Phát triển du lịch sinh thái vùng Lung Ngọc Hoàng
Hậu Giang đang đề xuất Bộ Văn hóa - Thể Thao và Du lịch đưa Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng bổ sung vào danh mục địa điểm tiềm năng phát triển các khu du lịch quốc gia giai đoạn 2021-2030.
Đến Lung Ngọc Hoàng, du khách được ngồi vỏ lãi và ngắm nhiều cảnh vật thơ mộng nơi đây. Ảnh: Hữu Phước.
Khu Bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng có hơn 2.800 hecta gồm khu bảo vệ nghiêm ngặt, khu hành chính phục vụ và khu phục hồi sinh thái. Nơi đây có hơn 330 loài thực vật, 206 loài thực vật, có nhiều loài nằm trong danh sách đỏ của Việt Nam và thế giới.
Du lịch là 1 trong 4 trụ cột phát triển kinh tế - xã hội của Hậu Giang, tỉnh xác định khu bảo tồn sẽ là nơi tiềm năng và lợi thế phát triển trong tương lai.
Hậu Giang sẽ có nghiên cứu đánh giá và tính toán lại đề án phát triển du lịch sinh thái, theo hướng vừa phát triển du lịch, vừa bảo tồn thiên nhiên gắn với phát triển kinh tế…
Lung Ngọc Hoàng là tên gọi một vùng trũng, ngập nước nổi tiếng nằm lọt giữa hai xã Phương Bình và Phương Phú thuộc huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cách thành phố Cần Thơ chừng 40km về phía Đông Nam sông Hậu.
“Lung” trong cách nói của người miền Tây chỉ vùng đất ngập nước và có nhiều cây, cá, chim, thú... Chưa ai rõ cái tên Lung có từ thuở nào, tương truyền xưa kia, nơi đây được mệnh danh là “vùng đất chết”, nước ngập quanh năm, cỏ dại mọc cao trải rộng ngút ngàn, chằng chịt dây leo, mênh mông hoang vắng, đi lạc vào vùng này khó có thể tìm được lối ra, cư dân quanh vùng gọi là Lung “Trời sanh”, lâu ngày được đổi thành “Ngọc Hoàng” cho thêm phần kính cẩn.
Theo nhà văn Sơn Nam, thì Lung này là một vùng đất thấp, trũng, hoang vu đầy lau sậy, người Pháp gọi là đồng sậy - Plaine des Roseaux... Truyền thuyết dân gian cho rằng, cách cả ngàn năm trước, nơi đây có nhiều đàn voi (tượng) di chuyển, kiếm ăn từ nơi này sang nơi khác, những bầy voi đi làm lún đất, sụt lở, tạo thành những lung, bưng, vũng, mương, bàu, lạch.