng mất khá nhiều thời gian", anh nói.
Chiều 6/4, UBND Hà Nội đã có văn bản về việc điều chỉnh một số biện pháp thích ứng an toàn với dịch bệnh. Trong đó, các loại hình kinh doanh dịch vụ như karaoke, quán bar, game... sẽ được mở lại từ 0h ngày 8/4, sau gần một năm đóng cửa vì dịch bệnh.
UBND Hà Nội yêu cầu chủ kinh doanh các dịch vụ trên đảm bảo các điều kiện theo quy định, khuyến cáo khách hàng có biểu hiện nghi ngờ như ho, sốt không sử dụng dịch vụ tại các điểm trên.
Đây là đoàn khách quốc tế lớn đầu tiên tham quan TP.HCM, kể từ khi TP chính thức mở cửa đón khách quốc tế từ ngày...