Năm 2013: Doanh nghiệp du lịch mong chờ gì?

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

Năm 2013: Doanh nghiệp du lịch mong chờ gì? - 1

Bà Nguyễn Thị Hoa Lệ (Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Hòa Bình):

“Xây dựng nhiều tour mới”

Qua thực tế cho thấy, trong hoạt động lữ hành đang có rất nhiều khó khăn, đó là sự tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, sự cạnh tranh của chính các công ty lữ hành, đặt ra làm sao vẫn giữ vững được thương hiệu, và thu hút được khách. Trong thời gian tới, ngoài hoạt động lữ hành, Công ty Du lịch Hòa Bình còn phát triển, mở khu du lịch 4 sao tại Rạch Giá (Kiên Giang), mở khách sạn, nhà hàng để phục vụ khách tại Phú Quốc, đầu tư về kinh doanh vui chơi, giải trí, xây dựng và phát triển tuyến, điểm du lịch, xây dựng nhiều tour mới để thu hút khách, phát triển du lịch MICE, đẩy mạnh công tác xã hội từ thiện, hỗ trợ các hoạt động của Hội LHPN Việt Nam.Để phát triển, ngoài sự nỗ lực của công ty, Công ty Du lịch Hòa Bình rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của TCDL, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam có ý kiến với các ngành chức năng trong việc triển khai Luật Doanh nghiệp, Luật Cạnh tranh, quan tâm về vấn đề visa, hỗ trợ về xúc tiến quảng bá, thu hút du khách. Hiện nay, nhiều đơn vị làm ăn chân chính bị thiệt thòi vì có nhiều công ty làm ăn không đúng, lộn xộn; cần có biện pháp, xử lý, chấn chỉnh kịp thời những đơn vị vi phạm pháp luật, tạo uy tín, củng cố, phát triển thương hiệu của Du lịch Việt Nam.

· Ông Lại Hữu Phương (Giám đốc Công ty Du lịch Bến Thành (TP.HCM):

“Hướng tới thị trường khách du lịch cao cấp”

Năm 2013, dự báo sẽ có rất nhiều khó khăn, công ty đã chuẩn bị xây dựng, phát triển những sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ thông tin trong chiến lược xây dựng và phát triển sản phẩm, bán hàng, đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá trên các phương tiện truyền thông, trên mạng Internet. Trong năm tới, Du lịch Bến Thành sẽ hướng tới thị trường khách du lịch cao cấp ở châu Âu, Trung Đông, Bắc Mỹ… Đồng thời, công ty sẽ chú trọng tới đối tượng khách nội địa, nhất là vào thời điểm Tết Nguyên đán nghỉ dài, công ty sẽ phát triển các tour khám phá, trải nghiệm miền Trung, đồng bằng sông Cửu Long.Trong hoạt động kinh doanh, công ty rất mong nhận được sự hỗ trợ của TCDL, Hàng không Việt Nam trong việc kết nối, tạo điều kiện trong việc được tiếp cận, giảm giá vé máy bay. Hỗ trợ việc trao đổi, học tập kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, xây dựng điểm đến, thu hút khách quốc tế, giảm giá vé, hoặc miễn phí vé tham quan, nhằm thu hút khách, thúc đẩy du lịch các địa phương phát triển.

· Bà Thượng Mỹ An (Phó Giám đốc Khách sạn Sài Gòn Continental):

“Đẩy mạnh xúc tiến quảng bá”

Năm 2013, Khách sạn Sài Gòn Continental tròn 132 năm ra đời (1880) là khách sạn 4 sao lâu đời nhất tại TP.HCM. Tháng 5/2012, khách sạn đã được công nhận là một di tích kiến trúc của TP.HCM. Trong năm 2013, chúng tôi sẽ nâng cấp, cải tạo lại khách sạn nhưng vẫn giữ lại những nét văn hóa, cổ kính, nâng cao chất lượng, dịch vụ phấn đấu trở thành khách sạn 5 sao. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ xây dựng và phát triển sản phẩm mới. Cái quan trọng là chất lượng phục vụ, chúng tôi sẽ chú trọng tới mảng ẩm thực để phục vụ khách một cách tốt nhất. Tôi nghĩ rằng, mỗi doanh nghiệp du lịch không thể tự mình phát triển được, do vậy trong năm 2013 cần phải có những hoạt động xúc tiến, quảng bá nhiều hơn, phát triển du lịch theo vùng, khu vực chứ không chỉ riêng ở thành phố. Các đơn vị cần sự liên kết, cạnh tranh lành mạnh, chứ không thể phát triển riêng lẻ, tạo nên sự đồng bộ, hỗ trợ nhau cùng phát triển.

· Ông Nguyễn Văn Trấn (Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Apex Việt Nam):

“Hạ giá thành để thu hút khách”

Năm 2013 là năm cạnh tranh căng thẳng ngay trong nội địa, mình phải hạ giá thành để thu hút khách nhưng vẫn phải đảm bảo về chất lượng dịch vụ. Do vậy, chúng tôi phải chú trọng việc tăng cường dịch vụ, để phục vụ khách tốt hơn, đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp. Công ty rất mong nhận được sự hỗ trợ của TCDL, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam và Hiệp hội Lữ hành TP.HCM, có ý kiến với các cơ quan chức năng quan tâm, hỗ trợ về cơ chế, chính sách, vấn đề thuế, lãi suất ngân hàng… Nhà nước đã xác định Du lịch là ngành kinh tế quan trọng, xuất khẩu tại chỗ, do vậy rất cần có chính sách và cơ chế hợp lý để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp làm tốt công việc của mình, thu hút du khách đến Việt Nam, góp phần thúc đẩy du lịch Việt Nam ngày càng phát triển trong xu thế hội nhập.

· Bà Lê Thị Thu Thủy (Tổng Giám đốc Khu du lịch biển Hội An):

“Tạo ra những sản phẩm riêng biệt”

Năm 2013, chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, hướng tới sự thân thiện và tạo ra những sản phẩm riêng biệt để duy trì và thu hút khách hàng. Một định hướng thứ hai là hướng tới các thị trường trọng điểm khác. Nếu như trước đây, khách du lịch châu Âu chiếm đa số thì năm nay khách sạn sẽ tìm kiếm những khách hàng mới đến từ Trung Quốc. Hiện tại, sân bay Đà Nẵng có mở những chuyến bay trực tiếp đến Đà Nẵng, vì vậy đó là cơ hội cho doanh nghiệp của mình khi mở sang thị trường châu Á. Thời gian qua, TCDL đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch hoạt động, ngành Du lịch đã có những bước phát triển so với những năm trước. Mong muốn của chúng tôi là ngành Du lịch tiếp tục đẩy mạnh những hoạt động xúc tiến về du lịch ra thế giới để quảng bá hình ảnh của Việt Nam, giới thiệu các sản phẩm du lịch, đào tạo nguồn nhân lực ngành Du lịch chuyên nghiệp hơn nữa.

· Ông Akifumi Shigematsu (Giám đốc chi nhánh H.I.S. tại Việt Nam):

“Chú trọng thị trường Nhật”

Năm 2013, công ty chúng tôi sẽ mở rộng thị trường du lịch, đặc biệt là thị trường outbound để đưa khách ra nước ngoài. Cùng với đó là tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam; giới thiệu, phổ biến nhiều sản phẩm hơn nhằm thu hút hơn nữa lượng du khách Nhật đến Việt Nam. Năm 2013, H.I.S. Sông Hàn cũng chú trọng việc nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ nhằm đảm bảo và nâng cao uy tín, thương hiệu trên thị trường. Trong điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, H.I.S. Sông Hàn sẽ quan tâm đến túi tiền của khách hàng bằng việc nghiên cứu đưa ra giải pháp tốt nhất về giá; đồng thời chúng tôi cũng mong muốn chính quyền địa phương, lãnh đạo ngành Du lịch quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ chúng tôi trong việc khảo sát giới thiệu điểm đến mới đến với du khách Nhật.

· Ông Phan Ngọc Thạch (Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Đà Nẵng):

“Tăng cường công tác tuyên truyền”

Hiện nay, các doanh nghiệp du lịch cần từ phía các cơ quan quản lý nhà nước là sự tăng cường công tác tuyên truyền. Đặc biệt, thực hiện công tác tuyên truyền có tính phổ thông để cả cộng đồng cùng tham gia vào hoạt động xúc tiến du lịch, bản thân ngành Du lịch hay chỉ các doanh nghiệp thì vẫn còn nhiều hạn chế. Nếu phát huy được sức mạnh của cả cộng đồng, ngành Du lịch sẽ có cơ hội đẩy mạnh phát triển, góp phần đưa nền kinh tế đi lên, thoát khỏi cuộc khủng hoảng.

· Bà Nguyễn Thu Thảo (Giám đốc khách sạn Petro Sông Trà):

“Cơ quan quản lý hỗ trợ nhiều hơn nữa”

Việc phát triển doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, năm 2013 khó khăn sẽ càng nhiều hơn. Doanh nghiệp rất muốn nhận được sự quan tâm hỗ trợ nhiều hơn nữa của chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước, ngành Du lịch để doanh nghiệp có sự đột phá trong bước phát triển. Có thể nói một ví dụ đơn giản, chi phí chi trả cho truyền hình cáp của doanh nghiệp hiện đang cao gấp 20 lần bình thường, điều này chắc chắn ảnh hưởng đến giá dịch vụ mà du khách được hưởng, không tạo được tính cạnh tranh của doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến hình ảnh chung của Du lịch Việt Nam. Nếu cơ quan quản lý nhà nước có thể can thiệp để giữ giá, tổ chức cho các đơn vị cùng phát triển tạm ổn trong giai đoạn kinh tế hiện nay là điều các doanh nghiệp không thể mong muốn hơn”.

Nhóm phóng viên thực hiện

(Báo Du lịch Việt Nam, số 1, từ ngày 03/01-09/01/2012)

Chia sẻ

Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo Chia sẻ zalo

CLIP HOT