Một số địa phương kích hoạt du lịch: Sẵn sàng cho ngày trở lại
Kiên Giang, Khánh Hòa, TP.HCM... đã bắt đầu kích hoạt ngành du lịch, chuẩn bị sẵn sàng cho ngày trở lại.
Triển khai kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc, trong giai đoạn đầu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang lựa chọn một số khu, điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng quy mô lớn, đủ khả năng phân chia khu nghỉ cách biệt, an toàn dành riêng phục vụ cho khách du lịch quốc tế theo các tiêu chí đặt ra. Trong khi đó, để du lịch hoạt động trở lại, tỉnh Khánh Hòa đã tiến hành tiêm vaccine phòng COVID-19 cho hơn 18.000 lao động trong ngành này; tại TPHCM, huyện Cần Giờ cũng lên kế hoạch đón khách du lịch vào cuối tháng 9.
Bãi Sao, Phú Quốc
Thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc
Xét đề nghị của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và ý kiến của các bộ, ngành, địa phương liên quan về việc triển khai Kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc, Kiên Giang, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có ý kiến tại văn bản số 6345/VPCP-KGVX ban hành ngày 10/9/2021.
Theo Phó Thủ tướng, Bộ Chính trị đã có chủ trương nghiên cứu cho thí điểm sử dụng Hộ chiếu vaccine với khách quốc tế đến một số trung tâm du lịch có thể kiểm soát được dịch bệnh như Phú Quốc, Kiên Giang (Kết luận số 07-KL/TW ngày 11/6/2021). Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý với đề xuất của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về phương án thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc.
Triển khai kế hoạch thí điểm đón khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc, trong giai đoạn đầu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang lựa chọn một số khu, điểm du lịch, khu nghỉ dưỡng quy mô lớn, đủ khả năng phân chia khu nghỉ cách biệt, an toàn dành riêng phục vụ cho khách du lịch quốc tế theo các tiêu chí đặt ra.
Trong giai đoạn tiếp theo, trên cơ sở đánh giá tình hình thực tế triển khai thí điểm sẽ xem xét, quyết định việc mở rộng phạm vi đón khách du lịch quốc tế.
Đồng thời, Bộ cũng phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang lựa chọn các đơn vị cung ứng dịch vụ như lữ hành, vận chuyển, dịch vụ du lịch… tham gia đón khách du lịch quốc tế theo các tiêu chí nhằm đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và chất lượng dịch vụ cung ứng.
Bên cạnh đó, các đơn vị cung cấp dịch vụ còn phải đáp ứng những tiêu chí riêng tùy theo mỗi loại hình để bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch.
Bãi Dài (Khánh Hòa)
Khánh Hòa: Hướng đến thị trường nội địa
Sau hơn 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, Khánh Hòa đã quay trở lại với việc thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi từng bước hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó du lịch là lĩnh vực được chú trọng.
Tại cuộc họp mới đây, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa đã đồng ý về chủ trương phục hồi hoạt động du lịch. Ngay sau đó, Sở Du lịch đã đề xuất với UBND tỉnh về việc xây dựng kế hoạch triển khai các giải pháp, hoạt động thu hút khách du lịch trong trạng thái “bình thường mới”.
Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, việc phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh có kết quả tích cực sẽ tạo thuận lợi cho việc phục hồi hoạt động du lịch trở lại. Hiện nay, tỉnh đã tiêm vaccine cho hơn 18.000 lao động trong ngành du lịch.
Các doanh nghiệp du lịch cũng đang rất nóng lòng được đón khách trở lại. Trước mắt, ngành du lịch đề xuất tập trung đón khách du lịch nội tỉnh với chương trình “Người Khánh Hòa du lịch Khánh Hòa”, tiếp đó là du lịch nội địa từ các vùng không có dịch đến Khánh Hòa. Đồng thời, tỉnh chuẩn bị các bước để triển khai đón du khách quốc tế có “hộ chiếu vaccine”.
Theo đề xuất của Sở Du lịch, Khánh Hòa sẽ đón khách nội địa đã tiêm 2 mũi vaccine (mũi thứ 2 ít nhất 14 ngày) hoặc đã tiêm 1 mũi vaccine và có giấy chứng nhận kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2; có chứng nhận đã khỏi bệnh COVID-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận.
Khách du lịch lưu trú và sử dụng dịch vụ, sản phẩm du lịch khép kín tại khu du lịch, hạn chế di chuyển. Đối với khách ngoại tỉnh, du lịch Khánh Hòa chỉ đón khách theo tour trọn gói do doanh nghiệp lữ hành tổ chức đi bằng đường bộ hoặc hàng không.
Các cơ sở đón khách du lịch phải nằm trên địa bàn các thôn, tổ “vùng xanh”; được cơ quan thẩm quyền về du lịch, y tế thẩm định đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 trước khi đi vào hoạt động. Người lao động phục vụ trong các cơ sở du lịch phải có giấy chứng nhận đã tiêm đủ 2 mũi vaccine (mũi thứ 2 ít nhất 14 ngày) hoặc có giấy chứng nhận đã khỏi bệnh COVID-19 được cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam công nhận.
Cùng với việc lên kế hoạch để triển khai đón khách du lịch nội địa, Khánh Hòa cũng đang chuẩn bị cho việc đón khách du lịch quốc tế trở lại. Theo phương án của Sở Du lịch (chủ trì) đề xuất, giai đoạn 1, Khánh Hòa sẽ tập trung đón khách một số thị trường đã kiểm soát tốt dịch.
Ngoài yêu cầu về “hộ chiếu vaccine”, khách phải có bảo hiểm sức khỏe hoặc bảo hiểm COVID-19 với mức bảo hiểm tối thiểu 200 triệu đồng cho các chi phí điều trị y tế và nằm viện liên quan đến COVID-19. Khách quốc tế có “hộ chiếu vaccine” sẽ được lưu trú, nghỉ dưỡng tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng ở Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh.
Nếu triển khai thành công, ngành du lịch sẽ tiếp tục đề xuất chọn các khu nghỉ dưỡng trên các đảo của Nha Trang như: Các khu nghỉ dưỡng của Vinpearl trên đảo Hòn Tre, khu nghỉ dưỡng Merperle Hòn Tằm… để từng bước phục hồi thị trường khách du lịch quốc tế đến Khánh Hòa.
Huyện Cần Giờ (TPHCM) lên kế hoạch đón khách du lịch vào cuối tháng 9
Ngày 12/9, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Cần Giờ để nghe báo cáo về kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế của huyện trong thời gian tới.
Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Minh Dũng, Bí thư Huyện ủy Cần Giờ cho biết, huyện đã có kế hoạch khôi phục lại ngành du lịch, trong đó xây dựng tour du lịch khép kín và dự kiến đến 30/9 có thể mở tour thí điểm đầu tiên.
"Từ khi được coi là "vùng xanh" của Thành phố, huyện đã từng bước khôi phục lại ngành kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng. Đối với ngành du lịch, huyện dự kiến sẽ xây dựng theo tour khép kín, cung đường khép kín và hành khách không được dừng dọc đường, không đi "ngang dọc" mà chỉ ở trong khu vực nhất định khi đến Cần Giờ.
Để phục vụ ngành du lịch, huyện cũng xem xét mở lại hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời, ăn uống tại chỗ với quy mô nhỏ nhưng đảm bảo giãn cách theo quy định (dưới 20 người), tùy vào mức độ kiểm soát dịch bệnh và khuyến nghị của ngành y tế", ông Lê Minh Dũng nói.
Tán đồng với việc mở cửa lại ngành du lịch, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TPHCM cho biết, với tour du lịch đầu tiên này, thành phố sẽ "chiêu đãi" lực lượng tuyến đầu sau nhiều tháng căng mình chống dịch; bởi khi đi du lịch sẽ giúp các lực lượng tuyến đầu tái tạo sức khỏe để chuẩn bị tốt nhất cho công tác tiếp theo.
Theo ông Nguyễn Văn Nên, hiện nay, huyện Cần Giờ đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh và tiếp tục cố gắng giữ vững, "trong sạch" địa bàn để phát triển dịch vụ, du lịch. Trong đó, khi phát triển du lịch, có thể khoanh từng vùng để tập trung khôi phục lại du lịch nội địa.
Một khu nghỉ dưỡng tại Côn Đảo
Côn Đảo mở lại hoạt động du lịch
Từ 15/9, khách nội địa được đến 4 cơ sở du lịch ở các huyện "vùng xanh" như Côn Đảo, Xuyên Mộc... với tour khép kín.
Ngày 12/9, UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho phép một số hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn các huyện Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ và Côn Đảo hoạt động lại từ 15/9.
Đối với hoạt động du lịch tại 4 huyện nói trên, tỉnh thí điểm các khách sạn có dịch vụ khép kín được đón khách nội địa là: Khu phức hợp Hồ Tràm Strips, khách sạn Melia Hồ Tràm, khu du lịch suối nước nóng Bình Châu (đều ở huyện Xuyên Mộc) và khu nghỉ dưỡng Six Senses Côn Đảo ở huyện Côn Đảo.
Theo đó, khách sạn tham gia thí điểm phải có dịch vụ khép kín, có khu vực giao nhận hàng hóa, khu vực cách ly riêng biệt... Nhân viên phục vụ phải được tiêm 2 liều vaccine hoặc một liều vaccine tối thiểu 14 ngày trước khi vào làm việc. Ngoài ra, nhân viên phải được xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ (xét nghiệm lặp lại sau mỗi 72 giờ), đảm bảo "3 tại chỗ", cam kết làm việc xuyên suốt trong khách sạn; được tập huấn các quy định về phòng chống dịch COVID-19.
Đối với du khách, trước khi đến khách sạn phải được xét nghiệm virus SARS-CoV-2; tiêm đủ 2 liều vaccine, thời gian đã tiêm liều cuối phải được ít nhất 14 ngày nhưng không quá 12 tháng. Mỗi khách phải được kiểm tra định kỳ khi lưu trú tại khách sạn. Đối với khách ở một tuần, kiểm tra PCR vào ngày đầu tiên và ngày thứ 6. Đối với khách ở 2 tuần, kiểm tra PCR vào ngày đầu tiên, ngày thứ 6 và ngày thứ 13.
Ở khách sạn, du khách không được đi ra khỏi khuôn viên, thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống dịch của khách sạn và địa phương, không ghép khách của các nhóm khác vào lưu trú chung phòng. Ngoài ra, du khách phải đặt phòng và đặt cọc trước cho khách sạn.
Khách được vận chuyển bằng xe riêng của khách sạn từ nơi đón ở các tỉnh, thành phố khác đến khách sạn (theo quy trình khép kín). Trong suốt quá trình di chuyển, hành khách mang khẩu trang và sử dụng dụng dịch sát khuẩn có trang bị trên xe.
Vĩnh Phúc: Các khu du lịch được hoạt động không quá 50% công suất
Tối 12/9, UBND tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Quyết định áp dụng một số biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, Vĩnh Phúc cho phép các hoạt động, dịch vụ được phép hoạt động trở lại nhưng phải áp dụng một số điều kiện hạn chế.
Cụ thể, các khu du lịch được mở cửa nhưng không được phép hoạt động quá 50% công suất và chỉ đón khách trong tỉnh.
Các sân golf, sân tập được phép hoạt động nhưng không đón quá 50% công suất. Không đón khách ngoài tỉnh, không cung cấp dịch vụ ăn uống, xông hơi...
Nhà hàng ăn uống được phép hoạt động trở lại nhưng không phục vụ đồ uống có cồn, không quá 50% công suất chỗ, không quá 20 người/phòng và đóng cửa trước 22h hàng ngày.
Tương tự, các cơ sở kinh doanh dịch vụ luyện tập thể dục thể thao hoạt động không quá 50% công suất, đóng cửa trước 22h hàng ngày.
Xe buýt, taxi, xe grab, xe khách nội tỉnh hoạt động không quá 50% số ghế ngồi và phải có sổ ghi lịch trình của khách.
Các cơ sở lưu trú được phép mở cửa nhưng không được cung cấp dịch vụ karaoke, massage. Phải thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 định kỳ 14 ngày/1 lần đối với người trực tiếp tiếp xúc với khách hàng tại cơ sở lưu trú và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định.
Các cơ sở dịch vụ spa - chăm sóc sắc đẹp, gội đầu, chăm sóc sức khỏe được phép mở của trở lại nhưng không được phép hoạt động quá 50% công suất. Phải thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 định kỳ 14 ngày/1 lần đối với người trực tiếp chăm sóc, phục vụ khách hàng và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định.
Du lịch TP.HCM sẽ bắt đầu quá trình phục hồi với điểm đến Cần Giờ theo mô hình tour khép kín, người dân TP du lịch...