Ông Phan Văn Mãi: Giãn cách thêm 1 tháng để từng bước đưa TP.HCM về bình thường mới
Hiện nay nguy cơ tái bùng phát mạnh hơn, khốc liệt hơn nếu TP.HCM mất cảnh giác, chủ quan. Vì vậy sẽ phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội thêm 1 tháng nữa để từng bước đưa TP.HCM trở về trạng thái bình thường mới.
Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi - Ảnh: THẢO LÊ
Sáng 15-8, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi tham dự lễ phát động "Phát huy sức mạnh toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19" và ra mắt trung tâm tiếp nhận và hỗ trợ hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân khó khăn do dịch COVID-19".
Phát biểu tại cuộc họp, ông Phan Văn Mãi cho biết tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp. Các tỉnh xung quanh TP có số ca nhiễm mới tăng nhanh những ngày gần đây. Tại TP.HCM, số ca nhiễm của TP vẫn còn cao, hệ thống điều trị quá tải, công tác tiếp nhận điều trị có lúc có nơi chưa đáp ứng kịp, tỉ lệ tử vong chưa giảm.
"Hiện nay, nguy cơ tái bùng phát mạnh hơn, khốc liệt hơn nếu chúng ta mất cảnh giác, chủ quan", ông Mãi nói.
Do đó, theo ông Mãi, việc kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15-9 như nghị quyết 86 của Chính phủ đặt ra cho TP.HCM nhiều thách thức, nhưng đây cũng là mong muốn chung của cả TP.
TP sẽ ưu tiên tối đa công tác phòng, chống dịch, đặt sức khỏe tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết.
Vì vậy sẽ phải kéo dài thời gian giãn cách xã hội thêm 1 tháng nữa để tập trung khống chế nguồn lây nhiễm, đưa số ca nhiễm về mức thấp nhất, đưa số ca bệnh về dưới công suất điều trị của hệ thống y tế. "Chỉ có như vậy mới có thể từng bước đưa TP trở về trạng thái bình thường mới", ông Mãi nói.
Để khống chế được dịch bệnh, ông Mãi kêu gọi cán bộ, chiến sĩ, đồng bào TP tiếp tục đồng lòng, chung sức và phát huy vai trò to lớn của nhân dân trong phòng, chống dịch.
TP sẽ nỗ lực nhiều hơn nữa để bảo đảm cung ứng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu thiết yếu hằng ngày của nhân dân; đồng thời phát động phong trào “lấy sức dân chăm lo cho dân” và huy động tất cả những gì có thể từ nguồn ngân sách nhà nước, các nguồn lực xã hội.
Sớm triển khai các gói an sinh để người nghèo, người già neo đơn, lao động tự do, mất việc làm và tất cả những người khó khăn có cuộc sống bảo đảm cơ bản cho đến khi TP chuyển sang trạng thái bình thường mới, trong đó có việc đưa vào hoạt động Trung tâm An sinh xã hội TP.
Việc bảo đảm tỉ lệ tiêm chủng vắc xin có ý nghĩa quyết định chiến lược phòng chống dịch. Theo ông Mãi, mặc dù TP đã chủ động tìm mua vắc xin từ sớm và được Chính phủ chấp thuận nhưng hiện nay vẫn rất khó khăn về nguồn cung.
Vì vậy, cần huy động và sử dụng tối đa mọi nguồn vắc xin hiện có, tiêm chủng kịp thời các loại vắc xin được Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế cấp phép để mở rộng diện bao phủ vắc xin.
Kiểm soát dịch trước ngày 15-9 là mong muốn chung của đồng bào TP.HCM Phát biểu tại Hội nghị Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM mở rộng, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhận xét, kết quả chống dịch vừa qua cho thấy TP đã đi đúng hướng trong nỗ lực kiềm chế dịch bệnh bằng kết hợp sức mạnh tổng hợp. Dù vậy, biến chủng Delta gây ra sự lây nhiễm hết sức phức tạp. Số ca mắc mới vẫn còn cao, tỉ lệ tử vong chưa giảm. Thực tế, sau nhiều lần giãn cách xã hội và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt, TP vẫn chưa chặn đứng được ca mắc mới trong cộng đồng và khu phong tỏa. Ông Nên chỉ ra ngoài sự nguy hiểm khó lường của biến chủng Delta, đặc thù của một TP có dân số rất đông (hơn 10 triệu người), nhiều khu vực có nhà ở chật hẹp, người ở đông đúc khiến việc chống dịch có lúc gặp lúng túng... Ông Nên nhấn mạnh thực hiện yêu cầu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15-9 theo nghị quyết 86 cũng là mong muốn chung của đồng bào TP và cả nước. Đây còn là trách nhiệm và thử thách rất lớn đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP. Vì vậy, ông yêu cầu TP tập trung toàn lực để thực hiện có hiệu quả các biện pháp đề ra. |
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi khẳng định TP.HCM sẽ tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của...