Nhìn từ trên cao xuống vùng đất còn nhiều rừng nhất ở Bình Phước
Huyện Bù Đăng là địa phương có diện tích đất rừng lớn nhất tỉnh Bình Phước. Tỉnh đang phát triển việc trồng rừng ở đây và thực hiện kế hoạch trồng khoảng 1.000 ha cây gỗ gáo vàng ở vùng bán ngập hồ thủy điện Thác Mơ.
Huyện Bù Đăng là địa phương có diện tích đất rừng lớn nhất tỉnh Bình Phước. Tỉnh đang phát triển việc trồng rừng ở đây và thực hiện kế hoạch trồng khoảng 1.000 ha cây gỗ gáo vàng ở vùng bán ngập hồ thủy điện Thác Mơ.
Đây là không gian bạt ngàn vùng đất Bù Đăng tỉnh Bình Phước giáp ranh tỉnh Đắk Nông. Cách đây khoảng 25 năm về trước, tại đây chủ yếu là diện tích rừng tự nhiên.
Thời gian sau này, nhiều khoảng rừng đã trở thành đất nông nghiệp để người dân phát triển kinh tế. Những cây cổ thụ chỉ còn lại gốc trơ trọi nằm trong vườn cao su. Tuy nhiên, hiện Bù Đăng vẫn là địa phương có diện tích đất rừng lớn nhất tỉnh Bình Phước.
UBND tỉnh Bình Phước cho biết, tính đến ngày 31.12.2022, diện tích đất có rừng toàn tỉnh là 155.789 ha. Tỷ lệ che phủ rừng giảm còn 22,66% (năm 2022) so với 22,79% năm 2021. So sánh với số liệu công bố hiện trạng rừng tỉnh Bình Phước năm 2021 thì diện tích giảm 873ha (năm 2021 là 156.662ha).
Toàn tỉnh hiện có 55.977 ha là rừng tự nhiên, đây là điều đáng chú ý khi diện tích rừng tự nhiên ghi nhận tăng 131,28 ha (năm 2021 là 55.846,5 ha).
Trong tổng số diện tích đất có rừng của Bình Phước thì huyện Bù Đăng chiếm 1/3 với 54.378ha, trong đó có 7.627 ha rừng tự nhiên. Bù Đăng cũng là địa phương có tỉ lệ che phủ rừng cao ở tỉnh Bình Phước với 36,2%.
Những năm gần đây, tỉnh Bình Phước bắt đầu chú trọng phát triển rừng. Năm 2022, ghi nhận gần 100.000 ha là rừng trồng thành rừng. Tuy nhiên diện tích đất chưa có rừng ở Bình Phước hiện nay còn khá lớn. UBND tỉnh Bình Phước cho biết, có khoảng 16.000ha là đất chưa có rừng. Trong đó, các khu bán ngập như trong hình ở xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng có diện tích khá lớn.
Hiện nay, Kiểm lâm tỉnh Bình Phước đang phát triển rừng, khôi phục mạnh mẽ diện tích rừng ở huyện Bù Đăng.
Tiến hành trồng rừng bán ngập tại lòng hồ thủy điện Thác Mơ và trồng rừng thay thế trên diện tích đất rừng phòng hộ tại Bù Đăng.
Theo kế hoạch, đến năm 2024 sẽ có khoảng gần 1.000 ha ở khu vực bán ngập hồ thủy điện Thác Mơ được trồng rừng.
Cây gáo vàng là loại cây thân gỗ cho giá trị kinh tế cao được lựa chọn để trồng tại những vùng bán ngập ở huyện Bù Đăng.
Chung tay với tỉnh Bình Phước, ngày 3.6, các hội viên Hội Nhà Báo Việt Nam đã trồng 3.300 cây gáo vàng trên diện tích 3,4 ha tại trảng cỏ Bù Lạch, xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng.
Việc trồng rừng nhằm tạo vành đai rừng phòng hộ tại vùng bán ngập để hạn chế bồi lắng lòng hồ, đồng thời tạo môi trường cho chim, cá và động vật thủy sinh cư trú.
Bên cạnh đó tạo cảnh quan môi trường phục vụ du lịch sinh thái vùng lòng hồ, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng trên địa bàn tỉnh Bình Phước.