Ngành du lịch đối mặt nguy cơ khủng hoảng lao động khi "hậu Covid-19"

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Du lịch là lĩnh vực chịu tác động sớm nhất và nặng nề nhất của đại dịch Covid-19. Ngành này có nguy cơ thiếu hụt lao động cho quá trình phục hồi sau khi đại dịch qua đi.

Lao động du lịch bỏ nghề vì dịch kéo dài

Theo thống kê cả nước có 4,9 triệu lao động làm việc trong lĩnh vực du lịch, trong đó có những nhân công ở những mảng có liên quan. Dịch Covid-19 khiến nhân lực ngành du lịch phần lớn bị mất việc làm, số ít còn lại làm việc cầm chừng, nhiều người buộc phải chuyển đổi ngành nghề khác để kiếm sống.

Ngành du lịch đối mặt nguy cơ khủng hoảng lao động khi "hậu Covid-19" - 1

Đại diện các doanh nghiệp và chuyên gia "hiến kế" phục hồi ngành du lịch tại cuộc Hội thảo "Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển" vừa tổ chức tại Nghệ An (Ảnh: Hoàng Lam).

Năm 2020, các doanh nghiệp trong ngành du lịch lần lượt phải cắt giảm nhân sự từ 70-80%. Trong năm 2021, số lượng lao động vẫn làm đủ thời gian chỉ chiếm 25% so với năm 2020, lao động nghỉ việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động chiếm khoảng 30%, lao động tạm nghỉ việc khoảng 35%, 10% lao động làm việc cầm chừng.

Tại Thừa Thiên Huế, khảo sát 472 cơ sở lưu trú vào năm 2020 cho thấy có 6.228 người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 chiếm 89% tổng số lao động. Trong đó, nhân viên chịu ảnh hưởng nhiều nhất với 5.376 người, chiếm tới 86% lao động bị ảnh hưởng được khảo sát.

Cụ thể, có gần 2.500 lao động bị giảm lương, giảm công làm; 669 lao động phải nghỉ không lương có hỗ trợ; 1.298 lao động nghỉ không lương không hỗ trợ và có tới 936 lao động bị cho thôi việc.

Ngành du lịch đối mặt nguy cơ khủng hoảng lao động khi "hậu Covid-19" - 2

Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng: Chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố then chốt để tạo ra sự đổi mới và đột phá cho giai đoạn phục hồi, phát triển trong bối cảnh mới (Ảnh: Hoàng Lam).

Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người lao động mà còn kéo theo nguy cơ thiếu hụt nhân lực cho ngành du lịch trong thời gian tới.

Sau 2 năm du lịch đóng băng, chị Lê Vân Anh (nhân viên một công ty du lịch tại TP Vinh, Nghệ An) chuyển sang kinh doanh quần áo trẻ em, đồ ăn vặt để duy trì cuộc sống. Mới đây, chị xin vào làm việc hành chính tại một cơ sở mầm non tại TP Vinh với mức lương chưa bằng 1/2 so với trước đây.

Kế hoạch quay trở lại với công việc yêu thích của chị Vân Anh vẫn đang "để ngỏ" bởi hiện các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn dù đã tái khởi động vẫn khá dè dặt, lượng khách có nhu cầu du lịch ngoại tỉnh chưa nhiều, trong khi du lịch nội tỉnh ít có nhu cầu tìm đến các công ty lữ hành mà tự tổ chức theo từng nhóm nhỏ để tiết kiệm chi phí.

Ngành du lịch đối mặt nguy cơ khủng hoảng lao động khi "hậu Covid-19" - 3

Sau 2 năm "lay lắt" vì dịch Covid-19, chị Lê Vân Anh - quyết định tìm cho mình con đường mới, trở thành nhân viên văn phòng tại một cơ sở giáo dục (Ảnh: Hoàng Lam).

"Tôi cũng kiên nhẫn chờ cơ hội để quay trở lại công việc nhưng trong tình thế này phải lựa chọn con đường khác, dù rất tiếc. Chúng tôi cần sự ổn định để lo cho cuộc sống và chăm lo cho gia đình. Nhiều đồng nghiệp cùng công ty cũ của tôi hiện cũng đã ổn định với công việc mới", chị Vân Anh chia sẻ.

Doanh nghiệp đau đầu giữ chân người lao động

Tại Hội thảo du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển diễn ra vừa qua tại thị xã Cửa Lò (Nghệ An), nhiều giải pháp để phục hồi ngành du lịch đã được nêu ra, trong đó có nhóm giải pháp phục hồi nguồn nhân lực.

Đại dịch kéo dài 2 năm và những hậu quả tiếp sau đã khiến lao động trong ngành du lịch lâm vào cảnh thất nghiệp hay chuyển việc. Vì vậy, để chuẩn bị cho sự phục hồi của ngành, việc thu hút lại nguồn nhân lực này là một trong những vấn đề vô cùng cấp thiết.

Theo Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố then chốt để tạo ra sự đổi mới và đột phá cho giai đoạn phục hồi, phát triển trong bối cảnh mới. Bởi vậy, chính sách hỗ trợ để duy trì và tăng cường chất lượng nguồn nhân lực du lịch theo chiến lược phát triển nguồn nhân lực du lịch đáp ứng yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, địa phương và năng lực cạnh tranh quốc gia được xem là một trong những nội dung quan trọng.

Ngành du lịch đối mặt nguy cơ khủng hoảng lao động khi "hậu Covid-19" - 4

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Vietravel đề nghị Chính phủ xem xét hỗ trợ doanh nghiệp du lịch gói vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động để duy trì nguồn nhân lực (Ảnh: Hoàng Anh).

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, trước hết phải rà soát lại tình trạng nguồn nhân lực trong giai đoạn bình thường mới, tăng cường chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho giai đoạn phục hồi thông qua các chương trình đào tạo thực tiễn tại doanh nghiệp, triển khai rà soát và xây dựng các chương trình đào tạo nhân lực trong tương lai mang tính chuyên sâu, tạo đầu ra là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, cần chú trọng hơn nữa đến đào tạo nhằm tăng cường năng lực và khả năng thích nghi của nguồn nhân lực với các biến động cũng như môi trường làm việc mới của ngành.

Thông tin được ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel - cung cấp tại Hội thảo cho thấy, đã có 18% doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch phải cho toàn bộ nhân viên nghỉ việc; 48% doanh nghiệp cho 50-80% nhân viên nghỉ việc. Ông kỳ cho rằng, thời điểm này hầu hết các doanh nghiệp đã cạn lực do dịch Covid-19 kéo dài.

Ngành du lịch đối mặt nguy cơ khủng hoảng lao động khi "hậu Covid-19" - 5

Để chuẩn bị cho sự phục hồi của ngành du lịch, việc thu hút lại nguồn nhân lực là một trong những vấn đề vô cùng cấp thiết (Ảnh: Thái Sơn).

"Để hoạt động du lịch sớm được "hồi sinh", một mặt các doanh nghiệp phải tìm mọi cách giữ chân người lao động, mặt khác rất cần được Chính phủ hỗ trợ về tài chính, đồng thời có chính sách hỗ trợ lao động thất nghiệp, để họ không bỏ ngành", ông Kỳ kiến nghị.

Chủ tịch HĐQT Vietravel đề nghị xem xét hỗ trợ doanh nghiệp gói vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động để duy trì nguồn nhân lực của doanh nghiệp. Bên cạnh đó cần có chính sách hỗ trợ, đào tạo, tạo việc làm để không bị đứt gãy lao động trong ngành du lịch. "Đây là yêu cầu có tính chất bắt buộc vì lực lượng lao động du lịch có tính đặc thù và chuyên biệt, được đào tạo và cấp thẻ hành nghề", ông Kỳ nhấn mạnh.

Tính đến hết tháng 10/2021, 9.281 hướng dẫn viên du lịch được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 với số tiền trên 34 tỷ đồng; 6.992 người được cấp thẻ hướng dẫn viên theo chính sách giảm 50% phí, số tiền giảm hơn 2,1 tỷ đồng.

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Hoàng Lam (Báo Dân Trí)

CLIP HOT