Phú Quốc không 'chặt chém' du khách
Thực tế, giá cả hàng hóa, hải sản ở Phú Quốc có cao hơn, do nguồn nguyên vật liệu phải nhập từ đất liền về, làm phát sinh chi phí.
Phú Quốc là nơi du lịch được nhiều du khách ưa thích. Ảnh: P.Q.
Theo ông Bùi Quốc Thái, giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang, bên cạnh đó là chi phí thuê mặt bằng cao, tiền công trả cho người lao động; chi phí quảng bá, hoa hồng cho đối tác… từ đó dẫn đến giá dịch vụ có cao hơn nơi khác, nhưng không có chuyện "chặt chém" vì giá cả đã có niêm yết, du khách có thể lựa chọn tùy theo khả năng tài chính của mình.
Dịp lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, Phú Quốc đón hơn 112.000 lượt khách, giảm 11,5% so với cùng kỳ; tổng thu từ dịch vụ du lịch đạt trên 132,5 tỉ đồng, giảm 24,3% so với cùng kỳ. Qua số liệu thống kê có thể thấy lượng khách đến Phú Quốc có giảm so với cùng kỳ năm rồi.
Ông Thái cho rằng, nguyên nhân là do kinh tế trong những tháng đầu năm 2023 khó khăn, lạm phát, giá cả tăng, đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, thu nhập của người dân… tác động đến nhu cầu đi du lịch của du khách. Giá vé máy bay tăng cao, nhất là các tuyến bay từ các tỉnh, thành phía Bắc đến Phú Quốc, làm ảnh hưởng đến nhu cầu lựa chọn điểm đến của du khách.
Phú Quốc được định hướng quy hoạch là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao mang tầm quốc tế, nên việc đầu tư từ kết cấu hạ tầng đến cơ sở vật chất kỹ thuật đều được chú trọng đầu tư mang tính đẳng cấp.
Những năm qua, Phú Quốc liên tục ghi tên mình tại các giải thưởng toàn cầu về du lịch và khẳng định thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới. Do đó giá cả tại Phú Quốc cao hơn các nơi khác cũng là dễ hiểu.
Tuy nhiên, không có nghĩa là du khách có thu nhập thấp không thể đến Phú Quốc du lịch. Vấn đề là du khách phải lựa chọn cách thức, phương tiện di chuyển, dịch vụ, sản phẩm du lịch phù hợp với khả năng tài chính của mình.