Ngành du lịch chưa thực sự đi bằng 'hai chân'
Khi đại dịch Covid-19 bùng phát, chúng ta mới giật mình nhìn lại và nhận thấy ngành du lịch chưa thực sự đi bằng ‘hai chân'.
Đó là nhận định của ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tại Diễn đàn du lịch nội địa toàn quốc 2021. Diễn đàn do Tổng cục Du lịch phối hợp cùng với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình tổ chức chiều 15/4.
Tại diễn đàn, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho biết, Du lịch và Hàng không là hai ngành bị thiệt hại nặng nề nhất trong đại dịch. Du lịch, một ngành đang tăng trưởng liên tục 4 năm ở mức 2 con số, đóng góp trực tiếp gần 10% GDP, đóng góp lan tỏa trên 18% GDP, lại bị suy thoái nghiêm trọng. Hàng chục nghìn doanh nghiệp bị phá sản hoặc ngừng kinh doanh, hàng triệu lao động phải nghỉ việc toàn bộ hay từng phần.
Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có liên quan đến nhiều ngành kinh tế khác, bởi vậy, duy trì và khôi phục các hoạt động du lịch không chỉ là nhiệm vụ cấp bách của ngành du lịch mà còn của cả nền kinh tế.
Theo ông Bình, khi chúng ta chưa mở cửa cho khách quốc tế vào Việt Nam, thì phát triển du lịch nội địa là hướng tích cực để duy trì hoạt động của ngành du lịch. Tuy nhiên, do chưa được xem là nhánh chủ lực, nên du lịch nội địa chưa thực sự được quan tâm.
Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, cho rằng du lịch nội địa vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Ảnh: Hữu Long
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cho rằng, nhiều năm qua, ngành du lịch Việt Nam vẫn thường lấy con số thị trường quốc tế làm thước đo cho sự phát triển. Quả thực, nếu dựa trên mức chi tiêu, một vị khách quốc tế chi tiêu lớn hơn mức chi tiêu của một người Việt. “Phải chăng, từ sự thực đó, chúng ta đã chú ý nhiều đến thị trường khách quốc tế mà lãng quên, chưa quan tâm đúng mức đến thị trường du lịch nội địa”, ông Hùng nói.
Theo tân Bộ trưởng, đại dịch Covid-19 đã gây ra những khó khăn chưa từng có, nhưng qua đó cũng giúp các nhà quản trị nhận thấy ngành du lịch chưa đi bằng hai chân vững vàng, đó là phát triển du lịch quốc tế và du lịch nội địa. Ngành du lịch phải thay đổi cách nghĩ, cách làm để phát triển, trong đó cần phải xác định du lịch nội địa là động lực cho ngành trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp.
“Chỉ có những con người Việt Nam yêu Tổ quốc, gắn bó với mảnh đất này mới là những du khách bền vững nhất mà ngành du lịch phải nghĩ đến phục vụ. Và quả thực, nếu tiếp cận bằng cách đổi mới từ phương pháp, cách nhìn, phong cách phục vụ thì chúng ta sẽ mở ra một thị trường du lịch nội địa mới không thua kém gì thị trường quốc tế”, ông Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo tân Bộ trưởng, muốn phát triển du lịch nội địa các bộ ngành cùng các địa phương xây dựng các gói kích cầu, sản phẩm du lịch đặc trưng; phấn đấu mỗi tỉnh, thành có ít nhất một sản phẩm du lịch riêng, mang thương hiệu và giá trị riêng để thu hút khách.
Lễ ký kết hợp tác giữa UBND tỉnh Ninh Bình với Vietnam Airlines. Ảnh: Hữu Long
Ngoài ra, các chương trình kích cầu du lịch nội địa như "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn", cần được tiếp tục đẩy mạnh triển khai tại các địa phương.
"Về lâu dài, Bộ sẽ hỗ trợ kịp thời linh hoạt cho các doanh nghiệp lữ hành, du lịch trong việc chuyển đổi thị trường, cơ cấu lại thị trường khách du lịch; mở ra hướng mới để phát triển bền vững hơn…”, ông Hùng cho biết thêm.
Bến Tràng An. Ảnh: Đào Minh Tiến
Với chủ đề "Du lịch nội địa - động lực khôi phục du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới", diễn đàn tập trung thảo luận về 2 nội dung chính, đó là du lịch nội địa - nhiệm vụ trọng tâm của du lịch Việt Nam và các giải pháp để phát triển du lịch nội địa.
Chiều cùng ngày, tại diễn đàn cũng đã diễn ra các lễ ký kết hợp tác giữa UBND tỉnh Ninh Bình với Vietnam Airlines, VISTA - Sở Du lịch Ninh Bình, bốn hiệp hội du lịch Ninh Bình – TP Hồ Chí Minh – Đà Nẵng – Cần Thơ, Hiệp hội Du lịch Ninh Bình – CLD Du lịch MICE Việt Nam, Vietnam Airlines – Doanh nghiệp Xuân Trường.