Quận 1"hái ra tiền" từ thu phí vỉa hè, nhiều quận chậm tiến độ triển khai

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Sau gần 3 tuần thí điểm thu phí sử dụng vỉa hè tại 11 tuyến đường ở quận 1, đã có 193 hộ đăng ký, dự kiến mang về hơn 770 triệu đồng cho ngân sách.

Sau gần 3 tuần thí điểm thu phí sử dụng vỉa hè cho kinh doanh tại 11 tuyến đường ở quận 1, mô hình này đã thu hút sự quan tâm của dư luận và mang lại những tín hiệu tích cực ban đầu. Tuy nhiên, bên cạnh những thành công, vẫn còn tồn tại một số "vướng mắc" cần được giải quyết để đảm bảo triển khai hiệu quả trên toàn địa bàn thành phố.

Quận 1"hái ra tiền" từ thu phí vỉa hè, nhiều quận chậm tiến độ triển khai - 1

Kết quả tích cực tại quận 1

Theo UBND quận 1, tính đến ngày 29/5, đã có 193 hộ đăng ký sử dụng tạm thời vỉa hè để kinh doanh tại các tuyến đường thí điểm. Phường Bến Thành có số lượng hộ đăng ký cao nhất với 129 trường hợp, tiếp theo là phường Cầu Ông Lãnh (12 trường hợp) và phường Đa Kao (15 trường hợp).

Tổng diện tích vỉa hè dự kiến sử dụng tạm thời là 1.459m2, tập trung nhiều nhất tại các tuyến đường Lê Thánh Tôn (71 trường hợp), Phan Bội Châu (34 trường hợp) và Phan Chu Trinh (23 trường hợp).

Mức phí thu được dự kiến hơn 770 triệu đồng, góp phần vào ngân sách địa phương và tạo nguồn lực để duy trì trật tự đô thị.

Nhiều người dân bày tỏ sự ủng hộ đối với mô hình thu phí sử dụng vỉa hè. Họ cho rằng việc này giúp quản lý đô thị hiệu quả hơn, giảm thiểu tình trạng lấn chiếm vỉa hè trái phép, đảm bảo an toàn giao thông cho người đi bộ.

"Trước đây, vỉa hè thường xuyên bị lấn chiếm để kinh doanh, gây mất mỹ quan đô thị và cản trở người đi bộ. Việc thu phí giúp giải quyết vấn đề này và tạo sự công bằng cho các hộ kinh doanh", một người dân trên đường Lê Thánh Tôn chia sẻ.

Mô hình thu phí sử dụng vỉa hè được đánh giá cao bởi tính minh bạch, công khai. Người dân có thể dễ dàng đăng ký sử dụng qua phần mềm, được cấp phép và đóng phí theo quy định.

Nhiều địa phương "chậm tiến độ"

Tuy nhiên, bên cạnh quận 1, nhiều địa phương khác trên địa bàn TP.HCM như TP Thủ Đức, quận 7, quận Bình Thạnh... còn chậm triển khai mô hình thu phí sử dụng vỉa hè.

Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, các địa phương này vẫn chưa có ý kiến góp ý về việc đề xuất danh mục các tuyến đường đủ điều kiện thu phí. Việc này khiến cho việc ban hành quy định và triển khai thí điểm gặp nhiều khó khăn.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã đề nghị các địa phương khẩn trương hoàn thiện thủ tục để triển khai mô hình thu phí sử dụng vỉa hè trên toàn địa bàn thành phố.

Theo quyết định 32, các trường hợp được sử dụng một phần lòng đường, hè phố và đóng tiền gồm: tổ chức các hoạt động văn hóa (thể thao, diễu hành, lễ hội) và điểm giữ ô tô phục vụ hoạt động văn hóa; điểm kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa; giữ xe có thu tiền dịch vụ...

Vỉa hè thuộc diện cho sử dụng một phần phải rộng ít nhất 3m, trong đó 1,5m dành cho người đi bộ.

Trên cơ sở này, HĐND TP.HCM sau đó ban hành mức phí để áp dụng cho từng trường hợp sử dụng, hiệu lực từ đầu năm nay. Ngoài quận 1, nhiều quận huyện khác trên địa bàn cũng đang rà soát, lập danh mục các tuyến đủ điều kiện tổ chức các hoạt động có thu phí.

Mức phí được áp dụng dựa trên giá đất bình quân tại 5 khu vực, ở nội thành sẽ cao hơn ngoại ô. Mức thấp nhất cho hoạt động giữ xe là 50.000 đồng, cao nhất 350.000 đồng/m²/tháng, các hoạt động khác áp dụng 20.000-100.000 đồng/m².

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hàn Mai

CLIP HOT